GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) cho biết, các bác sĩ vừa cứu sống một bệnh nhân có quốc tịch Malta qua cơn nguy kịch vì nhiễm cúm B và viêm phổi do tụ cầu vàng.
Gần một tháng trước, bệnh nhân này đã sang Việt Nam để du lịch, sau đó bị nhiễm Cúm B và viêm phổi do tụ cầu vàng. “Đây là vi khuẩn hết sức nguy hiểm, cực kỳ độc, khiến bệnh nhân này bị suy hô hấp nặng, phim chụp phổi đã trắng xóa, chức năng hô hấp gần như không còn”- GS. Bình nói.
Bệnh nhân này đã được đưa vào BV Việt Pháp Hà Nội, được thở máy, truyền dịch, dùng thuốc kháng sinh. Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng xấu.
Ngay lập tức, GS. Bình đã chỉ đạo sử dụng phương pháp điều trị hồi sức tiên tiến nhất là kỹ thuật tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO), lọc máu liên tục kết hợp nhiều biện pháp hỗ trợ khác.
Bệnh nhân lúc mới vào viện. (Ảnh: Báo Sức khỏe đời sống). |
ECMO là tên viết tắt của phương pháp “oxy hóa qua màng ngoài cơ thể”. Đây là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. ECMO nói đơn giản là rút máu từ trong cơ thể ra ngoài, bơm oxy rồi lại truyền vào cơ thể.
GS. Bình cho biết, ưu điểm của kỹ thuật ECMO là dễ dàng, có thể nhanh chóng tiến hành trong vòng 20 – 30 phút mà không phải mở xương ức và đây là biện pháp duy nhất thích hợp cho cả trường hợp có ngừng tuần hoàn.
Máu được lấy ra từ tĩnh mạch đùi hoặc tĩnh mạch trung tâm qua ống thông lớn bằng hệ thống môtơ quay tốc độ 500-3.000 vòng/phút, với phương thức ly tâm từ trường để trao đổi oxy (nhận oxy), thải CO2. Sau đó, máu đã được làm giàu oxy, được bơm trở về động mạch chủ dưới hoặc tĩnh mạch trung tâm, thực chất là làm thay công việc co bóp tống máu của tim và làm giàu oxy của phổi
Với việc sử dụng kỹ thuật chữa bệnh tiên tiến này, khoảng 8 ngày sau, chức năng phổi của bệnh nhân nước ngoài đã tốt lên, bệnh nhân dừng được máy hỗ trợ tim phổi nhân tạo.
Sau hơn 10 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục, tỉnh táo. Chi phí cho quá trình điều trị hết hơn 350 triệu đồng. Sáng nay (5/9), bệnh nhân đã khỏe mạnh và được ra viện.
Theo GS. Bình, với các bệnh nhân bị suy hô hấp nặng, diễn biến bệnh rất nhanh, phổi hoàn toàn bị “úng nước” nên các phương pháp hồi sức cấp cứu như dùng máy thở, thuốc đều bị vô hiệu quá, bởi phổi không thể thu nhận oxy nên tỉ lệ tử vong rất lớn.
ECMO là một trong những kỹ thuật hiện đại đã được ứng dụng, triển khai tại nhiều BV trong cả nước giúp cứu chữa được nhiều ca bệnh hiểm nghèo, hoặc giảm tỉ lệ tử vong một cách rõ rệt. Chẳng hạn, với bệnh nhân viêm tụy cấp, trước đây tỉ lệ tử vong là 50% thì nay giảm xuống chỉ còn 10%; bệnh nhân suy gan cấp trước đây tỉ lệ tử vong là 90%, nếu dùng ECMO thì chỉ còn 50%... Các ca suy hô hấp nặng do cúm, tỉ lệ tử vong cũng giảm vài chục phần trăm...
Kỹ thuật ECMO có thể được áp dụng cho việc hỗ trợ chức năng tim – chức năng phổi khi có suy tim nặng, sốc tim hay các suy hô hấp cấp tiến triển nặng mà không đáp ứng với các biện pháp hồi sức thường cũng như hồi sức nâng cao. Kỹ thuật tiên tiến này cũng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực hồi sức cho những trẻ sơ sinh non yếu có phổi chưa trưởng thành, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nặng như: viêm phổi do cúm H5N1, H1N1, H7N9 mà các máy hỗ trợ hô hấp không hiệu quả. |