Sở Nội vụ TP HCM vừa có báo cáo UBND TP về kết quả tổ chức kiểm điểm các tập thể, cá nhân có thiếu sót, sai phạm liên quan theo Kết luận thanh tra số 05 ngày 21/2/2019 của Thanh tra TP tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri).
Liên quan đến việc kiểm kiểm này có ông Nguyễn Văn Trực, hiện đang là Phó Giám đốc Sở NN&PTNT (NN&PTNT) TP HCM.
Ông Trực nguyên là thành viên HĐQT/HĐTV, Tổng Giám đốc Sagri từ tháng 8-2009 đến tháng 2/2015.
Từ tháng 2/2015, ông Trực được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở (NN&PTNT) TP.
Theo Sở Nội vụ, trong thời gian trên, với vai trò là thành viên HĐQT/HĐTV, Tổng Giám đốc Sagri qua các thời kỳ, ông Trực đã có những hạn chế trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và thực hiện dự án đầu tư của Tổng Công ty, chưa có đóng góp được giải pháp khả thi đẩy nhanh tiến độ các dự án nên nhận sai sót theo kết luận của Thanh tra TP.
Thời gian còn làm Tổng Giám đốc Sagri, ông Trực đã để xảy ra nhiều thiếu sót, sai phạm tại Sagri.
Cụ thể: Tổng Công ty chưa xây dựng và ban hành quy định về lựa chọn đấu thầu cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn để bảo đảm tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 Luật Đấu thầu năm 2013.
Liên quan Dự án Khu nhà ở Phước Long B - quận 9, Tổng Công ty không không lập thủ tục đề nghị cơ quan chức năng xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung khi Dự án được điều chỉnh quy hoạch vói các chỉ tiêu về cơ cấu sử dụng đất, mật độ xây dựng, tầng cao... có thay đổi so với ban đầu.
Tổng Công ty ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tổng Công ty Phong Phú trong việc phân chia lợi nhuận là không đảm bảo quyền lợi của Tổng Công ty. Tổng Công ty ký hợp đồng ủy quyền cho Tổng Công ty CP Phong Phú ký kết với khách hàng đặt mua nhà và việc Tổng Công ty CP Phong Phú ký 77 hợp đồng vay vốn, đặt cọc, mua nhà liên kế trong khi Dự án đầu tư chưa được lập, phê duyệt, chưa hoàn tất hạ tầng kỹ thuật. Tổng Công ty tổ chức thi công hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khi Dự án chưa được phê duyệt.
Các thiếu sót, sai phạm của Dự án Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò: Qua rà soát hồ sơ dự án chưa thực hiện hạ tầng kỹ thuật (chỉ san lấp một phần diện tích khoảng 30ha/89.444ha), do đó không đủ điều kiện chuyển đổi Chủ đầu tư. Dự án đã được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2004 nhưng đến nay chưa triển khai thực hiện, là lãng phí đất đai.
Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy giết mổ Củ Chi triển khai từ năm 2010 đến nay đã hơn 8 năm nhưng Tổng công chưa xây dựng hoàn chỉnh, chưa đưa vào khai thác sử dụng, là chậm tiến độ làm ảnh hưởng việc khai thác, phục vụ nhu cầu cung cấp thực phẩm sạch cho người dân TP.
Liên quan các nội dung trên, ông Trực nêu do chưa nắm bắt kịp thời việc thay đối Luật Đấu thầu và tình hình về việc phải xác định lại nghĩa vụ tài chính bổ sung nên không chỉ đạo bộ phận chuyên môn xây dựng quy định nội bộ Tổng Công ty.
Về việc liên doanh với Tổng Công ty Phong Phú, khi xem xét, nhận thấy thời điểm đó đơn vị này đã chào mức lợi thế thương mại cho Tổng Công ty 20 tỷ là tương đối cao trong khi Tổng Công ty không đủ vốn để thực hiện nên đã biểu quyết (với vai trò là thành viên HĐQT) thông qua chủ trương hợp tác với và khi ký hợp đồng họp tác ngoài 20 tỷ lợi thế thương mại bắt buộc thì tỷ lệ chia lợi nhuận của Tổng Công ty là 28%.
Chưa chỉ đạo phòng chuyên môn đối chiếu, thu hồi tiền đóng thừa khi thực hiện nghĩa vụ tài chính của Dự án.
Đối với các thiếu sót, sai phạm liên quan dự án Tổng Công ty trong việc ủy quyền cho Tổng Công ty Phong Phú, ông Trực nhận thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng cơ bản,
Liên quan Dự án Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò, việc cho Tổng Công ty Phong Phú thay thế Công ty Hồng Lĩnh là do sau khi ký kết với Công ty Hồng Lĩnh thành lập pháp nhân mới thì Công ty Hồng Lĩnh không thực hiện được Dự án nên đã thanh lý và chuyển qua hình thức hợp tác đầu tư trên cơ sở góp vốn và chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp.
Sau đó do không tiếp tục thực hiện được dự án, Tổng Công ty và Công ty Hồng Lĩnh, Tổng Công ty Phong Phú ký kết hợp đồng 3 bên để Tổng Công ty Phong Phú thay thế và kế thừa toàn bộ nghĩa vụ từ Công ty Hồng Lĩnh và đây là đổi đối tác hợp tác không phải đổi chủ đầu tư nên Tổng Công ty không thực hiện sai,
Việc triển khai Dự án Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò, Nhà máy giết mổ Củ Chi do xuất phát nhiều yếu tố khách quan về vốn đầu tư, tình hình giải phóng đền bù, thiếu đường chính dẫn vào cụm công nghiệp, lựa chọn thiết bị công nghệ giết mổ và thói quen của người dân không thích sử dụng thịt lạnh nên đã chậm tiến độ.
Ông Trực tự nhận khuyết điểm và rút kinh nghiệm trong quá trình điều hành tại tổng Công ty, không đề xuất hình thức kỷ luật.
Tuy nhiên, đối chiếu với quy định, theo Sở Nội vụ, ông Trực có 2 nội dung rút kinh nghiệm, 3 nội dung áp dụng hình thức kỷ luật "Khiển trách" theo Khoản 3, Khoản 6, Điều 53: "…quyết định vượt thẩm quyền gây hậu quả làm thiệt hại cho Nhà nước, tập đoàn, tổng công ty, công ty…" và 2 nội dung áp dụng hình thức kỷ luật là "Cảnh cáo" theo Khoản 4, Khoản 6, Điều 54 "Có các quyết định, chỉ đạo, điều hành để gây thất thoát vốn nhà nước hoặc vốn của tập đoàn, tổng công ty, công ty; quyết định dự án đầu tư không hiệu quả…". Do vậy, hình thức kỷ luật tổng hợp là "Hạ bậc lương".
Theo Sở Nội vụ, đối với trường hợp ông Trực do đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật, Sở Nội vụ đề xuất UBND TP chuyển Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xem xét trách nhiệm theo quy định của Đảng.