Hình ảnh cá Koi Nhật Bản ở khu thí điểm tại hồ Tây.
Như tin đã đưa, ngày 16/9, Tổ chức xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản, đơn vị thí điểm xử lí ô nhiễm (JVE) và các đơn vị liên quan đã tiến hành lấy mẫu nước, phân tích đánh giá thí điểm sau thời gian kéo dài do xả nước từ hồ Tây.
Cụ thể, Tổng cục môi trường, Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) và Trung tâm chất lượng Bảo vệ tài nguyên nước đã lấy mẫu nước ở sông Tô Lịch, hồ Tây.
Ngày 19/9, JVE thông tin về kết quả đo tại hiện trường ngày 16/9 tại khu thí điểm ở hồ Tây của Viện Công nghệ môi trường cho thấy nồng độ pH đo được là 7,4 ổn định, đạt trong khoảng cho phép.
Chỉ số DO (hàm lượng oxy hòa tan còn dư lại) sau khi đã cung cấp oxy cho vi sinh vật hiếu khí hấp thụ và lượng oxy tiêu hao trong quá trình phân hủy bùn hữu cơ vẫn đạt 9,14mg/l cao hơn 1,5 lần mức yêu cầu cao nhất là cột A1 của Qui chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt.
"Chỉ số này cũng cao hơn gấp 4,57 lần mức tối thiểu yêu cầu (≥2mg/l) là điều kiện tốt cho các loài cá, thủy sinh phát triển", JVE cho hay.
Theo JVE, do nước tại Hồ Tây có rất nhiều tảo, cơ quan lấy mẫu độc lập của Việt Nam đã tiến hành đo thêm cả ban đêm.
Cụ thể, khoảng 20h tối ngày 16/9/2019 (là lúc tảo lấy O2, nhả khí CO2), cơ quan lấy mẫu đã tiến hành đo để đánh giá chính xác hơn môi trường nước tại hồ Tây.
"Kết quả đo được ở bên ngoài khu vực xử lí chỉ đạt 0.59 mg/l không đủ điều kiện cho cá, thủy sinh sống.
Trong khi đó, vào cùng thời gian trên, hàm lượng oxy hòa tan bên trong khu vực xử lí đo được là 5.63 mg/l cao hơn bên ngoài khoảng gần 10 lần, xấp xỉ đạt cột A1- QCVN 08.
Cao gấp khoảng 3 lần mức tối thiểu yêu cầu (≥ 2mg/l). Đây là điều kiện tốt cho các loài cá, thủy sinh phát triển cả vào ban đêm", đơn vị thí điểm cho hay.
Cũng theo đơn vị này, tại khu thí điểm ở hồ Tây, cá Koi Nhật Bản vẫn sống khỏe, trái ngược với đó là hình ảnh cá chết ở bên ngoài.
Về việc cá Koi Nhật Bản chết ở khu thí điểm tại sông Tô Lịch, JVE cho biết "đang tiến hành điều tra và sẽ cung cấp thông tin sau".