Bức tranh kinh doanh các ngân hàng ngoại tại Việt Nam: Hai nửa sáng tối

Trong khi Shinhan Bank, Public Bank luôn duy trì được phong độ tốt tại Việt Nam, thì vẫn có những cái tên khác như ANZ, Hongleong Bank... vẫn đang xoay xở trên thị trường 90 triệu dân.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 10/2020, tổng tài sản của các ngân hàng liên doanh, nước ngoài tại Việt Nam là 1,48 triệu tỷ đồng, tăng 10,26% so với đầu năm và chiếm 11,2% tổng tài sản toàn hệ thống. Quy mô vốn tự có đạt 209.293 tỷ đồng; vốn điều lệ đạt 131.293 tỷ đồng, tăng 8,71%.

Trong khi nhiều ngân hàng nội đang gấp rút chuyện tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tổi thiểu theo Basel II thì nhóm ngân hàng ngoại lại tương đối nhàn nhã khi CAR của nhóm ngân hàng này ở mức 19,36%, cao gấp đôi nhóm ngân hàng quốc doanh và 1,8 lần so với nhóm ngân hàng tư nhân nội.

Theo số liệu gần nhất, trong quý III/2020, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của nhóm ngân hàng ngoại đạt 0,69%, cao hơn so với các ngân hàng quốc doanh (0,66%), tuy nhiên thấp hơn nhóm ngân hàng tư nhân (0,78%).

Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng nước ngoài lại chỉ ở mức 4,94%, thấp hơn hẳn so với hai nhóm ngân hàng còn lại.

Bức tranh kinh doanh các ngân hàng ngoại tại Việt Nam: Hai nửa sáng tối - Ảnh 1.

Nguồn: Lê Huy tổng hợp.

Hiện có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam gồm  HSBC (Hong Kong – Thượng Hải), ANZ (Australia - New Zealand), Standard Chartered (Anh), Shinhan (Hàn Quốc), Hong Leong (Malaysia), Public Bank Berhad (Malaysia), Woori (Hàn Quốc), CIMB (Malaysia) và UOB (Singapore).

Đi cụ thể hơn về kết quả kinh doanh thì nhóm ngân hàng nước ngoài lại không có nhiều thông tin như ngân hàng nội. Theo tìm hiểu của người viết, đến nay mới có một nửa trong số các nhà băng trên đã công bố báo cáo tài chính năm 2020. 

Bức tranh hoạt động của các ngân hàng ngoại cũng có sự phân hoá rõ nét, có ngân hàng tăng trưởng tốt nhưng cũng có những nhà băng lại hoạt động kém hơn trong những năm gần đây.

Những gam màu xám

Trong hai năm trở lại, HSBC Việt Nam liên tiếp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm. Năm 2019, lợi nhuận chỉ giảm 4% từ mức 3.097 tỷ đồng xuống 2.981 tỷ đồng

Tuy nhiên, sang năm 2020, lợi nhuận trước thuế của HSBC Việt Nam giảm tới 33% xuống 1.985 tỷ đồng.

Lý do chủ yếu đến từ hai nguồn thu chính của ngân hàng là thu nhập lãi thuần và hoạt động dịch vụ đều đi xuống so với năm trước đó. Cụ thể, thu nhập lãi thuần giảm 20,3% xuống 2.953 tỷ đồng; còn thu nhập từ hoạt động dịch vụ giảm 18% xuống 686 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của HSBC Việt Nam đạt 129.045 tỷ đồng, tăng 24,3% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng giảm nhẹ 0,3% xuống 48.045 tỷ đồng. Số dư tiền gửi của khách hàng tăng khiêm tốn 1,4% với 111.451 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu xấp xỉ với năm trước ở mức 0,36%. Tỷ lệ CAR tăng từ mức 14% tại thời điểm cuối năm 2019 lên 16% cuối năm 2020.

Các ngân hàng ngoại đang hoạt động ra sao tại Việt Nam - Ảnh 1.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Còn tại ANZ Việt Nam, ngân hàng từng ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục 1.333 tỷ đồng năm 2017, cao gấp 2,3 lần năm trước đó. Tuy nhiên, cũng trong năm 2017, ngân hàng đã quyết định bán lại mảng bán lẻ tại cho Shinhan Bank Việt Nam.

Quyết định này đã khiến hoạt động kinh doanh của ANZ Việt Nam dập dềnh những năm sau đó. Năm 2018 - 2020, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng lần lượt đạt 243 tỷ, 467 tỷ và 391 tỷ đồng.

Tính tới 31/12/2020, dư nợ cho vay khách hàng giảm 19,3% nhưng tổng tài sản ANZ Việt Nam lại tăng 40,7% so với cuối năm 2019.

Trong khi cho vay ra giảm thì quy mô tiền gửi của khách hàng lại tăng tới 37,4% đạt 8.861 tỷ đồng, vẫn chiếm tỷ lệ thấp khi so với tổng vốn của ngân hàng. Tỷ lệ CAR của ANZ giảm từ 21,99% vào cuối năm 2019 lên 15,97% cuối năm 2020.

Tuy nhiên, nhìn về mặt tích cực, từ khi ANZ Việt Nam bán mảng bán lẻ, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng luôn được duy trì ở mức 0%.

Các ngân hàng ngoại đang hoạt động ra sao tại Việt Nam - Ảnh 2.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Thậm chí tại Hongleong Bank Vietnam, dù chưa công bố báo cáo tài chính cả năm 2020, nhưng theo báo cáo 6 tháng đầu năm, ngân hàng đã lỗ trước thuế 19,7 tỷ đồng. Năm 2018, công việc kinh doanh của Hongleong Bank cũng không gặp nhiều thuận lợi, ghi nhận lỗ gần 18 tỷ đồng.

Những nhà băng làm ăn thuận lợi

Ngược lại, sau khi mua lại mảng bán lẻ của ANZ, Shinhan Bank Việt Nam, hoạt động kinh doanh của ngân hàng lại phất lên "như diều gặp gió". Năm 2017 - 2019, tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng luôn trên mức 24%. 

Năm 2020, bất chấp những ảnh hưởng từ dịch Covid-19, lợi nhuận trước thuế của Shinhan Bank Việt Nam vẫn tăng 8,4% lên gần 3.071 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt 131.418 tỷ đồng, tăng 27% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 16,3% lên mức 64.746 tỷ đồng. Quy mô tiền gửi khách hàng tăng 30% lên hơn 105.062 tỷ đồng.

Các ngân hàng ngoại đang hoạt động ra sao tại Việt Nam - Ảnh 3.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Tương tự, Public Bank cũng có những phát triển khả quan trong 5 năm trở lại tại thị trường Việt Nam phản ánh qua con số lợi nhuận tăng trưởng đều qua các năm.

Trong năm 2020, Public Bank Việt nam lãi trước thuế 420 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm trước.

Tổng tài sản cuối năm 2020 của ngân hàng là 29.463 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cuối năm 2019. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 16,2% lên 17.119 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 28,8%, đạt 15.187 tỷ đồng.

Mặt khác, nợ xấu cuối năm 2020 của ngân hàng tăng mạnh 41,3% lên mức 260 tỷ đồng. Qua đó, kéo tỷ lệ nợ xấu từ mức 1,25% lên 1,51%.

Các ngân hàng ngoại đang hoạt động ra sao tại Việt Nam - Ảnh 4.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.