Cách phòng tránh những bệnh dễ mắc phải trong mùa lạnh

Vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, không khí khô hanh kèm gió thường tạo điều kiện cho một số bệnh như cảm lạnh, viêm họng hay đau khớp. Đây là các bệnh dễ mắc và cũng dễ tái phát. 

1. CẢM LẠNH

Thời tiết mùa đông thường không ổn định, khi thời tiết thay đổi thường gây bệnh cảm lạnh. Người bệnh có triệu chứng: sốt nhẹ, sợ gió, sợ lạnh nhiều, không mồ hôi, đau đầu, ngạt mũi, chảy mũi, người đau ê ẩm.

Bạn có thể phòng chống cảm lạnh bằng cách rửa tay thường xuyên, việc này sẽ giúp tiêu diệt vi trùng ở tay sau khi bạn tiếp xúc với bề mặt của một số vật dụng như công tắc điện và tay nắm cửa. Việc dọn dẹp nhà cửa và rửa sạch những loại vật dụng gia đình như cốc chén, bát đũa rất quan trọng, nhất là khi trong gia đình có ai đó bị ốm.

Ngoài ra, bạn nên nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ và uống nhiều nước là một cách hữu hiệu. Súc miệng với nước muối trước khi đánh răng vào buổi sáng, sau bữa trưa và trước khi đi ngủ. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản khẳng định, những người súc miệng với nước 3 lần mỗi ngày sẽ ít bị nhiễm lạnh hơn 36% so với những người không làm việc này.

cach phong tranh nhung benh de mac phai trong mua lanh
(Ảnh: Runtastic)

2. BỆNH VỀ PHỔI

Mùa đông, nhiệt độ xuống thấp nên các vi sinh vật có cơ hội phát triển thuận lợi thì các bệnh về đường hô hấp cũng tăng cao. Bệnh viêm phổi rất nguy hiểm đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ. Tác nhân gây bệnh là: virus cúm, vi khuẩn gram âm, các tụ cầu vàng…

Người có tiền sử bị hen suyễn là đối tượng dễ tái phát bệnh. Phế quản của họ trở nên nhạy cảm hơn với các kích thích gây bệnh như: bụi bặm, ký sinh vật, nấm mốc, phấn hoa, lông chó mèo, lông sợi len... Để phòng viêm phổi trong mùa đông, ngoài việc giữ ấm, tránh lạnh, tránh gió... nếu thấy có các triệu chứng như: ho nhiều, sốt cao kéo dài, khó thở... bệnh nhân cần đến khám bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời. Đồng thời phải loại trừ được các yếu tố dị nguyên gây kích thích để cắt được cơn hen trong thời gian ngắn nhất.

3. VIÊM HỌNG CẤP

Thời tiết lạnh là lúc môi trường rất thuận lợi cho siêu vi phát triển, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hô hấp trên, điển hình là viêm họng cấp. Bệnh thường xảy ra cả ở người lớn và trẻ em do không khí lạnh kích thích gây viêm xung huyết, làm giảm sức đề kháng và tạo điều kiện cho các mầm bệnh sẵn có trên đường hô hấp phát triển.

cach phong tranh nhung benh de mac phai trong mua lanh
Để phòng ngừa viêm họng, chúng ta cần vệ sinh răng miệng, họng, mũi thường xuyên hàng ngày. Cần đánh răng sau khi ăn và trước, sau khi ngủ dậy, nhất là đối với trẻ em. (Ảnh: health)

Nên tắm bằng nước ấm nhất là với những người mắc bệnh viêm họng tái đi tái lại nhiều lần. Khi tắm xong cần lau người khô trước khi mặc quần áo sạch bất kể là mùa nào. Cũng không nên ngồi trước quạt hoặc trong phòng điều hoà lạnh sau khi tắm xong. Hãy pha một thìa muối vào một cốc nước ấm và súc miệng đều đặn hàng ngày, bạn sẽ thấy hiệu quả.

4. VIÊM MŨI DỊ ỨNG

Mùa đông thường khiến cho niêm mạc mũi khô, và trở nên nhạy cảm hay dễ bị kích ứng với các tác nhân như: không khí lạnh, khói bụi, hóa chất… dẫn đến viêm mũi dị ứng. Triệu chứng của bệnh bao gồm: ngứa mũi, đôi khi kèm theo ngứa mắt, tai hay vòm họng, chảy nước mũi liên tục, nghẹt mũi. Đau họng, khàn giọng và mũi mất khả năng ngửi. Bệnh nhân thường phải thở bằng miệng, nhất là khi ngủ, dẫn đến ngáy ngủ.

Bệnh viêm mũi dị ứng tuy không nguy hiểm nhưng khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt. Nếu để lâu không điều trị, bệnh tiến triển đến viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, viêm xoang…

Để phòng tránh cần: mặc ấm, khi ra đường nên đeo khẩu trang, vệ sinh nơi ở sạch sẽ, tránh tiếp xúc với các dị nguyên như chó, mèo... Rửa mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày.

5. VIÊM ĐA KHỚP DẠNG THẤP

Ở những người lớn tuổi, vào mùa đông hay gặp bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Triệu chứng của bệnh là viêm các khớp bé trong cơ thể như: viên khớp cổ tay, khớp bàn tay, khớp đốt ngón tay, khớp cổ chân,… Nếu tiển triển bệnh kéo dài, có thể gây cứng khớp, khó cử động, dính khớp và mất dần chức năng vận động của khớp.

Để phòng tránh bệnh hiệu quả, vào mùa đông, bạn cần phải giữ ấm cơ thể và đặc biệt là chân tay. Khi ra ngoài trời lạnh nên đeo găng tay cẩn thận, trong trường hợp bệnh nặng lên phải đi khám bác sĩ chuyên khoa.

cach phong tranh nhung benh de mac phai trong mua lanh
(Ảnh: An cốt Nam)

6. BỆNH VỀ DA

Vào mùa đông, trời lạnh khiến da giảm tiết mồ hôi, và chất bã, không khí hanh khô làm da bị mất nước nhiều hơn. Da tay, chân có biểu hiện bị khô, nứt nẻ, bong vảy. Da bị nứt kèm theo triệu chứng ngứa từ lâm râm đến dữ dội, làm cho da bị trầy xước, chảy máu thậm chí có thể đóng vẩy sinh mủ.

cach phong tranh nhung benh de mac phai trong mua lanh
(Ảnh: adiva)

Để bảo vệ da khỏi những triệu chứng này, nên uống nhiều nước, tránh tắm nước quá nóng, và nên dùng các loại sữa tắm, kem dưỡng có độ ẩm cao. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các chất tẩy rửa, nên đeo găng tay khi giặt đồ hoặc rửa bát...

7. HẠ THÂN NHIỆT

Những người dễ bị hạ thân nhiệt nhất là người già, trẻ nhỏ và những người có thói quen uống rượu. Khi bị hạ thân nhiệt, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, đầu óc mơ hồ và xuất hiện những đợt rùng mình không kiểm soát. Tới khi không cảm thấy lạnh nữa, da của họ đã tái xanh, đồng tử giãn ra và không còn tỉnh táo nữa.

Theo các chuyên gia, nên tìm các biện pháp can thiệp kịp thời trong giai đoạn đầu của hạ thân nhiệt, trước khi các triệu chứng trở nặng hơn. Cách tốt nhất để giúp những người bị hạ thân nhiệt là quấn chăn xung quanh người cho tới khi cơ thể họ ấm trở lại.

8. BỆNH TIM MẠCH

Thời tiết lạnh mang đến nhiều nguy hiểm cho những người bị bệnh tim vì nó có thể làm tăng nhịp tim, tăng cường nguy cơ hình thành cục máu đông và cao huyết áp. Tim phải làm việc vất vả hơn đến giữ ấm cho cơ thể.

Vào mùa lạnh, người dân cần được giữ ấm đầy đủ, đặc biệt người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành. Cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy. Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh.

Đối với trẻ em, cần lưu ý giữ ấm cổ và cơ thể, quàng khăn, đeo khẩu trang và hạn chế ra ngoài trời lạnh, cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh, cần được thăm khám và điều trị tại các chuyên khoa về tim mạch.

cach phong tranh nhung benh de mac phai trong mua lanh
(ẢNh: ZorgAndersTv)
cach phong tranh nhung benh de mac phai trong mua lanh Cách phòng tránh các bệnh thường gặp khi trời trở lạnh
cach phong tranh nhung benh de mac phai trong mua lanh Cảnh giác với viêm phổi khi trời rét
cach phong tranh nhung benh de mac phai trong mua lanh Phòng bệnh mùa lạnh cho trẻ
chọn
Hình ảnh cầu vượt sông Đào ở TP Nam Định đã hoàn thành hơn 56%
Dự án xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi do UBND thành phố Nam Định làm chủ đầu tư khởi công ngày 15/10/2022.