Các đối tác kêu gọi Trung Quốc ngừng xét nghiệm SARS-CoV-2 trên thực phẩm nhập khẩu

Một số nước kêu gọi Trung Quốc ngừng thử nghiệm virus SARS-CoV-2 trên thực phẩm bởi hành động này tương đương với việc hạn chế thương mại.
Các đối tác bất bình vì Trung Quốc xét nghiệm SARS-CoV-2 trên thực phẩm nhập khẩu - Ảnh 1.

Trung Quốc thắt chặt kiểm tra virus SARS-CoV-2 trên sản phẩm thực phẩm đông lạnh nhập khẩu. (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters đưa tin hôm 17/11, Trung Quốc thông báo đã phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì thực phẩm từ 20 quốc gia bao gồm các sản phẩm thịt lợn Đức, thịt bò Brazil và cá Ấn Độ.

Nhưng các quan chức nước ngoài cho rằng lời tuyên bố thiếu bằng chứng trên của Trung Quốc đang gây hại cho thương mại và danh tiếng đối với thực phẩm nhập khẩu.

Dẫn lời từ một quan chức giấu tên có mặt trong cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hôm 5 - 6/11, Reuters viết: Canada đã đánh giá việc xét nghiệm SARS-CoV-2 trên thực phẩm nhập khẩu và từ chối tiếp nhận các sản phẩm cho kết quả dương tính với virus qua xét nghiệm nucleic acid của Trung Quốc là “những hạn chế thương mại phi lí”, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh ngừng hoạt động này.

Các quốc gia như Australia, Brazil, Mexico, Anh, Mỹ và Canada đều cho rằng Trung Quốc không cung cấp bằng chứng khoa học thiết thực về biện pháp xét nghiệm trên, vị quan chức này cho biết.

Mới đây, tờ Global Times (Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc) đã có một bài viết cho rằng sự hiện diện của SARS-CoV-2 trên thực phẩm nhập khẩu có khả năng virus này có nguồn gốc từ nước ngoài. 

Trước đó vào tháng 6, Trung Quốc đã bắt đầu kiểm tra việc nhập khẩu thực phẩm ướp lạnh và đông lạnh xem có chứa virus SARS-CoV-2 hay không sau sự việc các công nhân tại một chợ thực phẩm bán buôn ở Bắc Kinh bị nhiễm bệnh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết cả thực phẩm và bao bì khó có thể là nguồn lây lan Covid-19. Nhưng phía Bắc Kinh cho rằng SARS-CoV-2 có thể xâm nhập vào nước này qua thực phẩm nhập khẩu.

Ngày 16/11, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã đặt vấn đề về kết quả xét nghiệm của Trung Quốc sau khi chính quyền TP Tế Nam, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) tuyên bố phát hiện SARS-CoV-2 trên thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ New Zealand. 

Thủ tướng Ardern khẳng định không có sản phẩm thịt nào của nước này đem đi xuất khẩu có mang theo SARS-CoV-2 và phía Trung Quốc cũng không có lời giải thích rõ ràng.

Vào tháng 8, giới chức Brazil đã đến thành phố Thâm Quyến sau khi chính quyền địa phương thông báo phát hiện SARS-CoV-2 trên cánh gà nhập khẩu từ Brazil. Nhưng chính quyền địa phương không cung cấp thông tin làm rõ liệu SARS-CoV-2 đã phát hiện trên thực phẩm đang còn hoạt động hay đã vô hiệu.

Ngày 17/11, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết: "Các hạn chế COVID-19 gần đây của Trung Quốc đối với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu không dựa trên cơ sở khoa học và có nguy cơ gây gián đoạn thương mại".

Tại WTO, Trung Quốc phản hồi rằng động thái của họ là nhằm “bảo vệ tối đa cuộc sống của người dân”. Trung Quốc đã chỉ ra rằng họ đã phân lập được virus SARS-CoV-2 còn hoạt động trên các mẫu cá tuyết đông lạnh nhập khẩu, đây là bằng chứng (chưa được công bố) cho thấy virus có thể lây truyền từ thực phẩm sang người.

Phát biểu trong một hội thảo về an toàn thực phẩm trong tháng 11, bà Gudrun Gallhoff, cố vấn an toàn thực phẩm và sức khỏe của phái đoàn Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, nói rằng các nhà xuất khẩu cần có thêm thông tin về các phương pháp và kết quả kiểm tra của Trung Quốc. 

Bà Gudrun Gallhoff cho rằng Trung Quốc cần đối xử công bằng với đối tác thương mại và cho họ cơ hội để phối hợp.

chọn
Hà Nội sẽ có thêm gần 6.000 căn nhà xã hội từ nay đến năm sau
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà xã hội dự kiến hoàn thành từ nay đến năm sau.