Foxconn là doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) với qui mô hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và máy tính.
Tại Việt Nam, sau khi đầu tư vào Bắc Ninh, Bắc Giang năm 2007, năm 2019, Foxconn tiếp tục mở rộng kế hoạch đầu tư và tìm đến Quảng Ninh.
Theo báo Chính phủ, dự án của Foxconn tại KCN Đông Mai, Quảng Ninh mang tên “Dự án S-Việt Nam”. Đây là nơi có nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng và ti-vi, khởi công từ cuối tháng 9/2019 với số vốn đầu tư giai đoạn một là 26 triệu USD trên diện tích đất 100.000 m2.
Chỉ sau một năm, Foxconn tại Quảng Ninh đã xuất xưởng lô sản phẩm đầu tiên.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, nhà máy của Foxconn tại KCN Đông Mai sẽ sản xuất khoảng 20.000 màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao. Sản phẩm của nhà máy chủ yếu dành cho xuất khẩu với tổng giá trị khoảng 250.000 USD.
Trong năm 2021, nhà máy sẽ sản xuất khoảng một triệu màn hình tinh thể lỏng và ti vi với giá trị xuất khẩu kim ngạch khoảng 250 triệu USD và sẽ tiếp tục nâng giá trị xuất khẩu lên 500 triệu USD, một tỉ USD vào những năm tiếp theo.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, vào tháng 11/2006, Intel đã công bố khoản đầu tư một tỉ USD để xây dựng một cơ sở lắp ráp và thử nghiệm chip hiện đại tại Khu Công nghệ Cao TP HCM. Đến nay, dự án Intel Products Việt Nam (IPV) vẫn là khoản đầu tư công nghệ cao lớn nhất của Mỹ vào Việt Nam.
10 năm qua, nhà máy sản xuất của Tập đoàn Intel (Mỹ) đã hoạt động tại Việt Nam là một trong 9 nhà máy của người "khổng lồ" này trên toàn cầu.
Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào tháng 10/2010, IPV đã tạo ra hơn 5.000 việc làm cho người lao động trong nước có tay nghề cao trong nhiều lĩnh vực. IPV đang sản xuất các sản phẩm mới nhất của Intel bao gồm 5G, IOT, Máy tính để bàn, di động... cho khách hàng trên toàn thế giới.
IPV sản xuất ra được hai tỉ sản phẩm vào tháng Ba năm nay, có nghĩa là, mỗi giây doanh nghiệp sản xuất ra được 25 đơn vị sản phẩm là các con chip bán dẫn, con chip xử lí trong máy tính và các thiết bị.
Theo báo cáo tài chính thường niên năm 2019 của IPV, kết quả kinh doanh của Intel Việt Nam đột biến với doanh thu tăng 54%, đạt 24.067 tỉ đồng, lợi nhuận ròng tăng 59%, đạt 3.720 tỉ đồng.
Kết quả này đóng góp đáng kể cho hoạt động kinh doanh của Intel trên toàn cầu, khi tập đoàn ghi nhận mức doanh thu phá kỉ lục mọi thời đại, khi đạt 72 tỉ USD trong năm 2019.
Trong quí III/2020, do ảnh hưởng từ đại dịch, Intel ghi nhận doanh thu có phần giảm nhẹ 4% còn 18,3 tỉ USD; lợi nhuận ròng giảm tới 29% còn 4,3 tỉ USD.
Intel Products đang chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư mạnh hơn nữa vào Việt Nam trong những năm tới, hứa hẹn tạo ra dòng doanh thu lớn hơn các năm trước đó.
Pegatron - đối tác của Apple, Microsoft chính thức xác nhận sẽ đầu tư một tỉ USD vào dự án tại KCN Nam Đình Vũ, TP Hải Phòng, báo Đầu tư đưa tin vào hồi cuối tháng 9.
Sản phẩm bao gồm thiết bị điện tử (điện tử dân dụng, máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử, bảng mạch), sẽ cung cấp cho Microsoft, Sony, Lenovo, Apple.
Khi đi vào hoạt động, dự án dự kiến tạo việc làm cho 22.500 lao động trực tiếp và đóng góp vào nguồn thu ngân sách khoảng 100 tỉ đồng/năm.
Ban đầu, dự án đầu tiên chỉ có tổng vốn khoảng 19 triệu USD. Hiện nay, Pegatron đang bắt đầu làm thủ tục đầu tư cho dự án thứ hai, với tổng vốn đầu tư khoảng 481 triệu USD và thứ ba với qui mô 500 triệu USD.
Dự án dự kiến được xây dựng tại KCN Deep C, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.
Theo báo Đầu tư, việc ngày có nhiều đại gia công nghệ tìm đến sẽ góp phần giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao. Đây cũng chính là một trong những định hướng và mục tiêu quan trọng mà Việt Nam đặt ra khi xây dựng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới, theo tinh thần của Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị.