Những điều cần biết về nghi thức cúng giao thừa trong ngày 30 Tết
Cúng giao thừa còn được gọi là lễ trừ tịch, một trong những nghi lễ rất đặc biệt đối với người Việt trong ngày 30 Tết. Khi cúng giao thừa, chúng ta cần biết và lưu ý những điều quan trọng sau.
Tất tần tật về cúng giao thừa để rước tài lộc và may mắn
Theo quan niệm của người xưa, lễ cúng giao thừa rất quan trọng nhằm tiễn đưa những điều xui xẻo của năm cũ để đón chào những điều tốt đẹp trong năm mới. Vậy, cúng giao thừa vào giờ nào đẹp, cách cúng ra sao, mâm cúng như thế nào,....tất cả sẽ được trình bày chi tiết dưới đây.
Cúng giao thừa giờ nào tốt?
Theo phong tục người Việt, chúng ta có thể cúng giao thừa trước và sau 12 giờ đêm. Tuy nhiên, khoảng thời gian cúng giao thừa đẹp nhất là từ 11 giờ đêm (ngày 30 Tết hoặc 29 Tết nếu năm đó không có ngày 30) đến 1 giờ sáng.
Cách cúng giao thừa đúng, chuẩn xác nhất
Lễ cúng giao thừa (hay còn gọi là lễ Trừ Tịch) được cử hành khi kết thúc giờ Hợi ngày 30, sang giờ Tý mở đầu ngày Mồng một Tết. Bao gồm hai lễ cúng là: Cúng trong nhà và cúng ngoài trời. Trong đó, lễ cúng giao thừa ngoài trời phải làm trước, sau đó mới cúng trong nhà.
Trước khi cúng giao thừa ngoài trời, bạn cần chuẩn bị mâm cúng bao gồm ngũ quả, hương nhang, hoa tươi, nến, trầu cau, muối, gạo, rượu, trà, quần áo và mũ nón mũ thần linh (vàng mã).
Ngoài ra, gia chủ có thể chuẩn bị mâm lễ mặn hoặc mâm lễ chay tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cũng như quan điểm. Thông thường, người dân sẽ chuẩn bị mâm lễ mặn với các món ăn như: Gà luộc, heo quay, xôi mặn, giò lụa... Còn nếu làm cỗ chay, gia chủ có thể chuẩn bị các món xôi chè, bánh, gỏi chay, giò chay...
Sau khi hoàn tất lễ cúng ngoài trời, gia chủ vào trong nhà, đứng trước bàn thờ gia tiên để thực hiện lễ cúng giao thừa trong nhà.
Trước khi làm lễ cúng trong nhà, chủ gia đình nên tập hợp các thành viên, mặc quần áo ấm áp (đối với người dân phía Bắc), trang nghiêm để cùng thực hiện nghi thức cúng giao thừa. Tương tự những lễ cúng khác, bàn thờ, khu vực thờ cúng nên được dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ, chân hương cũng nên tỉa bớt để sẵn sàng đón chào một năm mới.
Những điều kiêng kỵ trong lúc cúng giao thừa
Theo tờ Chất lượng Việt Nam Online, người Hoa quan niệm rằng, trước khi mời linh hồn tổ tiên về thì các thành viên trong gia đình phải đầy đủ, đồ cúng phải chu toàn, không bị hỏng, ôi thiu...
Đồng thời, sau khi cúng giao thừa, những thành viên trong gia đình không nên ngồi ở trước cũng như chỗ hai bên bàn thờ. Sở dĩ vậy vì dân gian quan niệm nếu ngồi ở đây thì cũng như đang tranh giành chỗ ngồi của tổ tiên.
Cũng trong dịp này, gia chủ nên tránh những tranh cãi, xô xát, đổ vỡ không đáng có.
Trên đây là tất cả những thông tin cần biết về nghi lễ cúng giao thừa ngày 30 Tết, hy vọng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nghi thức cúng này. Chúc bạn một đêm giao thừa ấm áp, an bình, một năm mới thuận lợi, may mắn.