Cách li xã hội sau 15/4: Nhiều người ủng hộ, một số mong nới lỏng

Kinh tế và sức khỏe? Đây là bài toán khó trong những ngày cao điểm của dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn đồng tình việc tiếp tục kéo dài thời gian cách li xã hội sau khi Chỉ thị 16 kết thúc.

Giãn cách xã hội đang phát huy hiệu quả, tại sao không tiếp tục kéo dài?

8h tối, anh Đ.A (39 tuổi, TP HCM) lại chuẩn bị điện thoại, mở ứng dụng để cho con trai học trực tuyến. Điều này dường như trở thành thói quen của anh trong hai tuần cao điểm dịch Covid-19 vừa qua.

"Do tính chất công việc, tôi ít khi về nhà, thậm chí có những dịp đi công tác gần một tháng. Khoảng thời gian cách li xã hội, tôi có thể quan tâm hơn đến việc học của các con, hay đơn giản là xem một bộ phim cùng gia đình, điều mà bản thân hiếm khi sắp xếp được.

Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Kinh tế là điều quan trọng, nhưng sức khỏe, tính mạng mới là thứ phải đặt lên hàng đầu. Do đó, nếu Chính phủ tiếp tục kéo dài biện pháp này, theo tôi là điều hợp lí", anh Đ.A chia sẻ. 

Cách li xã hội sau 15/4: Nhiều người ủng hộ, một số mong nới lỏng - Ảnh 1.

Hà Nội đã có ý kiến đề xuất kéo dài cách li xã hội đến hết tháng 4 (Ảnh tư liệu minh họa: Thủy Long).

Chị Ly (28 tuổi, Hà Nội) cho biết, những ngày qua người dân bắt đầu có tư tưởng chủ quan. Tuy nhiên chính quyền và các cơ quan chức năng vẫn thực hiện rất nghiêm ngặt các biện pháp theo qui định.

"6h sáng và 5h chiều mỗi ngày, loa phát thanh khu tôi ở lại cập nhật tình hình dịch, phổ biến, tuyên truyền những qui định, chế tài để người dân kịp thời thông tin, chấp hành. Bản thân tôi có thói quen đi bộ buổi sáng, nhưng những ngày vừa qua, tôi vẫn vui vẻ chấp nhận bớt chút lợi ích cá nhân để đảm bảo an toàn cho cộng đồng", chị Ly chia sẻ. 

Theo chị, trong 2 tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam tăng lên chưa đến 100 người. Cách li xã hội thực sự đang phát huy hiệu quả, không có lí do gì để ngừng biện pháp này.

Có nên điều chỉnh cục bộ việc cách li xã hội đối với từng địa phương?

Ông M. (54 tuổi, Nghệ An), bệnh nhân chạy thận ở TP Vinh cho biết: "Hai ngày một lần, tôi phải đến bệnh viện chạy thận. Trước mùa dịch, tôi thường đi xe ôm hoặc xe buýt bởi bệnh viện cách nhà khá xa. 2 tuần qua, việc đi lại thực sự khó khăn do các phương tiện này đã tạm ngừng hoạt động. Nếu tiếp tục tình trạng hiện nay, tôi sẽ phải tìm phòng trọ gần bệnh viện để thuận tiện đi lại hơn".

Dù chịu nhiều ảnh hưởng đến việc điều trị, ông M. vẫn vui vẻ ủng hộ công tác chống dịch và tự tìm giải pháp cho bản thân, tuy nhiên ông cũng mong muốn Chính phủ "nới lỏng" biện pháp cách li xã hội sau ngày 15/4.

Đến nay, Nghệ An cũng như nhiều địa phương trên cả nước dù chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19, tuy nhiên vẫn áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. 

Cùng nguyện vọng giống ông M., những tiểu thương như chị L. (40 tuổi, Hà Tĩnh) chia sẻ, ở địa phương chị đất rộng, người thưa, ngày thường vốn dĩ mọi người đã ít tụ tập. Bên cạnh đó, việc kinh doanh của chị chủ yếu là cung cấp hàng sỉ, không cần phải tập trung đông người, nguy cơ lây nhiễm không cao. Theo chị, nên đặt ra các biện pháp phòng dịch trên cơ sở đặc thù, tình hình cụ thể ở từng địa phương.

Ngược lại, P.N. (25 tuổi) cho rằng những quan điểm trên thể hiện tư tưởng chủ quan của người dân. Việc cách li xã hội phải được thực hiện đồng bộ trên cả nước, nếu chỉ vì một địa phương chưa có dịch ngừng các biện pháp hiện nay sẽ phá vỡ cả một hệ thống. 

"Nhà nước đã có gói hỗ trợ kinh tế, có chính sách giảm tiền điện, nước, chứng tỏ Chính phủ đã chuẩn bị rất kĩ cho kịch bản lâu dài. Từ đầu tháng 3 đến nay, chúng ta vẫn sống ổn, nếu có tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội trong 1-2 tuần tới tôi cũng đồng tình", N. nói.

Đã thống nhất kiến nghị Thủ tướng nới lỏng cách li ở các địa phương nguy cơ thấp   

Cách li xã hội sau 15/4: Nhiều người ủng hộ, một số mong muốn 'nới lỏng' - Ảnh 4.

Một số người dân vẫn ra đường mặc dù đã có lệnh cấm.

Tại cuộc họp sáng nay 15/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện “cách li xã hội” theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, đối với những tỉnh, thành phố nằm trong nhóm nguy cơ cao lây nhiễm, Ban Chỉ đạo kiến nghị tiếp tục thực hiện biện pháp cách li xã hội như qui định trong Chỉ thị 16 thêm ít nhất 1 tuần. 

Đối với những địa phương có nguy cơ và nguy cơ thấp, một số hoạt động sản xuất kinh doanh được hoạt động có điều kiện trên cơ sở bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ...

Về hoạt động đi lại, Ban Chỉ đạo thống nhất tuỳ vào mức độ, nguy cơ từng địa phương sẽ có giới hạn cụ thể.

Bên cạnh đó, những yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các tỉnh trong cả nước vẫn phải thực hiện nghiêm chỉnh.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.