Hạn chế rượu bia là đúng nhưng việc thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn (ảnh: dennisheppner.com). |
Kinh tế thế giới “chi” cho rượu, bia 1.500 tỉ USD/năm. Việt Nam một năm chi khoảng 16.000 tỉ đồng cho mua rượu, bia, chiếm gần 3% tổng thu ngân sách, gấp rưỡi số tiền thu được từ sản xuất rượu, bia; 6% các vụ tai nạn giao thông do rượu, bia (4.800/12.000 người chết), thiệt hại một năm khoảng 2,9% GDP; 60% các vụ bạo lực gia đình do rượu, bia và 15% giường bệnh tâm thần dành cho người loạn thần do rượu...
Vì những thiệt hại do rượu, từ năm 1919, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Volstead, bất chấp phủ quyết của Tổng thống Woodrow Wilson. Đạo luật này cho phép thực thi Tu chính án thứ 18 (cấm bán rượu) của Hiến pháp, nên bị gọi là Tu chính án cấm đoán (Prohibition Amendment)…
Nghị định số 105/2017/NĐ-CP quy định mọi hoạt động về rượu, từ sản xuất đến bán, mua, nhập khẩu... Siết chặt quy định về rượu hầu hết người dân đồng tình, tuy nhiên, quy định được quan tâm nhất là cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, liệu có khả thi khi nhìn vào thực tế thực thi pháp luật trước nay?
Không rõ trước khi làm luật, Bộ Công Thương đã biết có bao nhiêu cơ sở bán rượu lớn, nhỏ và đã có phương sách gì để thực hiện quy định này? Với truyền thống nấu rượu thủ công và bán rượu kiểu như nước ta thì hang cùng ngõ hẻm chỗ nào cũng có bán rượu, từ quán ăn nhậu đủ loại, đến quán trà hoặc chính nơi nấu thủ công, bán tại nhà ở.
Tháng 3 - 4.2017, huyện Thanh Trì, Hà Nội kiểm tra, thống kê được 266 cơ sở sản xuất và 590 hộ kinh doanh rượu (tổng số 856). Nếu nhân với 68 TP thuộc tỉnh, 50 thị xã, 49 quận và 546 huyện thì nước ta áng chừng có hàng trăm ngàn cơ sở bán rượu, chưa kể số cơ sở ở các TP thuộc TƯ. Cũng đợt kiểm tra này, biết Hà Nội có 5.420 cơ sở sản xuất rượu công, tư (kể cả 19 huyện, thị trong số thống kê tương đối trên).
Với cách làm rượu, uống rượu và đặc điểm tâm lý người Việt thì Ủy ban nhân dân cấp xã rất khó “theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên phạm vi địa bàn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền” (theo NĐ). Với truyền thống uống rượu tự nấu từ gạo, ngô; giá thành rẻ, phù hợp túi tiền và người dân cho rằng các chất độc hại (theo tiêu chuẩn cồn thực phẩm) rất thấp, “bằng chứng” là ngàn đời cha ông vẫn uống có sao đâu!?
Không ít người còn bảo rằng, rượu gạo để lâu (vài năm...) thì ngon tuyệt. Rượu “quốc lủi” hay “đế” chính là “quốc hồn”, “quốc túy” của những đệ tử thần lưu linh nơi thôn dã hay miền sơn cước. Không biết có phải vì rượu quốc doanh nước mình không được ngon hay sao mà họ bảo cái thứ rượu mùi (chỉ rượu quốc doanh) uống không ra gì.
Lại không hiếm chuyện mấy anh thành phố đem về quê những chai Whisky hay Cognac hảo hạng, những tưởng được họ hàng xuýt xoa khen ngon, ai ngờ nhấp xong, họ buông thõng: “Thua nút lá chuối”! Tình làng nghĩa xóm, họ hàng ba bề bốn bên quyện chặt với bát cơm manh áo (của người bán rượu) nên tố giác hay đưa nhau ra trước “công đường” thật không dễ.
Xin kể một chuyện không xa: Ở một xã nay là ngoại thành Hà Nội có nhiều núi đá, một núi lớn ngoài các cơ sở khai thác đá được nhà nước cấp phép thì có tới chục “máng” khai thác đá lậu thủ công. Việc đồng áng ít nên thiếu đói quanh năm, đi làm đá lậu thuê một tháng được bốn, năm, hay sáu triệu đồng có điều rất nguy hiểm.
Mỗi năm, số người chết vì đá của riêng các máng đá lậu (trong hàng chục năm) là hai con số thế nhưng chỉ có một vụ chết người duy nhất mà tình cờ cơ quan chức năng được biết. Nhưng khi đoàn điều tra gồm cả thanh tra an toàn lao động đến nơi thì người chết đã được chôn cất, gia đình kiên quyết ngăn cản việc khai quật tử thi để giám định nguyên nhân chết và Chủ tịch, Bí thư xã cũng “nói hộ” họ.
Người dân cho biết mỗi người chết được chủ máng đá bồi thường khoảng 15 đến 20 triệu và có “trách nhiệm” trong việc hậu sự... Đây là “luật bất thành văn” ở xã này và thống nhất cao từ chính quyền đến người dân!... Từ chuyện này có thể nói rằng, sinh mạng con người trọng là thế mà vì những ràng buộc, còn được xử lý như thế, huống hồ đây chỉ là chuyện bán rượu “chả chết ai”! Mà cũng lại là cha ông cũng bán thế từ ngàn đời!
Vả lại không bán thì “thua thiệt”, chưa kể điều nọ tiếng kia trong làng! Trong làng, bảo người mua rượu cho xem CMND có lẽ khó hơn bảo họ đừng uống rượu và “hình như” IQ người bán “có vấn đề”! Ở làng, bản thì hầu hết nấu và bán rượu không có giấy phép: Trong 266 hộ sản xuất rượu ở Thanh Trì nói trên chỉ có 3 hộ đăng ký kinh doanh, 2 có giấy phép sản xuất; 3 đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm…
Ở Mỹ, nói chung người dân tuân thủ luật rất nghiêm nhưng nhà chức trách vẫn mặc thường phục giả đi mua rượu để kiểm tra. Nếu phát hiện bán sai đối tượng, tiệm rượu bị phạt rất nặng hoặc tước giấy phép bán rượu vĩnh viễn - một loại giấy phép rất khó có, vì mỗi khu vực dân cư được quy định số lượng nhất định; nhà hàng gần trường học không xin được giấy phép bán bia.
Chị Hoa Nguyễn, chủ tiệm rượu ở bang California, Mỹ nói chưa thấy một tiệm rượu nào bị thu hồi giấy phép được cấp lại. Muốn mua rượu ở Mỹ phải trình thẻ ID (thẻ nhận dạng cá nhân, tương tự CMND ở ta), người dưới 21 tuổi không được mua rượu. Như vậy, rõ ràng là muốn thực hiện nghiêm quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi không có cách nào khác ngoài kiểm tra, giám sát mua, bán rượu. Không hiểu trước khi làm luật, Bộ Công Thương đã có phương sách gì để giải quyết vấn đề có tính quyết định này?
Còn nhớ, từ NĐ 117/2009/NĐ-CP về vệ sinh môi trường đã nảy sinh tranh cãi: Ngành nào đi phạt? Cuối cùng công an và quản lý trật tự đô thị cùng phạt... Do không triệt để ở khâu kiểm tra nên từ đó đến NĐ 79/2013 và hiện thời là NĐ 155/2016/NĐ-CP (phạt từ 500.000đ đến 7.000.000đ cho các hành vi vứt đầu mẩu thuốc lá, vứt và xả rác nơi công cộng hay vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị; đại, tiểu tiện không đúng nơi quy định) số phạt chẳng thấm tháp gì!
Người ta xem việc phóng uế và xả rác bất kỳ là “chuyện dĩ nhiên ở xóm” nên nơi phạt nơi không. Chẳng hạn năm 2016, quận 1, TPHCM phạt trên 2.000 hành vi loại này, còn những nơi khác chẳng thấy đâu, kể cả Hà Nội!
Hiện thời, những hành vi này đang là “bề nổi” chướng mắt nhất ở hầu hết các đô thị Việt Nam, TP càng to thì “bệnh” càng nặng, người dân thản nhiên làm những hành vi bị cấm vì thế phố xá đâu đâu cũng thấy chất thải và những cảnh trẻ con ngồi tè, ị... Trong các nhà thi đấu thể thao thì sau một buổi đấu, khán đài, sàn đấu cơ man vỏ chai nhựa, bánh kẹo; giấy; đầu mẩu thuốc; hộp xốp (đựng cơm...); kẹo cao su thải...
Quy định cấm hút thuốc nơi công cộng (NĐ 176/2013/NĐ-CP) và cấm cởi trần, mặc quần áo lót nơi hội họp đông người, điểm đang hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, nơi đang làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức...; có lời nói hoặc cử chỉ thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa nơi công cộng; hành vi say rượu, bia tại ở công sở... (NĐ 73/2010/NĐ-CP) cũng trong tình trạng tương tự! Ai cũng biết ở Singapore, người ta giải quyết vệ sinh môi trường tuyệt vời vì ngoài phạt nặng, họ có đủ người giám sát, xử phạt...
Còn nói như ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương là việc chấp hành NĐ phụ thuộc người giám sát, kiểm tra và theo quy luật phát triển chung “dần dần nó phải khả thi” đúng không sai vào đâu được, nhưng vẫn là câu hỏi: Kiểm tra, giám sát thế nào và nếu không thì bao giờ “nó sẽ khả thi”!?
Nói cho công bằng, ở những nước văn minh, hầu hết người dân tôn trọng pháp luật, nên thực thi một quy định dễ nhiều hơn ở ta. Anh Tạ Tuấn Thi, có 13 năm làm doanh nghiệp lữ hành ở Singapore cho rằng, để có được nếp không xả rác bất kỳ phải mất cả một thế hệ...
Vì thế, ban hành luật mà thực hiện tốt ngay ở ta là chuyện không tưởng, nhưng ban ra rồi không có biện pháp thực hiện triệt để thì như nhiều người nói “đánh trống bỏ dùi”!
Nước ta có truyền thống làm luật rất đẹp, nhưng khâu thực hiện luôn yếu kém, điều này nguy hại vì tạo ra thói nhờn phép nước!
Từ 11/2017, hộ gia đình không được nấu rượu thủ công
Hộ gia đình không được sản xuất rượu thủ công, nghiêm cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi. |