Lễ cúng giao thừa còn gọi là lễ Trừ tịch, mang ý nghĩa trừ tà xua ma, đón nhận những điều tươi sáng và hy vọng. Lễ cúng giao thừa là một trong những lễ cúng quan trọng nhất trong Tết Nguyên Đán, bao gồm hai lễ là lễ cúng trong nhà và cúng ngoài trời.
Giao thừa là thời khắc mà Đất Trời giao hòa, Âm Dương gặp gỡ để vạn vật bừng lên sức sống mới. Lễ cúng giao thừa (hay còn gọi là lễ Trừ Tịch) được cử hành khi kết thúc giờ Hợi ngày 30, sang giờ Tý mở đầu ngày Mồng một Tết. Bao gồm hai lễ cúng là: Cúng trong nhà và cúng ngoài trời.
"Cúng giao thừa vào mấy giờ, cúng giao thừa ngoài trời vào thời điểm nào" - rất nhiều người có thắc mắc này. Theo các chuyên gia phong thủy, lễ cúng giao thừa được cử hành vào giờ Tý (11 giờ đến 1 giờ).
Khoảng thời gian này bao hàm một giờ của năm cũ và một giờ của năm mới, quan đương niên cũ giao lại công việc, quan đương niên mới tiếp nhận.
Vào thời điểm này, mọi gia đình đều bày cỗ cúng tổ tiên ở trong nhà và cỗ cúng ngoài trời để cúng các quan thần linh.
Theo tục lệ dân gian, lễ cúng giao thừa ngoài trời được tiến hành trước, sau đó mới đến lễ cúng giao thừa trong nhà.
Cúng giao thừa trước 12 giờ và sau 12 giờ đêm được không? Theo phong tục người Việt, chúng ta có thể cúng giao thừa trước và sau 12 giờ đêm. Tuy nhiên, khoảng thời gian cúng giao thừa đẹp nhất là từ 11 giờ đêm (ngày 30 Tết hoặc 29 Tết nếu năm đó không có ngày 30) đến 1 giờ sáng.
Không phải ai cũng có thể cúng giao thừa vào khung giờ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng nên hiện nay, nhiều gia đình đã cúng giao thừa sớm hơn. Do đó, bạn hoàn toàn có thể cúng giao thừa sớm, tùy thuộc vào tín ngưỡng, phong tục của từng gia đình, tuy nhiên, khi cúng giao thừa sớm thì bạn nên cúng từ 9h đêm giao thừa trở đi.
Theo các chuyên gia phong thủy, trước 1 giờ sáng là lúc các vị thần cũ bàn giao công việc cho vị thần mới. Do đó, bạn không nên cúng giao thừa muộn, tốt nhất là từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng. Cúng vào khoảng thời gian này, các vị thần sẽ chứng giám cho lòng thành của gia chủ.