Hai nhà máy này sẽ nâng tỉ lệ điện mặt trời trong danh mục năng lượng của B. Grimm lên gần 30%, giúp công ty tiến một bước gần hơn tới mục tiêu tăng gấp đôi công suất phát điện lên 5.000 MW vào năm 2021.
Hai nhà máy gồm một được đặt tại Tây Ninh (công suất 420 MW), một tại Phú Yên (công suất 257 MW), với quy mô diện tích lần lượt 504 ha và 300 ha - trở thành dự án năng lượng mặt trời lớn nhất ở Đông Nam Á. Tổng mức đầu tư ước đạt khoảng 677 triệu đô la.
Hai dự án này đóng góp thêm gam màu nóng vào bức tranh điện mặt trời tại Việt Nam đang khá rối ren.
Quyết định 11 và Quyết định 39 (sửa đổi, bổ sung cho quyết định 37) của Thủ tướng Chính phủ trước đó đã tạo nên "cơn sốt" trong quy hoạch năng lượng tái tạo. Cụ thể, điện mặt trời đang được thu mua với giá 9,35 cent/1kWh có thời hạn đến 30/6/2019.
Nhận biết được ưu đãi lớn này, một bộ phận lớn các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam ồ ạt tham gia vào quá trình xin cấp phép xây dựng nhà máy năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời. Trong bối cảnh tốc độ mở rộng lưới điện quốc gia chưa bắt kịp với xu thế này, nhiều dự án điện mặt trời buộc phải cắt giảm công suất. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Grimm Power - Preeyanart Soontornwata, cũng cho rằng doanh nghiệp của mình đang "đánh cược" với tham vọng này.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Grimm Power - Preeyanart Soontornwata (Ảnh: Nikkei Asian Review).
Bà Preeyanart nói với Nikkei Asian Review: "Chúng tôi thấy các cơ hội lớn ở Việt Nam, xem xét dự báo tăng trưởng GDP tại đây cao trên 6,5% và tăng trưởng FDI rất mạnh, có thể sẽ tiếp tục trong những năm tiếp theo. Nhu cầu điện được dự báo sẽ tăng lên gần 130 GW vào năm 2030 từ mức dưới 50 GW vào năm ngoái".
Hai nhà máy của B. Grimm đã gấp rút hoàn thiện và đưa vào vận hành trước thời điểm hưởng ưu đãi (ngày 30/6/2019).
Giá cổ phiếu của Tập đoàn này tăng 27% sau thông báo rằng các nhà máy đã đáp ứng thời hạn đó. Tâm lí nhà đầu tư tiếp tục phấn khích.
"Dự báo, thu nhập cốt lõi tăng kỉ lục trong quý III/2019, bởi sự đóng góp cả quý từ các trạm năng lượng mặt trời tại Việt Nam", Bualuang Securities đưa tin.
Các công ty chứng khoán dự đoán tổng doanh thu của B. Grimm Power sẽ đạt 44,6 tỉ baht (1,46 tỉ USD) vào năm 2019, lợi nhuận ròng là 9,2 tỉ baht. (B. Grimm Power hiện chiếm khoảng 80% lợi nhuận của B. Grimm Group).
Một trong những điều khiến B. Grimm đầu tư vào điện mặt trời tại Việt Nam, ngoài ưu đãi về giá bán điện, nằm ở quy định tỉ lệ nắm giữ doanh nghiệp của nhà nước Thái Lan. Theo đó, Thanh tra nước này cho biết tỉ lệ cổ phần của chính phủ trong toàn bộ công ty phải được tăng lên 51% trong kế hoạch 20 năm tới.
"Vì vậy, bạn có thể đoán về lí do tại sao chúng tôi phải đa dạng hóa sang các quốc gia khác," Preeyanart nói về bức tranh năng lượng "không chắc chắn" của Thái Lan.
Hai nhà máy năng lượng mặt trời tại Việt Nam được xây dựng trong sáu tháng, sử dụng hai nhà thầu năng lượng mặt trời lớn nhất của Trung Quốc - Energy China tại Phú Yên và Power China tại Dầu Tiếng.
B. Grimm đã kí một thỏa thuận cho các dự án với Điện lực Việt Nam. Theo đó, Tập đoàn này sẽ được cung cấp các đường truyền đấu nối lưới điện chính, hợp đồng thuê đất và giấy phép đo sáng, về cơ bản để "chứng minh sẽ có một dòng điện ổn định".
Các nhà máy mới cũng được hưởng lợi từ sự "gần gũi" với hai nhà máy thủy điện đã được kết nối với lưới điện quốc gia, qua đó giúp đảm bảo đường dây truyền tải vào lưới điện.
Về bất cập giữa lưới điện và sự phát triển chóng mặt của các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, ông Gavin Smith, Giám đốc của Solar Power Utility Co. (SPUC), một công ty con của Dragon Capital Private Equity, cho biết: "Lưới điện đang không thực sự ở đúng kỉ nguyên mới của năng lượng tái tạo."
Việc B. Grimm đầu tư xây dựng năng lượng mặt trời tại Việt Nam được chính Tập đoàn này coi là "đánh cược" (Ảnh: Báo Đầu tư).
Giống như B. Grimm, SPUC gần đây đã mở một nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam. Nhà máy được đặt tại Mũi Né, tỉnh Bình Thuận có công suất lắp đặt 40 MW và bắt đầu hoạt động vào ngày 4/6, sau 8 tháng xây dựng, tạo ra khoảng 68 triệu kWh điện mỗi năm, góp phần giảm 55.447 tấn khí thải CO2 mỗi năm, theo SPUC.
Đối với B. Grimm Power, công ty cho biết họ vẫn còn thời gian để đảm bảo tài chính cho hai nhà máy năng lượng mặt trời của mình.
"Tại Việt Nam, lí do chúng tôi có thể xây dựng các nhà máy của mình nhanh chóng là vì Power China và Energy China có hỗ trợ tài chính", Preeyanart nói. "Nếu phải chờ tài chính dự án, chúng tôi sẽ chết".
Hai công ty Trung Quốc đã đồng ý hoãn tất cả các khoản thanh toán cho đến một năm rưỡi sau khi bắt đầu xây dựng. "Vì vậy, kể từ bây giờ, mỗi năm chúng tôi phải trả lại cho họ bằng tài chính dự án, điều vốn đã thu hút sự quan tâm của nhiều ngân hàng," Preeyanart trình bày.
B. Grimm Power nhận được ủng hộ mạnh mẽ trong các dự án năng lượng tái tạo từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). ADB cũng đã trở thành cổ đông công khai của công ty vào năm 2017, đồng thời bảo lãnh một "trái phiếu xanh" trị giá 5 tỉ baht cho B. Grimm, gia hạn khoản vay lãi suất thấp trị giá 235 triệu USD cho công ty trước khi trở thành cổ đông.
"Ngay cả ở Thái Lan cũng không có bảo lãnh của chính phủ," Preeyanart nói. "Thành thật mà nói, chúng tôi cần sự tin tưởng. Chúng tôi có thể làm gì khác?".
B. Grimm đang đặt cược rằng năng lượng tái tạo, bao gồm cả năng lượng mặt trời và năng lượng gió, sẽ tồn tại lâu dài. "Đó là tương lai của thế giới, chứ không chỉ riêng của B. Grimm", nữ CEO của Tập đoàn khẳng định.