Chiều 20/5, UBND quận Hồng Bàng (Hải Phòng) cho biết, quận đã yêu cầu Trường Tiểu học Quán Toan thực hiện qui trình kỉ luật cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A8 với hình thức buộc thôi việc.
Trước đó, một phụ huynh đăng tải lên mạng xã hội clip ghi lại cảnh cô giáo Trang tát liên tiếp vào mặt học sinh và dùng thước đánh một học sinh khác khi cả lớp đang làm bài thi.
Phụ huynh này bức xúc cho biết, sau khi con chị bị cô giáo coi thi đánh, cháu phải điều trị kháng sinh liều cao vì viêm và phù nề, xung huyết, ứ mủ...
Chị Nguyễn Hằng, phụ huynh có con học lớp 1 (Q.9, TP HCM) cho rằng: "Cô giáo đánh để dạy dỗ thì chấp nhận chứ đánh kiểu bạo lực như vậy thì đúng là không nên để cô đứng lớp nữa.
Trong clip, cô giáo này đánh trẻ như đang rất bực tức, trút giận xuống học sinh là không thể được. Khi cô đã có hành động như vậy thì rồi cũng sẽ tái diễn với học sinh khác thôi".
Bản thân chị Hằng không mong muốn việc giáo viên bị sa thải do đánh học sinh và cũng không cấm thầy cô phạt con mình nếu trẻ mắc lỗi. Tuy nhiên, người làm cô làm thầy phải đánh đúng và có giáo dục. "Ví dụ học sinh sai, thầy cô đánh vào mông, bàn tay hoặc cũng có thể bắt học sinh lên trước lớp phạt một cách bình thường chứ không thể đánh như hình ảnh camera ghi lại", chị Hằng phân tích.
Trước nhiều phản hồi từ dư luận cho rằng hình thức kỉ luật buộc thôi việc đối với cô Nguyễn Thị Thu Trang là quá nặng và gây hoang mang trong giáo viên, phụ huynh này đánh giá: "Nếu cô có chuyên môn và trước đó có nhiều công hiến có thể thuyên chuyển công tác ở vị trí khác như văn thư, làm giám thị… còn địa vị là một phụ huynh, tôi nhất định không đồng ý việc giáo viên đó đứng lớp hoặc chủ nhiệm lại".
Cô giáo tát vào mặt, dùng thước vụt liên tiếp hàng loạt học sinh lớp 2 trong phòng thi tại Hải Phòng. (Ảnh chụp từ clip).
Cùng là giáo viên tiểu học, cô Bùi Thị Nguyệt (Bắc Giang) sau khi theo dõi vụ việc rất đồng tình với hình thức xử phạt cô giáo đánh tới tấp học sinh trong phòng thi ở Hải Phòng, cô Nguyệt cho rằng: "Quan điểm của tôi là thương cho roi cho vọt tuy nhiên giáo viên phạt học sinh dù trong hoàn cảnh nào cũng là sai.
Bắt học sinh quì, tát trẻ hay đánh liên tục đều thể hiện bản tính nóng vội của cô giáo, dù học sinh có như thế nào thì cũng không nên áp dụng những hình phạt kiểu tương tự như vậy.
Bạo lực có giáo dục là phạt học sinh nhưng trước khi phạt cô cho học sinh biết lỗi của mình và ra điều kiện 'lỗi như vậy thì đáng với mấy roi?' và ra hẹn lần sau tái phạm thì số roi sẽ là bao nhiêu. Nếu số roi nhiều thì ra điều kiện cô cho trò nợ hoặc làm việc tốt, điểm tốt để trừ".
Theo cô Nguyệt, học sinh vốn nghịch ngợm, vô tư và ngây thơ trong độ tuổi chứ không khuôn phép và nhận thức đầy đủ như người trưởng thành. Trẻ con còn bé, các em không biết người lớn phải hướng dẫn. Đó là lí do sinh ra nghề giáo viên.
"Đối với trường hợp đánh học sinh lớp 2 của cô giáo ở Hải Phòng, cô ấy làm thế là quá sai. Ngày thi của học sinh, đánh học sinh như vậy sẽ ảnh hưởng tâm lí của các em. Ngoài ra, hình thức kỉ luật này theo tôi là phù hợp vì cô còn đánh nhiều học sinh cùng một lúc mà không phải do lỗi ở các em.
Có những cô giáo như vậy làm cho ngành giáo dục bị méo mó đi. Xã hội sẽ giảm lòng tin vào các thầy cô có thể giáo dục con cái họ. Điều này sẽ ảnh hưởng rất xấu cho những người làm giáo dục có trách nhiệm và chân chính.
Nhiều lớp, giáo viên không dứt khoát trong việc giáo dục học sinh, các hình thức xử phạt đã gây nên mất nền nếp trong lớp. Ngày nay, nghề giáo rất mệt mỏi. Không rèn thì học sinh hư, chất lượng kém, ban giám hiệu nhắc nhở. Còn rèn thì phụ huynh ý kiến, kiện cáo", cô Nguyệt phân trần.
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cũng chia sẻ quan điểm về vấn đề trên: "Trong trường hợp này thì biện pháp kỉ luật buộc thôi việc với cô giáo là xứng đáng. Hành động của cô trong clip có vẻ là hành động này xảy ra nhiều lần.
Thực ra đối với giáo viên thì việc kỉ luật học sinh là cần thiết nhưng không phải là biện pháp tốt, kỉ luật chỉ có giá trị khi kỉ luật đúng và kèm theo với giải pháp để giáo dục chứ không phải chỉ là hình phạt
Cũng là giáo viên, tôi là người luôn ủng hộ cần có biện pháp xử phạt, kỉ luật học sinh. Tuy nhiên, giáo viên không được quyền làm theo kiểu bất chấp như vậy, làm như một thói quen, như vậy là phản giáo dục".