Dồn dập đại hội cổ đông ngân hàng trong nửa cuối tháng 4

Trong nửa cuối tháng 4 tới đây, một loạt các ngân hàng dự kiến sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2021.

Theo đó, ngay trong tuần tới, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên vào ngày 16/4 tại Hà Nội.

Tiếp theo VietinBank, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sẽ tổ chức vào ngày 22/4.

Sang đến ngày 23/4 có đại hội cổ đông của các ngân hàng: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank).

Ngày 24/4 sẽ diễn ra đại hội của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcombank). Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) tổ chức ngày 26/4; Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) ngày 26 và 27/4; Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) ngày 27/4; Ngân hàng TMCP Phương Đông ngày 28/4.

Trong ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ (29/4), Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng có kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông thường niên.

Đáng chú ý nhất trong dịp này là đại hội cổ đông của Eximbank khi ngân hàng đã nhiều lần tổ chức đại hội vào các năm 2019, 2020 nhưng đều bất thành vì nhiều lý do. Theo thông báo lần này của ngân hàng, cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Eximbank diễn ra vào 26/4/2021 tại Hà Nội và ngay sau đó 1 ngày sẽ là đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.

Dựa trên các tài liệu dự thảo, Eximbank lên kế hoạch tăng 10% tổng tài sản trong năm nay; huy động vốn tăng 10%, tín dụng tăng 15% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế năm 2021 mục tiêu đạt 2.150 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2020.

Còn tại các ngân hàng khác, nội dung được cổ đông quan tâm nhất vẫn chính là việc chia cổ tức. Ngoại trừ một số ngân hàng như Techcombank hay TPBank tuyên bố không chia cổ tức thì hầu hết các thông tin đã công bố đều cho thấy mức chia cổ tức năm nay tương đối cao.

Cụ thể, MB có kế hoạch chia cổ tức "khủng" tới 35% bằng cổ phiếu, bên cạnh việc bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP). OCB cũng dự kiến mức tăng vốn điều lệ trong năm nay khoảng 25%, chia cổ tức ở mức khoảng 25%, bán cổ phiếu ESOP cho nhân viên và chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu.

Tương tự, SHB dự kiến trình cổ đông thông qua phương án chi trả cổ tức với tỷ lệ 20,5% bằng cổ phiếu, trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020.

Sacombank cũng là cái tên được nhắc tới nhiều khi 5 năm qua, cổ đông ngân hàng đã không được chia cổ tức do phải tập trung nguồn lực vào tái cơ cấu. Năm nay, Sacombank đề xuất với nguồn lợi nhuận giữ lại cao hơn 6.000 tỷ đồng, sẽ chia cổ tức cho cổ đông một mặt nhằm tăng vốn điều lệ, mặt khác đáp ứng kỳ vọng của cổ đông. Đề xuất này đang chờ phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, tại Vietcombank, việc chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt cho cổ đông vừa hoàn tất vào tháng 1/2021.

Một phương án tăng vốn điều lệ năm 2021-2022 sẽ được Vietcombank trình đến cổ đông trong đại hội tới đây, do đó nhiều khả năng, cổ tức năm 2020 sẽ được ngân hàng trả bằng cổ phiếu.

Tài liệu đại hội của Vietinbank cho thấy, ngân hàng dự kiến sẽ chia cổ tức với tỷ lệ trên 12%, trong đó chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% vốn điều lệ và phần còn lại bằng cổ phiếu.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.