Tất cả chỉ vì 1.000 like Facebook. Cô bé viết rằng nếu đủ 1000 like, cô bé sẽ đốt trường. Và cô bé đã nhận đủ 1000 like chỉ trong một thời gian ngắn.
Chỉ vì 1000 like, một cô bé sẵn sàng đốt trường |
Tháng 9/2016, ở TP HCM cũng có một thanh niên “treo giá” 40.000 like sẽ tự thiêu và nhảy xuống sông. Cậu thanh niên cũng nhận được hẳn 100.000 like và cũng đã tự tẩm xăng vào người để đốt rồi nhảy xuống sông. May thay, cậu không sao.
Và gần đây nữa, một cậu bé học THCS ở Yên Bái cũng vừa tự tử sau khi xem clip mình bị đánh được đăng trên Facebook. Cậu thấy xấu hổ và cậu treo cổ tự tử.
Bao nhiêu vụ nữa mà chỉ cần lên google nhấp vào ô tìm kiếm là thấy ngay: cộng đồng Facebook độc ác đang gián tiếp giết những đứa trẻ thế nào?
Từ ngày Internet vào Việt Nam, những người trẻ 7X, 8X thuở diễn đàn hay Yahoo 360 vẫn hay tự hào câu: Mạng là ảo- tình cảm là thật. Với vô vàn tình bạn được đắp dựng kết nối thông qua mạng. Với rất nhiều những phong trào thiện nguyện, chia sẻ, giúp đỡ nhau từ không gian ảo ra ngoài đời thực. Và bây giờ là thời đại Facebook, những điều tốt đẹp cũng được sẻ chia, lây lan và truyền lửa khắp nơi. Nhưng song hành với những điều tốt đẹp là những mặt trái cũng nhiều không kém. Lừa đảo nhau. Chửi bới nhau. Tố xấu nhau. Tung hê nhau… Và tận cùng (hy vọng là đã tận cùng), là đẩy nhau vào chỗ chết bằng comment, bằng like, bằng những lời thoá mạ, bằng tất cả sự ác độc sẵn có trong phần con của mỗi người.
Thế giới trên mạng của những kẻ trưởng thành (tạm gọi những người đã đủ tuổi lao động là trưởng thành) đầy “gươm đao súng đạn”. Họ sẵn sàng bỉ bai nhau, thoá mạ nhau, vùi dập nhau bằng những cuộc chiến bàn phím. Nhiều vụ thanh toán nhau đẫm máu bắt đầu từ những cuộc cãi vã trên mạng. Nhưng là họ đã trưởng thành, họ sẽ phải tự chịu trách nhiệm với những gì họ viết ra. Chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chịu trách nhiệm với chính bản thân họ.
Nhưng. Thế giới trên mạng của lũ trẻ mới lớn thì dường như chẳng người lớn nào buồn để ý. (Hay họ còn đang bận cãi nhau?). Thế giới trên mạng của lũ trẻ (mà mọi người hay chế nhạo là lũ trẻ trâu), cũng càng lúc càng phức tạp. Lũ trẻ vốn học theo người lớn xung quanh chúng thôi mà! Từ khoe ngực bự để chế giễu những bà chị ngực phẳng đến “đánh hội đồng” trên mạng giữa các nhóm fan của các ngôi sao. Từ kéo nhau vào Facebook của “đối tượng” ngoài lãnh thổ Việt Nam, đến cuộc chiến phân biệt vùng miền, cuộc chiến giữa trường này trường kia, cuộc chiến giữa cá nhân này với cá nhân nọ. Nhiều lúc, tôi có cảm giác như khắp dải đất hình chữ S này, từ nhỏ đến lớn, ai cũng sẵn “cơn bạo lực” trong người.
Nhưng. Khi xã hội trên mạng biến động không ngừng như thế thì trong nhà trường người ta bận bịu với việc chấm điểm hay không chấm điểm, thi trắc nghiệm toán rồi có thi trắc nghiệm nốt Văn, Sử, Địa không? Người ta bận những kiến thức nhồi nhét thêm được bao nhiêu vào đầu bọn trẻ trong khi chẳng ai dạy lũ trẻ kiểm soát thông tin cá nhân khi “hành hiệp” trên mạng? Chẳng ai dạy lũ trẻ làm sao để viết một status đừng sai chính tả, làm sao để lũ trẻ an toàn trên không gian mạng? Chẳng ai dạy lũ trẻ xử lý khủng hoảng khi bị bắt nạt trên mạng? Chẳng ai dạy lũ trẻ cách để trở thành một cư dân mạng tử tế…
Không! Chẳng ai còn đủ thời gian để quan tâm đến lũ trẻ nữa rồi! Để chúng cứ lớn lên như cây cỏ đi. Để cuộc sống sẽ như chiếc liềm sắc lẻm mà gọt chúng. Đứa nào “ngu thì chết”. Bởi người lớn còn đang bận tám chuyện cuộc chiến Nga Mỹ- còn đang bận tranh cãi nhau về đủ thứ chuyện… chả liên quan đến họ. Chỉ là mình thích thì mình cãi nhau thôi!