Cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Khuyến khích doanh nghiệp Việt đầu tư, mời kiểm toán giám sát

Với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Phó Thủ tướng yêu cầu mời thanh tra, kiểm toán giám sát và khuyến khích doanh nghiệp Việt đầu tư.

IMG_5299

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Khuyến khích nhà đầu tư Việt làm cao tốc Bắc - Nam

Liên quan đến dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Văn phòng Chính phủ mới có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Cụ thể, kết luận nêu rõ dự án trên rất quan trọng, cấp bách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bên cạnh đó, dự án có qui mô đầu tư lớn, đi qua nhiều địa phương, có các yêu cầu kĩ thuật phức tạp.

"Do đó, yêu cầu Bộ GTVT tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, tổ chức triển khai dự án với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân, đáp ứng các yêu cầu tiến độ, chất lượng, an ninh, an toàn", kết luận của Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đáng chú ý, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các Ban quản lí dự án phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng, trước mắt là hoàn thành công tác cắm mốc GPMB để bàn giao cho địa phương.

Về phía các tỉnh cũng cần rà soát qui hoạch các khu tái định cư và thực hiện xây dựng đế đáp ứng nhu cầu tái định cư cho người dân; tổ chức triển khai thủ tục thu hồi đất, lập phương án bồi thường bảo đảm tiến độ GPMB.

Kết luận của Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng sớm công bố, điều chỉnh, sửa đổi các định mức để áp dụng cho dự án; hỗ trợ xác định phương pháp và giá gói thầu tư vấn nước ngoài thực hiện công tác kiểm tra, tính toán đối chứng hồ sơ thiết kế kỹ thuật phần cầu chính đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2.

Đối với việc lựa chọn nhà đầu tư cao tốc, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tổ chức thực hiện công tác lựa chọn nhà đầu tư theo đúng qui định pháp luật, trên nguyên tắc ưu tiên nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm, uy tín.

Ngoài ra, cần khuyến khích các nhà đầu tư trong nước liên danh, liên kết với nhau, với các nhà đầu tư quốc tế đủ năng lực để triển khai dự án.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH&ĐT lập Tổ giám sát và mời Kiểm toán Nhà nước giám sát chặt chẽ quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu đảm bảo tuân thủ đúng các qui định của pháp luật.

DSC06213

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Mời thanh tra, kiểm toán giám sát cao tốc Bắc - Nam

Đối với vấn đề nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đây là dự án lớn.

"Ngân sách hiện nay đang khó khăn, nguồn lực trong nước cũng khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư các dự án BOT giai đoạn trước nên nguồn lực rất hạn chế.

Bên cạnh đó, tín dụng ngân hàng đầu tư nhiều cho các dự án BOT nên đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay cũng có khó khăn về nguồn vốn, tín dụng", ông Thể nói.

Với cao tốc Bắc - Nam phía Đông, theo ông Thể, Bộ GTVT đang đấu thầu quốc tế, thu hút nguồn vốn nước ngoài.

"Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước, chúng tôi khuyến cáo các doanh nghiệp trong nước có thể liên doanh 3 - 4 doanh nghiệp trong nước thành một đơn vị để đảm bảo tài chính.

Các doanh nghiệp cũng có thể liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài vì chúng ta đấu thầu quốc tế nên doanh nghiệp trong và ngoài nước đều có thể liên doanh, liên kết với nhau.

Với các dự án này, nếu doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước liên doanh với nhau hoàn toàn có thể thực hiện được dự án.

Chúng tôi nghĩ rằng doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể có cơ hội", Bộ trưởng GTVT cho biết.

Đối với vấn đề giám sát, Bộ trưởng GTVT cũng yêu cầu các cơ quan tham mưu nghiên cứu để Bộ có văn bản mời thanh tra, kiểm toán và cơ quan liên quan hỗ trợ dự án ngay từ đầu.

Về vấn đề GPMB, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết toàn bộ cọc GPMB (dài 653,61km) của 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam bàn giao cho các địa phương.

Bên cạnh đó, toàn bộ dự án thành phần nêu trên đã được các địa phương thành lập hội đồng GPMB và Bộ GTVT đã chuyển 4.628 tỉ đồng cho các địa phương để thực hiện công tác đền bù GPMB.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.