Thủ đoạn ngày một tinh vi
Tuyến bộ là địa bàn nóng nhất về buôn lậu ở Quảng Ninh. Dọc hai bên bờ sông Bắc Luân mặc dù phía bạn đã rào dây thép gai nhưng khi nước sông cạn, đối tượng lợi dụng mang vác hàng lậu vượt sông về. Hằng ngày, một lượng lớn hàng mà cư dân biên giới được hưởng chính sách ưu đãi mang về đã lọt vào tay đầu nậu khi họ lợi dụng thuê cư dân vận chuyển. Hàng hóa này được hợp thức bằng hóa đơn rồi mang vào nội địa tiêu thụ.
Móng Cái những ngày giáp Tết không nhộn nhịp như cách đây một tháng trước, nhưng không phải vì thế mà hoạt động buôn lậu ngừng lại. Tận dụng những ngày áp Tết, các đối tượng buôn lậu dùng nhiều thủ đoạn ngày một tinh vi để vận chuyển, mang vác hàng lậu qua biên giới. Hàng lậu ráo riết mang vác trái phép, sau đó vận chuyển nhỏ lẻ bằng xe máy, xe tải nhỏ ra QL18 để vào nội địa. Tại khu vực đường biên, lợi dụng vào giờ chập choạng tối, khi các lực lượng giao ca, hàng lậu vượt sông giấu trong các bụi lau lách, tập kết vào nhà dân ven bờ sông.
Theo Trung tá Phạm Thị Hoài Thu, phụ trách Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP Móng Cái thì Móng Cái là địa bàn biên giới có đông nhà dân nằm sát đường biên, đây là điều khó khăn và cản trở cho lực lượng làm công tác đấu tranh chống buôn lậu. Đặc biệt, nhà dân sát biên sẽ trở thành điểm tập kết, kho chứa hàng lậu nếu lực lượng chức năng không kiểm soát tốt địa bàn.
Qua kiểm tra và rà soát, Công an TP Móng Cái đã kiểm tra kho tàng, bến bãi, địa điểm tập kết và thấy số lượng giảm hơn trước rất nhiều. Ngay kể cả khi bắt giữ, hàng hóa ở một số kho cũng ít hơn do đối tượng xé lẻ và vận chuyển lên ôtô đi luôn. Tại các địa bàn trọng điểm như phường Hải Xuân, Trần Phú, Hải Hòa Công an TP Móng Cái đã kiểm soát được, không để trở thành điểm nóng, điểm phức tạp về tập kết hàng lậu.
Theo Thượng úy Phạm Hoàng Trung, Phó Đội trưởng Đội Chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ninh thì đối tượng buôn lậu vẫn sử dụng thủ đoạn lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất, đối với mặt hàng đặc biệt là rượu và thuốc lá (loại 555 và Essen) khi tái xuất sang Trung Quốc đến giữa sông Ka Long, chúng bám vào đêm tối cho tàu quay ngược trở lại. Hai mặt hàng thuốc lá 555 và Essen gần như 100% thẩm lậu ngược vào nội địa.
Thủ đoạn thường thấy nữa là đối tượng thành lập doanh nghiệp tại khu vực cửa khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại bằng cách xuất hóa đơn bán hàng, phiếu xuất kho để hợp thức hóa hàng nhập lậu hoặc quay vòng hồ sơ thanh lý để vận chuyển hàng nhập lậu vào nội địa tiêu thụ. Cũng thông qua chính sách thông thoáng, một số doanh nghiệp nhập khẩu tự kê khai và tự chịu trách nhiệm với hàng hóa kê khai.
Căn cứ vào chính sách chấp hành pháp luật và hải quan điện tử, hàng hóa được kê khai vào luồng xanh (là luồng miễn kiểm). Đây là kẽ hở để doanh nghiệp lách luật khi họ có 20 mặt hàng nhưng chỉ kê khai 10 mặt hàng. Như vậy sẽ có 10 mặt hàng không đóng thuế. Hàng về được cho vào kho, ghép vào hồ sơ hộ kê khai cá thể (có cả hàng thu gom của cư dân biên giới) và ung dung vào nội địa.
Chính sách ưu đãi cho cư dân biên giới đã mang lại bộ mặt đổi thay cho đời sống của bà con ở vành đai biên giới. Thế nhưng cũng lợi dụng vào chính sách này, các đầu nậu đã thuê cư dân mang vác hàng. Theo quy định, mỗi tháng một cư dân được qua lại biên giới 2 lần, nhưng có mặt ở Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Móng Cái, chúng tôi thấy cư dân người nào cũng vận chuyển những bao hàng cồng kềnh. Tuy nhiên, khi được hỏi làm thế nào để định giá trị giá số hàng đó là 2 triệu đồng/người thì lực lượng Hải quan cũng rất khó xác định.
Một thủ đoạn buôn lậu nữa mà theo Trung tá Phạm Thị Hoài Thu là đối tượng lợi dụng đường bưu điện để gửi bưu kiện, bưu phẩm là mặt hàng lậu. Tuy nhiên, đấu tranh với thủ đoạn này còn gặp khó khăn.
Kiểm tra xe khách chở hàng ở Trạm KSLH KM15. |
Cần phối hợp quyết liệt
Theo chân một người dân trong giới kinh doanh ở Móng Cái đi dọc tuyến biên giới, chúng tôi nhận thấy, để vận chuyển hàng lậu về nội địa bằng đường bộ, đối tượng không bao giờ đi qua QL18 để trốn tránh sự kiểm tra ở Trạm Kiểm soát liên hợp (KSLH) km15. Đối tượng mang hàng qua khu vực km10-km14, sau đó xé lẻ vận chuyển bằng đường rừng trốn qua hai bên cánh gà Trạm KSLH km15, rồi tập kết rải rác từ khu vực km16 đến huyện Hải Hà, Đầm Hà, lợi dụng các xe khách hoặc một số xe tải thùng kín, xe con để giấu hàng lậu trong các hầm, thành vách được gia cố tinh vi trên xe nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng vận chuyển sâu vào nội địa.
Theo quan sát của chúng tôi, dọc trục đường vận chuyển, các đối tượng thuê người dùng xe máy đi trước cảnh giới, canh đường theo dõi sát lực lượng chức năng nhằm trốn tránh hoặc tẩu tán hàng hóa khi bị kiểm tra. Nhiều khi bị phát hiện, các đối tượng sống chết bỏ chạy lên rừng, vứt hàng ở lại.
Tuy rằng mọi phương tiện đi qua Trạm KSLH km15 đều bị kiểm tra, nhưng theo quan sát của chúng tôi thì việc kiểm tra diễn với tốc độ nhanh, hàng lậu được giấu tinh vi trên xe khách sẽ không phát hiện được. Qua kiểm tra, có nhiều xe khách thiết kế hầm thủy lực, xe phải nổ máy một thời gian, công tắc trên xe gẩy ra mới thấy.
“Đa số các xe này đều cải tạo thành các hầm, vách ngăn để giấu số lượng hàng lậu lớn, nếu không kiểm tra kỹ thì khó lòng phát hiện” - Thượng úy Phạm Hoàng Trung nói. Thượng úy Phạm Hoàng Trung cũng cho biết, nếu như trước kia đối tượng vận chuyển động vật hoang dã bằng xe con, xe tải thì năm nay sử dụng xe đông lạnh. Phòng CSKT vừa bắt 2 đối tượng là Đặng Văn Tú và Nguyễn Như Bảo, đều trú tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam dùng xe đông lạnh chở 738kg tê tê, 172kg vẩy tê tê, 105 cá thể rùa đầu to sang Trung Quốc bán.
Thủ đoạn của chúng là sử dụng xe tải 8 tấn có điều hòa, chở thủy sản từ miền Trung ra Móng Cái. Tuy nhiên, bên trong các thùng tôm, cá chúng để tê tê và sản phẩm động vật hoang dã. Phòng CSKT đã khởi tố vụ án để điều tra.
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh thì năm 2016, cả tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 3.257 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 59,75 tỷ đồng. Càng áp Tết, các mặt hàng tiêu dùng càng được các đối tượng buôn lậu ráo riết vận chuyển vào nội địa, tuy đang là thời gian cao điểm nhưng các lực lượng chống buôn lậu ở Quảng Ninh không có sự phối hợp đồng bộ thì lượng lớn hàng lậu, hàng giả vẫn lọt vào nội địa.
Năm 2016 lực lượng CSKT Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ, xử lý 1,387 vụ buôn lậu, gian lận thương mại với 1.728 đối tượng, khởi tố 530 vụ với 797 bị can, xử lý hành chính 857 vụ với 931 đối tượng, trị giá hàng hóa tịch thu gần 28 tỷ đồng, phạt hành chính trên 11 tỷ dồng, nộp ngân sách 39 tỷ đồng.