Từ lâu trong văn hóa của người Việt, Tết Nguyên Đán "to" hơn tất cả những cái tết trong năm. Nửa tháng trước Tết, nhà nào nhà nấy đã nhộn nhịp sắm Tết, người mua tranh mua pháo, người mua vàng mã, mứt kẹo bánh trái ...
Video: Nhóm Đại Việt Cổ Phong phục dựng lại nghi lễ cúng giao thừa của người Việt thời Nguyễn:
Các thầy đồ ra chợ viết câu đôi bán. Những người đi buôn bán hoặc đi làm ăn xa xôi ở nơi đâu cũng nghỉ việc để về nhà ăn tết.
Mỗi dịp tết về, các thầy đồ lại ra chợ viết câu đối bán hoặc cho chữ. (Ảnh: Hà Thảo) |
Cách Tết một vài hôm, ai nấy cũng dọn dẹp nhà cửa, bao sái ban thờ tổ tiên. Người ta còn treo câu đối đỏ, tranh tết để trang trí cho không gian nhà mình
Sau ngày 23 tháng chạp bắt đầu cho dựng cây Nêu với cành đa lá dứa, khánh đất nung, vàng mã được buộc trên đầu cây Nêu để trừ ma quỷ và cầu may mắn. Tiếp đó người ta cho rắc vôi bột quanh nhà và lấy vôi vẽ hình cái cung cũng để trừ ma quỷ quấy phá vì cho rằng sau ngày ông Táo chầu trời sẽ không còn ai bảo hộ đất cát trong nhà cho đến ngày 30 tết.
Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người xưa cho bày hương án ra giữa sân đế cúng giao thừa, trống đánh, pháo đốt ầm ầm. Phong tục của người Việt xưa tin rằng mỗi năm có một ông Hành Khiển, coi việc nhân gian, khi hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, nên phải cúng tế để tiễn đưa ông cũ và đón ông mới.
Các gia đình đều làm cỗ cúng Gia Tiên và Thổ Công vào sáng mồng Một Tết. (Ảnh: Hà Thảo) |
Đến sáng mồng Một Tết, các gia đình làm cỗ cúng Gia Tiên và cúng cả Thô Công, Táo Quân, v.v... người Việt quan niệm cỗ bàn to nhỏ thế nào cũng được, nhưng làm sao cũng phải có bánh chưng, cá kho, giò, chả, dưa hành, …. mới ra cỗ ngày Tết. Có nhà dựng hai cây mía cạnh bàn thờ để làm gậy cho ông vải.
Cúng gia tiên xong thì con cháu ra mừng tuổi ông bà cha mẹ, lạy hai lạy. Ông bà cha mẹ mừng cho con cháu mỗi đứa một vài xu hoặc một vài hào, gọi là tiền mừng tuổi.
Ngày đầu năm mới, ăn nói phải giữ gìn, sợ nói bậy thì giông cả năm. Nhiều nhà nhờ một người phúc hậu dễ tính, sáng sớm đến xông đất, để cho cả năm được bán đắt buôn may. Quét tước trong nhà phải kiêng không dám hốt rác đổ đi, chỉ vun vào một xó, đợi hết ba ngày tết rồi mới đem đổ.
Các bạn trẻ trong nhóm Đại Việt Cổ Phong thực hiện lại tục mừng tuổi. (Ảnh: Hà Thảo) |
Anh em, họ hàng, người quen đến nhà nhau lạy gia tiên, chúc mừng cho nhau những câu: thăng quan, tiến tước, sinh năm đẻ bảy, vạn sự như ý, buôn bán phát tài… Cùng ngồi uống chén rượu sen, rượu cúc, hoặc chén nước chè tàu, chè sen,… nhằn vài ba hạt dưa, ăn vài miếng mứt.
Những nhà có con thứ, nếu cha mẹ còn sống thì đem biếu quà bánh, còn nếu cha mẹ mất rồi thì hôm mồng hai Tết, phải làm cỗ đem đến nhà con trưởng cúng cha mẹ. Người nghèo thì đem trầu cau vàng hương đến lễ.
Tục chúc tết của người Việt xưa. (Ảnh: Hà Thảo) |
Từ ngày mồng Hai Tết trở đi, người thì chọn ngày xuất hành, người thì hái cành hoa về cài vào cửa, gọi là đi hái lộc. Người làm quan thì chọn ngày khai ấn, học trò thì chọn ngày khai bút, nhà buôn bán thì chọn ngày mở cửa hàng, nhà quê thì chọn ngày làm lễ động thổ. Trăm công nghìn việc lại bắt đầu từ đó.
Sau ngày mồng một thì có thể bắt đầu hóa vàng tùy vào mỗi gia đình. Nếu ngày đó xấu hoặc trùng ngày tuổi của chủ nhà thì sẽ hóa trước hay sau đó một ngày, nhiều nhà để đến mồng Bảy cúng tiễn ông vải mới hóa vàng. Hôm ấy con cháu họp đông đủ mà ăn uống vui vầy với nhau.
Trong mấy ngày Tết, ngày nào người ta cũng đốt pháo vì theo quan niệm của người Việt tiếng pháo là biểu trưng cho sự vui mừng chứ không phải để trừ ma quỷ như một số quốc gia khác.
Suốt một tháng giêng, già trẻ trai gái, kẻ chợ nhà quê, quần điều áo thắm, người thì đi lễ bái chùa chiền, người thì chọn du ngoạn ngắm cảnh, chỗ thì thi hoa đăng, chỗ thì hội hè hát xướng. Một số người nhàn dỗi thì tụ lại đánh bài bạc. Ngoài ngã ba ngã bảy, đám thì quay đất, đám thì lúc lắc thò lò, đó gọi là cách thưởng xuân.
“Ngày xuân tung thả tổ tôm chơi/ Ai được ai thua cũng chửa cười/ Cao cũng có bài thời mấy đặng/ Thấp mà kịp nước hóa hơn người” - Đánh tổ tôm ngày xuân. |
(Dựa theo Đại Việt Cổ Phong và Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính)