BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại vào giữa năm nay

Bộ GTVT cho biết dự kiến sẽ bắt đầu thu phí BOT Cai Lậy trở lại từ khoảng giữa năm 2020.
BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại vào giữa năm nay - Ảnh 1.

BOT Cai Lậy dự kiến thu phí trở lại vào giữa năm nay. (Ảnh: Zing.vn).

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Long An tại kì họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV về giải quyết vấn đề tại trạm thu phí BOT Cai Lậy.

Cụ thể, Bộ GTVT cho biết Dự án xây dựng công trình tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1987+560÷ Km2014 và đoạn tránh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.

Công trình dự án đã hoàn thành giai đoạn đầu tư, đưa vào khai thác và bắt đầu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ từ ngày 1/8/2017.

"Tuy nhiên, khi tổ chức thu phí đã có phản ứng của một số người dân sử dụng đường dẫn đến mất an ninh trật tự và an toàn giao thông tại Trạm nên Nhà đầu tư tạm dừng thu phí từ ngày 14/8/2017", Bộ GTVT cho hay.

Sau khi BOT Cai Lậy dừng hoạt động, Bộ GTVT đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, thống nhất phương án xử lí miễn giảm phí (giảm 30% toàn bộ phương tiện và miễn 50-100% cho các phương tiện thuộc 4 xã lân cận), đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức thu trở lại.

Ngày 30/11/2017, trạm thu phí BOT Cai Lậy hoạt động trở lại nhưng tiếp tục có diễn biến phức tạp, mất an ninh trật tự.

Do vậy, Bộ GTVT đã báo cáo và tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 4/12/2017, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm dừng để nghiên cứu phương án xử lí.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã tổ chức rà soát lại toàn bộ quá trình triển khai dự án về trình tự, thủ tục; khảo sát lưu lượng giao thông; rà soát, tính toán lại toàn bộ chi phí đầu tư, có cập nhật các kết luận thanh tra, kiểm toán; cập nhật các thông số đầu vào của phương án tài chính; đàm phán sơ bộ với nhà đầu tư về các phương án và tổ chức họp lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương.

Kết quả rà soát quá trình triển khai và kết luận của các Đoàn thanh tra, kiểm toán cho thấy dự án BOT Cai Lậy được triển khai cơ bản đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo qui định pháp luật; vị trí đặt trạm thu phí đúng qui định pháp luật.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết đơn vị này cũng nhận thấy tồn tại, bất cập là công tác tuyên truyền để người dân hiểu về dự án, về hình thức đầu tư chưa được tốt, chưa phù hợp thực tiễn.

Ngoài ra, các qui định pháp luật liên quan đến hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT cũng còn những bất cập, có qui định pháp luật về thu phí theo lượt không thể đảm bảo công bằng tuyệt đối cho tất cả người sử dụng, chưa đánh giá hết các tác động khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến khi tổ chức thu phí tại trạm Cai Lậy đã có những phản ứng của một bộ phận người dân sử dụng đường.

Trên cơ sở kết quả rà soát, tính toán, Bộ GTVT đã xây dựng 5 phương án xử lí bất cập, trong đó phương án Nhà nước mua lại dự án là giải pháp xử lí triệt để nhất.

Các phương án còn lại là tiếp tục tổ chức thu phí hoàn vốn dự án, có thực hiện giảm giá vé chung cho các phương tiện và miễn, giảm giá cho chủ phương tiện khu vực lân cận trạm thu phí BOT Cai Lậy.

"Đến nay, dự án đã tạm dừng thu hơn 2 năm, Nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, ngân hàng lo ngại sẽ phải chuyển sang nhóm nợ xấu, ảnh hưởng đến uy tín và môi trường đầu tư", Bộ GTVT cho hay.

Đáng chú ý, Bộ GTVT cũng cho biết dự kiến sẽ bắt đầu thu phí BOT Cai Lậy trở lại từ khoảng giữa năm 2020.

Trước đó, ngày 25/2/2020, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết các đơn vị liên quan đã thống nhất phương án xây thêm một trạm thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy để thu phí hoàn vốn cho dự án.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.