'Các giải pháp hiện nay mới tập trung cải thiện nguồn cung, trong khi nguồn cầu cũng đang trì trệ'

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, đa số các giải pháp hiện nay đang tập trung gỡ cho doanh nghiệp vì đó là gỡ mấu chốt của vấn đề liên quan đến cả một hệ thống, đặc biệt là hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, nguồn cầu về bất động sản hiện nay cũng đang trì trệ và chưa có dấu hiệu hồi phục.

Thị trường hiện nay đang khó khăn về cung và cầu

Ảnh minh hoạ: Hoàng Huy.

"Thị trường bất động sản (BĐS) nửa đầu năm 2023 vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức chưa thể khắc phục: Giao dịch suy giảm, nhu cầu mua tiếp tục thấp, tâm lý đầu tư yếu, thanh khoản chung chưa có dấu hiệu phục hồi.

Mặc dù Chính phủ đã có những động thái tháo gỡ pháp lý cho hàng loạt dự án, hạ lãi suất điều hành, liên tục giảm lãi suất huy động… tuy nhiên các chính sách này vẫn cần thời gian để thẩm thấu vào thị trường BĐS.

Trong quý II/2023, hạn mức tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, lãi suất huy động giảm mạnh nhưng lãi suất vay vẫn ở mức cao trên 13%. Kênh huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi", ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn chia sẻ trong một sự kiện diễn ra mới đây.

Theo thống kê của Batdongsan.com.vn, lượng tìm mua BĐS toàn quốc trong nửa đầu năm 2023 giảm 33% so với cùng kỳ, lượng tin đăng bán giảm 44%. Lượng quan tâm tìm mua đất nền cũng giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2022.

Có hai yếu tố chính đang ảnh hưởng đến tâm lý của người mua, là do người mua đang có tâm lý muốn giữ tiền chờ BĐS giảm thêm, số khác thì vẫn còn có cái nhìn tiêu cực về thị trường BĐS. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng bởi những khó khăn về hạn mức tín dụng, lãi suất vay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Cả nguồn cung và lực cầu BĐS vẫn đang đối diện nhiều thách thức.

Mặt khác, việc khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà, áp lực lãi suất lớn và giá nhà vẫn đang quá cao so với thu nhập người mua cũng là những rào cản lớn khiến thanh khoản thị trường chưa thể tốt lên.

Ngoài ra, lệch pha cung cầu diễn ra trong những năm qua đã khiến nhiều người mua có nhu cầu ở thực, vốn chuộng sản phẩm nhà vừa túi tiền không tìm được sản phẩm phù hợp mình mong muốn.

Việc cải thiện nguồn cầu cần được chú trọng hơn

PGS.TS Trần Đình Thiên. (Ảnh: VGP).

Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản diễn ra chiều qua 3/8, Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, các giải pháp thường tập trung về phía cung, trong khi thị trường bất động sản hiện nay khó cả về cung và cầu.

"Đa số các giải pháp tập trung gỡ cho doanh nghiệp là rất đúng vì đó là gỡ mấu chốt của vấn đề liên quan đến cả một hệ thống, đặc biệt là hệ thống ngân hàng đang chịu gánh nặng ghê gớm.

Nhưng rõ ràng đứng trên lập trường phát triển đầy đủ, chúng ta thấy rằng cầu về bất động sản hiện nay trì trệ và có khả năng tiếp tục trì trệ. Các phân tích gần đây về tổng cầu chưa thấy điểm gì sáng, như việc làm, tốc độ tăng trưởng đang cải thiện như còn chậm, đầu tư công còn chậm…

Cần phải phân tích đầy đủ cầu cho thị trường bất động sản để có cách tiếp cận về cầu. Nếu không, chúng ta đầu tư, xây dựng xong lại để đấy, không có thị trường tiêu thụ. Điểm này là điểm đang mất cân đối, rất yếu về khía cạnh chính sách", theo vị chuyên gia.

Trước tình trạng này, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng cần phải xác định tinh thần bối cảnh bất thường phải có giải pháp khác thường, phải vượt qua được tư duy sợ hãi thông thường.

Đơn cử như, hiện nay, bất động sản tồn kho tăng. Nhiều dự án tốt nhưng lại đang vướng mắc, chưa chạm tới thị trường thì xử lý như thế nào? Nhà nước có mua lại các dự án đó không để bảo đảm tạo lòng tin cho cả phía doanh nghiệp lẫn phía người mua? Đây là những giải pháp này là cơ bản để gỡ cho các dự án tốt, lớn nhưng lại đang tắc. 

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.