BOT giao thông: Đề nghị kiểm soát phương tiện, doanh thu thực tế | |
Yêu cầu rà soát lại việc bố trí trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ |
Chuyên gia giao thông nói việc dự án BOT giao thông khảo sát phương tiện 2-3 ngày và suy ra lượng phương tiện cả năm là cẩu thả. Ảnh: Di Linh |
Theo Kiểm toán Nhà nước, các dự án BOT giao thông có nhiều nhược điểm, sai phạm như chỉ định nhà đầu tư, không đấu thầu; xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác; nghiệm thu, thanh toán sai sót; trạm thu phí không đảm bảo quy định khoảng cách tối thiểu...
Đáng chú ý là theo Kiểm toán Nhà nước thì nhiều đơn vị xác định lưu lượng phương tiện không phù hợp với thực tế khi dựa trên số liệu thống kế của Tư vấn khảo sát trong 2 đến 3 ngày để nội suy ra lưu lượng phương tiện 365 ngày; hoặc căn cứ kết quả khảo sát lưu lượng phương tiện của Tổng cục đường bộ Việt Nam đã cũ để nội suy.
Trao đổi với chúng tôi về nôi dung trên, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng đây là điều "không thể chấp nhận được".
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng đây là sự cẩu thả. "Cẩu thả dẫn đến thiếu chính xác khi kiểm soát lưu lượng phương tiện kéo theo việc thiếu chính xác khi xác định thời gian thu phí, ảnh hưởng chỉ tiêu doanh thu hoàn vốn của dự án", ông Thanh nói.
Các chuyên gia giao thông cho biết, việc xác định lượng phương tiện, dự báo lượng phương tiện trong tương lai sai lệch, không phù hợp thực tế có thể khiến thời gian thu phí hoàn vốn của dự án BOT tăng lên.
Được biết, hiện chưa có quy định cụ thể về việc xác định lưu lượng phương tiện giao thông qua trạm thu phí. Việc kiểm đếm lưu lượng phương tiện tại vị trí đặt trạm thu phí được thực hiện trong một số ngày như ngày đầu tuần, cuối tuần và ngày lễ.
Nhiều nhà đầu tư đang muốn bán dự án BOT giao thông vì lý do thua lỗ. Ảnh: Di Linh |
Về các nhược điểm của các dự án BOT giao thông mà Kiểm toán Nhà nước đưa ra, ông Lưu Bích Hồ nhận định có hai nguyên nhân chính dẫn đến dự án thua lỗ, gây bức xúc cho người dân.
Cụ thể, khâu đầu tư chưa được luận chứng và quyết định sát với thực tế xây dựng công trình; Khâu quản lý vận hành công trình sau hoàn thành còn nhiều vấn đề không minh bạch, không chặt chẽ.
Nhằm minh bạch các dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị nghiên cứu và đưa ra cơ chế kiểm soát lưu lượng phương tiện qua trạm, kiểm soát doanh thu thực tế của dự án; chỉ đạo các Nhà đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thu phí không dừng.
"Tôi đồng tình với đề nghị này. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là làm đúng quy định từ Luật đến các cam kết, hợp đồng; thực hiện kiểm tra giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh", nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển.
Còn theo ông Thanh, kể từ năm 2020 các trạm thu phí sẽ thực hiện hình thức thu phí không dừng và nộp tiền qua ngân hàng, không dùng vé giấy; điều này sẽ giúp giám sát chính xác lượng phương tiện, kiểm soát doanh thu.