'BOT sân bay' sẽ tiếp tục thu đến năm 2020?

ACV cho biết sẽ tiếp tục thực hiện phương án thu như hiện tại cho đến khi xây dựng phương án thu theo thời gian để triển khai thực hiện chậm nhất từ năm 2020.
BOT sân bay sẽ tiếp tục thu đến năm 2020? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Báo Đầu tư).

ACV thu tiền dùng làm gì?

Mới đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) đã cung cấp thông tin về việc thu giá dịch vụ đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không.

Cụ thể, ACV cho biết, hiện đơn vị này đang chịu trách nhiệm đầu tư, quản lí, bảo đảm tiêu chuẩn khai thác cho kết cấu hạ tầng 21 cảng hàng không trên cả nước, bao gồm hệ thống đường dẫn vào nhà ga các cảng hàng không.

"Riêng hệ thống đường dẫn vào nhà ga 21 cảng hàng không do ACV quản lí có tổng giá trị đầu tư hơn 2.500 tỉ đồng", ACV thông tin.

Đáng chú ý, đơn vị này cho biết theo Kết luận số 2569/KL-TTCP ngày 12/10/2017, Thanh tra Chính phủ không kiến nghị xử lí về kinh tế đối với số tiền ACV đã thu dịch vụ đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không đối với xe ô tô đưa, đón trả khách.

"Giai đoạn 2012-2017, số tiền thu được từ dịch vụ đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không được ACV dùng để bù đắp chi phí khai thác, duy tu, bảo dưỡng, tái đầu tư hệ thống đường dẫn vào nhà ga và được hạch toán kế toán, xuất hóa đơn, xác định doanh thu, chi phí, lợi nhuận, trích lập các quỹ của doanh nghiệp theo đúng hướng dẫn chế độ kế toán của Bộ Tài chính và đã nộp thuế, nghĩa vụ theo đúng quy định" ACV cho biết.

Cũng theo đơn vị này, tại thời điểm ACV chính thức chuyển thành công ty cổ phần (31/3/2016), toàn bộ lợi nhuận, chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ đã nộp ngân sách, quĩ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương theo đúng qui định.

Thu giá dịch vụ đường dẫn vào sân bay là phù hợp?

Liên quan đến thu giá dịch vụ đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không, ACV cho biết, theo qui định của pháp luật về Hàng không dân dụng (Khoản 3 Điều 64 Luật HKDDVN; Khoản 4 Điều 4 Nghị định 102), đơn vị này chịu trách nhiệm tổ chức tổ chức quản lí, khai thác đồng bộ kết cấu hạ tầng, trang bị, thiết bị của cảng hàng không, sân bay thuộc phạm vi được giao quản lí.

Trong đó có việc duy tu, bảo dưỡng, duy trì tiêu chuẩn khai thác, tổ chức phân luồng tuyến, bảo đảm an ninh hàng không và giữ gìn an ninh trật tự bằng nguồn vốn của ACV.

ACV cho biết, Điều 26 Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30/06/2016 có giao trách nhiệm cho doanh nghiệp cảng "xây dựng, bảo trì, sửa chữa đường giao thông nội bộ trong cảng hàng không, sân bay".

Ngoài ra, Khoản 2 Điều 166 Luật Đất đai qui định quyền chung của người sử dụng đất có quyền "Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất".

Theo điều 11 Luật HKDD, Điều 36 Nghị định 102/2015/NĐ-CP, Thông tư 36/2015/TT-BGTVT, Quy định 4224/QĐ-BGTVT, dịch vụ đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không là dịch vụ phi hàng không do doanh nghiệp kinh doanh cảng hàng không quyết định, niêm yết giá.

"Với các cơ sở nêu trên, việc thu giá dịch vụ đường dẫn là phù hợp với qui định" ACV thông tin.

ACV sẽ thu giá dịch vụ đường dẫn vào nhà ga sân bay như thế nào?

Đáng chú ý, ACV cho biết, căn cứ các qui định trên, Bộ GTVT đã có văn bản lấy ý kiến để báo cáo Thủ tướng về phương án thu giá dịch vụ đường dẫn vào nhà ga các cảng hàng không. Theo đó, phương án thu giá cũng đã được đưa ra.

Cụ thể là không thu tiền đối với xe ra vào khu vực đón trả khách trong khoảng thời gian nhất định tùy theo từng cảng hàng không, sân bay. Những xe ô tô ra vào cảng quá thời gian qui định sẽ được thu tiền theo thời gian như dịch vụ sân đỗ ô tô.

Ngoài ra, việc đầu tư, nâng cấp hệ thống kiểm soát xe ô tô ra vào các cảng hàng không trực thuộc sẽ được ACV hoàn tất đồng bộ và xây dựng phương án thu theo thời gian để triển khai thực hiện chậm nhất từ năm 2020.

Trong giai đoạn đầu tư hệ thống kiểm soát xe ô tô ra vào cảng hàng không, để đảm bảo bù đắp chi phí khai thác, duy tu, bảo dưỡng, tái đầu tư hệ thống đường dẫn vào nhà ga đồng thời kiểm soát và hạn chế được lưu lượng xe ra vào cảng cho phép ACV thực hiện phương án thu như hiện nay.

"Để đảm bảo triển khai đồng bộ phương án thu nêu trên, Bộ GTVT đang chỉ đạo ACV tập trung, khẩn trương triển khai đồng bộ việc đầu tư, nâng cấp hệ thống kiểm soát xe ô tô ra vào các cảng hàng không trực thuộc để thực hiện phương án thu theo thời gian.

Tuy nhiên, 21 cảng hàng không trên cả nước do ACV quản lí, mỗi cảng hàng không có địa hình riêng, kết cấu hạ tầng nhà ga, đường ra vào cảng khác nhau, do vậy việc đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống kiểm soát xe ô tô ra vào các cảng hàng không tốn nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, phương án thu theo thời gian (giá thu, thời gian miễn thu) tại các cảng hàng không cần phải xây dựng, tính toán chi tiết đảm bảo quyền lợi của người sử dụng, lợi ích nhà nước và đảm bảo nguồn để đầu tư, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên của hệ thống đường dẫn vào nhà ga.

Theo kế hoạch, việc đầu tư, nâng cấp hệ thống kiểm soát xe ô tô ra vào các cảng hàng không trực thuộc và sẽ được ACV hoàn tất đồng bộ trong năm 2019", ACV thông tin thêm.

Ngày 12/10/2017, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận thanh tra số 2569/KL-TTCP về thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hoá, thoái vốn và tái cơ cấu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Kết quả thanh tra nêu rõ: 21 chi nhanh cảng hàng không đang thu tiền sử dụng đường sân đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách là không đúng qui định pháp luật về đất đai do không phải nộp tiền sử dụng đất (từ 1/1/2012 đến 31/12/2015, 19/21 cảng hàng không đã thu số tiền dịch vụ sân đường là 550.959 triệu đồng. Trách nhiệm thuộc về ACV, 21 cảng hàng không.

"Bộ GTVT chưa ban hành các qui định về thu phí nhượng quyền khai thác dịch vụ phi hàng không mà để ACV tự tổ chức thu, dẫn đến việc triển khai thực hiện thiếu thống nhất, có cảng thu, có cảng không thu, tỉ lệ thu khác nhau (hiện nay chỉ có 7/22 cảng thực hiện thu phí nhượng quyền dịch vụ phí hàng không, trong 2 năm 2014, 2015 là 102.901,5 triệu đồng). Trách nhiệm thuộc về Bộ GTVT", Kết luận thanh tra nêu.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.