Khi được hỏi về hành trình tìm con, chị Lê Thùy Dung (thị trấn Sông Mã, Sơn La) khá bối rối vì không biết bắt đầu từ đâu, bởi 15 năm qua quả thực là chuỗi ngày dài đầy khó nhọc của vợ chồng chị.
Năm 2013, sau 12 năm lấy nhau, nhiều lần sảy thai, vợ chồng chị Dung mới đón con gái đầu lòng. Bé sinh non ở tuần thứ 35 do chị Dung bị rau tiền đạo. Tháng 7 vừa qua, vợ chồng chị lại đón thêm bé trai kháu khỉnh, bé cũng sinh non ở tuần thứ 32 và sau đó phải nằm lồng ấp 2 tuần. Điều đặc biệt là cả hai bé đều được sinh theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Suốt 15 năm qua, khi nhớ lại hành trình dài vất vả tìm con của mình, chị Dung kể “mình vào bệnh viện như cơm bữa, vào nhiều đến nỗi thấy quen thuộc như là nhà vậy, nhưng có được hai thiên thần bé nhỏ, những khó khăn đó cũng xứng đáng thôi”.
Chị Dung cùng con gái đầu. |
Hai trái ngọt của vợ chồng chị Dung đều sinh nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. |
Chị Dung lấy chồng năm 2003, một năm sau đó chị không may bị chửa ngoài dạ con phải mổ cấp cứu, cắt một bên vòi trứng. Bác sĩ khi đó khuyến cáo 3 năm sau mới nên có bầu lại. Sau khoảng thời gian 3 năm, vợ chồng chị lên kế hoạch có con, nhưng “thả” suốt một năm trời mà không cấn bầu. Hai vợ chồng chị “khăn gói quả mướp” xuống Hà Nội khám hiếm muộn nhưng không tìm ra nguyên nhân. Năm 2008 chị mổ nội soi thăm dò nhưng cũng không tìm ra nguyên nhân.
Làm thụ tinh nhân tạo 2 lần không thành công, đến năm 2009, chị được bác sĩ chẩn đoán bị đa nang nhẹ và mổ chữa đa nang. Đến năm 2010, chị quyết định thụ tinh trong ống nghiệm tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, những tưởng sẽ được đón con yêu, nhưng đến khi thai 18 tuần, bác sĩ cho biết thai bị lưu, phải bỏ. 8 tháng sau, chị Dung lại cấn bầu nhưng bị sảy.
Năm 2013, chị Dung làm thụ tinh trong ống nghiệm lần 2, đậu được hai thai. Đến tuần thai thứ 8, một thai bị lưu, chị may mắn giữ được 1 thai. Trong lần mang thai đầu này, chị Dung bị rau tiền đạo, ra máu nhiều lần như băng huyết. May mắn đến với vợ chồng anh chị khi giữ được thai đến 35 tuần, bé gái chào đời dù sinh non nhưng là niềm hạnh phúc vô bờ với vợ chồng chị.
Bé thứ 2 con chị Dung chào đời khi mới 32 tuần. |
Khi bé gái đầu được hơn 1 tuổi, chị Dung nghĩ mình cũng đã nhiều tuổi, nên tiếp tục lên kế hoạch có bầu lần hai. Nhưng mọi chuyện không hề dễ dàng. Do sảy thai nhiều lần, cổ tử cung của chị mỏng đi nhiều. Thậm chí bác sĩ khuyên chị nên nhờ người mang thai hộ. Tâm niệm chỉ cố làm nốt lần này thôi, nếu thất bại sẽ không cố nữa, tháng 6/2017, chị lại tiếp tục thụ tinh trong ống nghiệm. Lần mang thai thứ 2 này cũng chẳng hề suôn sẻ khi tuần thứ 30, chị bị vỡ ối non và phải nhập viện gấp. Giữ được thai đến hơn 32 tuần thì bé đã đòi ra. Vậy là, không chỉ bé đầu bị sinh non, bé thứ hai của vợ chồng chị cũng chào đời sớm trước dự sinh gần 8 tuần.
Hiện tại, sức khỏe của bé ổn định và phát triển bình thường. |
Cả hai lần sinh con đều sinh non (bé đầu chào đời khi 35 tuần và bé thứ 2 chào đời lúc 32 tuần), khi được hỏi về những vất vả khi chăm con, chị Dung chỉ cười và lạc quan cho rằng “có con đã là may mắn lắm rồi, nhờ chăm con sinh non mà mình cũng có nhiều kinh nghiệm hơn các bà mẹ khác”. Được biết, bé thứ hai của chị sau khi chào đời, được chuyển vào nằm lồng ấp suốt 2 tuần. Sau khi được về với mẹ, chị Dung được các bác sĩ hướng dẫn ấp con theo phương pháp Kangaroo. Đây là là một phương pháp y học thích ứng được lựa chọn để chăm sóc trẻ sinh non/ nhẹ cân bằng cách đặt trẻ nằm tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ hoặc người chăm sóc trẻ.
Chị được các bác sĩ hướng dẫn cách mát xa cho bé. |
Như đã được các bác sĩ trao đổi về lợi ích của phương pháp Kangaroo, chị Dung kể lại: “Đây là phương pháp giúp trẻ sinh non được giữ ấm, nhờ đó mà giảm nguy cơ hạ thân nhiệt, giảm cơn ngừng thở, ổn định nhịp thở, nhịp tim. Ngoài ra con giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn, ít có nguy cơ nhiễm trùng, phát triển tinh thần và thể chất, trẻ ngủ ngon và giảm kích thích. Trong khi đó, với người mẹ, cách này giúp tăng cường mối quan hệ mẹ con, giảm lo lắng, tăng tự tin, tăng khả năng chăm sóc con cho mẹ”.
Sau khi ra viện và về nhà ở Sơn La, chị Dung tự tay chăm sóc con và sau 1 tháng, bé tăng thêm được 1,8kg. Hiện tại bé 2 tháng tuổi và nặng 4,6kg. Chị Dung vẫn ấp con và bế con càng nhiều càng tốt suốt từ lúc con ra khỏi lồng ấp đến bây giờ. Bà mẹ từng hai lần sinh non còn chia sẻ bí quyết chăm sóc trẻ sinh non, đó là thường xuyên mát xa cho bé. Mỗi ngày, chị mát xa cho con khoảng 15 phút, theo hướng dẫn trước đó của bệnh viện.
Nhìn con yêu mỗi ngày một lớn lên, cứng cáp hơn, biết làm nhiều thứ hơn, chị Dung cũng quên dần những khó khăn vất vả trong hành trình 15 năm dài ấy. Đôi lúc, chị nhớ lại chỉ để thấy mình may mắn vì được tận hưởng cảm giác làm mẹ, có được niềm hạnh phúc không gì sánh bằng khi tự tay chăm sóc các con và được chứng kiến, đồng hành cùng con yêu mỗi ngày.
XEM THÊM
Em bé sinh non phải cách ly với mẹ nhưng vẫn được bú sữa mẹ hoàn toàn
12 ngày nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, cách ly với mẹ hoàn toàn do sinh non ở tuần thứ 31, nhưng bé con ... |
2 tháng được mẹ ấp liên tục, em bé sinh non 27 tuần nặng 1 kg hồi sinh kì diệu
Sinh non ở tuần thứ 27 và chỉ nặng 1 kg, bé Hoàng Nhi - con chị Trần Thị Sang (Tp. HCM) được chăm sóc ... |
Cứu ngoạn mục trẻ sinh non nặng 500gram của vợ chồng hiếm muộn
Chào đời ở tuần thai thứ 26, bé sinh non Nguyễn Văn Đ chỉ nặng 500gram, với phần đùi chỉ nhỏ như một ngón tay ... |
2 tháng giành giật sự sống của em bé sinh non 26 tuần, nặng hơn 1kg
Sinh non lúc 26 tuần, nặng vỏn vẹn 1,2 kg, 20 ngày đầu thở máy hoàn toàn, nằm viện suốt 2 tháng cùng nhiều lần ... |