Theo sách Công dư tiệp ký, thấy mấy cửa thành Thăng Long xây dựng từ thời Lý -Trần đã hư hỏng, vua Lê Thánh Tông giao cho một số đại thần tính toán lượng gạch cần thiết để xây lại.
Sau cả tháng đo đạc, bàn cãi, tranh luận, mấy vị đại thần vẫn không sao tính ra được số gạch cần sử dụng. Nghe tin Khâm hình viên lang trung (chức quan chuyện coi về hình luật, xét xử) Vũ Hữu có biệt tài đo đạc, tính toán, vua liền triệu ông đến giao nhiệm vụ.
Xây thành không thừa, không thiếu một viên gạch
Vũ Hữu đến quan sát các cửa thành, tính toán rồi tâu với vua rằng: "Thần đã xem kỹ cửa Đông Hoa, thấy hỏng nhiều hơn cả. Cửa đó lại lớn nhất, xây dựng khó hơn, xin bệ hạ cho sửa cửa này trước".
Chấp nhận ý kiến đề xuất của Vũ Hữu, vua Lê Thánh Tông yêu cầu ông phải tiến hành thật khẩn trương, không được kéo dài như những đại thần trước. Ngay tối hôm đó, Vũ Hữu thắp đèn suốt đêm ra cửa Đông Hoa đo đạc.
Tranh minh họa Vũ Hữu đo đạc xây cửa thành Thăng Long. |
Hôm sau vào triều, ông tấu trình lên vua cùng văn võ bá quan kết quả tính toán, số gạch cần thiết để xây lại cổng thành này. Mấy viên đại thần trước đó thấy Vũ Hữu tính toán số gạch sai lệch với họ nhiều quá nên bẽ mặt, tức tối. Ỷ thế cận thần, họ ton hót với vua: "Xin bệ hạ chớ vội tin lời của quan Lang trung kẻo hỏng việc hệ trọng".
Một người khác "phụ họa" thêm rằng vua hãy ra lệnh cho quan Lang trung, nếu tính sai gạch sẽ bị trị tội.
Vua Lê Thánh Tông nhìn Vũ Hữu hỏi: Nhà ngươi thấy ý kiến đình thần đề xuất thế nào?".
Giữ thái độ thản nhiên, Vũ Hữu đáp: "Tâu bệ hạ, thần xin lĩnh ý".
Đúng ngày khởi công, các quan kéo đến túc trực trước cổng Đông Hoa. Mấy viên quan đại thần sợ Vũ Hữu tranh mất công trạng, muốn vin vào luật Hồng Đức để trị tội ông “lừa dối vua” nên cố tình giấu đi một viên gạch. Sau khi phát hiện, Vũ Hữu đã tâu với vua, cuối cùng vụ việc được làm rõ.
Suốt thời gian sửa cổng thành, Vũ Hữu đứng chỉ đạo đám thợ làm việc. Cổng thành được xây xong, vua Lê Thánh Tông rất hài lòng. Tuy vậy, mấy viên đại thần hôm trước tức tối la lên: "Quan Lang trung, ngài tính toán rất tài, thế mà vẫn còn thừa một viên".
"Xin các ngài hãy thư thả, viên gạch đó tôi đã tính toán trước, dùng để thay thế viên gạch bị vỡ ở tường thành phía Tây cửa Đông Hoa", Vũ Hữu nói.
Dứt lời, ông chỉ cho thợ đục viên gạch vỡ và thay bằng viên gạch thừa. Lúc này, mọi người đều khâm phục ông. Vua Lê Thánh Tông ban chiếu khen thưởng và giao cho ông đôn đốc, sửa chữa những cổng thành tiếp theo.
"Cậu bé Archimedes của Đại Việt"
Tài năng Toán học của Vũ Hữu được bộc lộ khi ông còn rất nhỏ. Theo sách Kể chuyện thần đồng Việt Nam, một lần, cậu bé Vũ Hữu cùng cha Vũ Bá Khiêm sang nhà bà con chơi.
Bấy giờ, ông chủ nhà có cái điếu thuốc lào khảm bạc, được chạm trổ rất kỳ công, cả vùng không ai có. Trong cuộc hàn huyên giữa hai người, ông chủ nhà muốn làm cái nỏ điếu bằng bạc nhưng ngặt nỗi không biết tính toán thế nào để mua đủ bạc. Nhớ đến cậu bé Hữu, ông nhờ tính toán toán lượng bạc cần thiết.
Vũ Hữu cầm cái nỏ điếu trên tay, chưa biết tính toán thế nào thì chủ nhà đã rót một chén trà đưa cho cậu bé và bảo: "Uống chén trà cho minh mẫn đầu óc đã cháu".
Đưa tay cầm chén trà, nhìn nước trong cốc sóng sánh, đầu cậu bé vụt lên ý tưởng. Vũ Hữu cầm ấm trà rót thêm vào cốc cho đến khi nước chảy lênh láng ra ngoài.
Ông Khiêm thấy thế bực lắm, mọi lần con trai mình có hỗn thế đâu. Ông chưa kịp tỏ thái độ thì Vũ Hữu vui mừng reo lên: "Cháu tính được rồi".
Cậu bé bỏ chiếc nỏ điếu vào chén trà đầy nước đặt trong chiếc đĩa, rồi rót số nước trào ra ngoài vào một chén không và nói: "Số bạc cần mua để đúc nỏ điếu bằng đúng số nước trong chén này".
Cách giải toán của Vũ Hữu khiến chúng ta liên tưởng tới chuyện nhà bác học người Hy Lạp là Archimedes trước đó từng có phương pháp tương tự để tính ra lượng vàng trên vương miện của nhà vua.
Ngày nay, với những thành tựu toán học hiện đại, bài toán của Vũ Hữu có thể không hề làm khó được các bạn trẻ. Tuy nhiên, ở thế kỷ 15, khi trình độ toán học của người Việt còn rất hạn chế, đó là sáng kiến lớn, ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.
Vũ Hữu (1437-1530), quê ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương ngày nay. Sau khi thi đỗ hoàng giáp năm 1463, ông ra làm quan, trở thành đại thần của nhà Hậu Lê.
Cùng với Lương Thế Vinh, ông chính là một trong hai nhà toán học lớn nhất của nước ta trong thời phong kiến.
Cuốn sách Lập thành Toán pháp của ông là công trình chuyên về toán học đầu tiên của nước ta. Lập thành toán pháp cùng phương pháp đo diện tích ruộng đất nhanh chóng được phổ biến ra cả nước.
Vũ Hữu (1437-1530), quê ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương ngày nay. Sau khi thi đỗ hoàng giáp năm 1463, ông ra làm quan, trở thành đại thần của nhà Hậu Lê. Cùng với Lương Thế Vinh, ông chính là một trong hai nhà toán học lớn nhất của nước ta trong thời phong kiến. Cuốn sách Lập thành Toán pháp của ông là công trình chuyên về toán học đầu tiên của nước ta. Lập thành toán pháp cùng phương pháp đo diện tích ruộng đất nhanh chóng được phổ biến ra cả nước. |
Phong tục và nét văn hóa đón Tết của người Việt xưa
Từ xưa đến nay, dù có đi làm ăn xa đến mấy thì cứ đến Tết Nguyên đán những người con đất Việt lại trở ... |
Hoa Văn Đại Việt: Bảo tồn và tôn vinh hoa văn truyền thống
Dự án Hoa Văn Đại Việt được thực hiện với mong muốn bảo tồn và tôn vinh những hoa văn truyền thống qua các triều ... |