Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối, cụ thể như sau:
Việt Nam cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU, nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong hai ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam.
Tuy nhiên, cam kết này chỉ có hiệu lực trong vòng 5 năm (hết thời hạn 5 năm Việt Nam sẽ không bị ràng buộc bởi cam kết này), không áp dụng với 4 ngân hàng thương mại cổ phần mà nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank.
Bên cạnh đó, việc thực hiện cam kết này sẽ phải tuân thủ đầy đủ các qui định về thủ tục mua bán, sáp nhập cũng như các điều kiện an toàn, cạnh tranh, bao gồm giới hạn tỉ lệ sở hữu cổ phần áp dụng đối với từng nhà đầu tư là cá nhân, tổ chức trên cơ sở đối xử quốc gia, theo qui định của pháp luật của Việt Nam.
Việt Nam cam kết cho phép nhượng tái bảo hiểm qua biên giới, cam kết dịch vụ bảo hiểm y tế tự nguyện theo luật trong nước.
Riêng đối với yêu cầu cho phép thành lập chi nhánh công ty tái bảo hiểm, Việt Nam chỉ cho phép sau một giai đoạn quá độ.
Việt Nam cam kết mức tương đương như trong Hiệp định CPTPP. Đặc biệt đối với dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng, Việt Nam cho phép EU được lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sau một giai đoạn quá độ.
Đối với dịch vụ gom hàng và dịch vụ vận chuyển container rỗng, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cho phép các hãng tàu EU thực hiện các dịch vụ này trên tuyến Quy Nhơn - Cái Mép. Sau 5 năm Việt Nam sẽ cho phép thực hiện dịch vụ vận chuyển container rỗng trên tất cả các tuyến.
Với dịch vụ nạo vét, Việt Nam cho phép doanh nghiệp EU lập liên doanh tới 51% để cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
Đối với dịch vụ mặt đất ở sân bay, Bộ Giao thông vận tải cũng đồng ý sau 5 năm kể từ khi Việt Nam mở cửa cho khu vực tư nhân sẽ cho phép các doanh nghiệp EU lập liên doanh với đối tác Việt Nam, trong đó vốn của phía nước ngoài không quá 49%, để đấu thầu cung cấp dịch vụ này. Ba năm sau đó, hạn chế vốn nước ngoài sẽ là 51%.
Việt Nam đồng ý bỏ yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tuy nhiên Việt Nam bảo lưu quyền thực hiện qui hoạch hệ thống phân phối trên cơ sở không phân biệt đối xử.
Việt Nam cũng đồng ý không phân biệt đối xử trong sản xuất, nhập khẩu và phân phối rượu, cho phép các doanh nghiệp EU được bảo lưu điều kiện hoạt động theo các giấy phép hiện hành và chỉ cần một giấy phép để thực hiện các hoạt động nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ.