Ông Carles Puigdemont hôm 3/10 cho rằng nếu chính phủ Tây Ban Nha kiểm soát chính quyền vùng tự trị Catalonia, đây sẽ là "một lỗi lầm làm thay đổi mọi thứ", theo BBC. Ông cho biết chính quyền Catalonia sẽ "hành động vào cuối tuần này hoặc đầu tuần tới".
Puigdemont cũng kêu gọi quốc tế can thiệp, giúp xử lý khủng hoảng và cho biết ông bất đồng với tuyên bố của Uỷ ban châu Âu rằng đây là vấn đề nội bộ Tây Ban Nha.
Ông Carles Puigdemont, lãnh đạo vùng tự trị Catalonia. Ảnh: ACN. |
Margaritis Schinas, người phát ngôn của Uỷ ban châu Âu, trước đó cho rằng cuộc bỏ phiếu trưng cầu của Catalonia là bất hợp pháp theo luật Tây Ban Nha.
"Đây là vấn đề nội bộ với Tây Ban Nha, phải được xử lý phù hợp với trật tự hiến pháp của Tây Ban Nha", ông Schinas nói và kêu gọi tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng nhanh chóng chuyển từ đối đầu sang đối thoại.
Trong bài phát biểu hiếm hoi trước cả nước, Vua Tây Ban Nha Felipe VI hôm 3/10 công kích chính quyền ủng hộ độc lập của Catalonia, cáo buộc những người đòi ly khai "phá vỡ nguyên tắc dân chủ" và cố chia rẽ đất nước.
"Vì những hành vi vô trách nhiệm của họ, chính quyền Catalan đã đặt bản sắc xã hội của Catalonia và toàn bộ Tây Ban Nha vào vòng nguy hiểm", Vua Felipe nói trên truyền hình.
Catalonia hôm 1/10 tổ chức trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Tây Ban Nha. Kết quả cho thấy 90% cử tri, tương đương hai triệu người, ủng hộ khu vực tự trị này độc lập. Chỉ 7,87% nói "Không".
Vị trí vùng Catalonia, Tây Ban Nha. Đồ họa: BBC. |
Chính quyền trung ương Tây Ban Nha cho rằng cuộc trưng cầu dân ý đi ngược với hiến pháp năm 1978.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy điều hàng nghìn binh sĩ, cảnh sát tới vùng tự trị này để ngăn chặn bỏ phiếu.
Cuộc trưng cầu dân ý tại Catalonia diễn ra trong bạo lực, khi hơn 800 người bị thương vì đụng độ với cảnh sát tại điểm bỏ phiếu.
Tình hình hiện nay được coi là cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất ở Tây Ban Nha kể từ khi cuộc đảo chính quân sự năm 1981 bị Vua Juan Carlos I, cha của Vua Felipe, dẹp bỏ.
Catalonia là khu vực công nghiệp giàu có, dân số khoảng 7,5 triệu người, đóng góp khoảng 1/5 sản lượng kinh tế cho Tây Ban Nha.
Khu vực này có ngôn ngữ và truyền thống văn hóa riêng. Catalonia từng đòi độc lập từ nhiều thế kỷ trước và xu hướng này tăng mạnh thời gian gần đây, liên quan đến cuộc khủng hoảng kinh tế.
90% cử tri muốn Catalan tách khỏi Tây Ban Nha
Chính quyền Catalan cho biết 90% cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10 mong muốn vùng tự trị này ... |