Cây cầu đường sắt gần 120 năm tuổi ở Sài Gòn, nên giữ làm du lịch hay phá bỏ?

Xây dựng từ năm 1902, cầu Bình Lợi trở thành công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, gắn liền với quá trình hình và phát triển của Sài Gòn cũng như ngành đường sắt Việt Nam.

Cầu Bình Lợi là cầu đường sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên được xây dựng năm 1902. (Video: Kỳ Hoa).

2

Gần 120 năm tuổi, cầu Bình Lợi (nối quận Bình Thạnh và Thủ Đức) có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển của Sài Gòn và ngành đường sắt Việt Nam. Ngoài đường sắt, hai bên cầu còn có lối lưu thông nhỏ cho xe máy và người đi bộ. Từ khi cầu Bình Lợi mới được đưa vào sử dụng thì xe máy và người đi bộ không còn được lưu thông qua cầu này.

DSC_0832

Chiếc cầu này thuộc tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang thời Pháp thuộc, là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn.

DSC05261

Cầu có chiều dài 276 m, gồm 6 nhịp với độ tĩnh không thông thuyền thấp nên có nhịp quay ở phía bờ quận Thủ Đức cho tàu thuyền qua lại; kết cấu vòm thép, các thanh thép liên kết bằng đinh tán rivê. Bên phải đường ray gần chân cầu theo hướng từ quận Thủ Đức sang quận Bình Thạnh có một tháp canh.

DSC05278

Hiện cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, tĩnh không thông thuyền hiện tại của cầu chỉ 1,8 m nên khi thủy triều lên nhiều tàu thuyền bị mắc kẹt dưới gầm cầu.

binhloi1

Đã từng có nhiều vụ các loại tàu lớn va chạm, mắc kẹt vào cầu đường sắt Bình Lợi vì tĩnh không của cầu rất thấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu cầu cũng như an toàn của ngành đường sắt.

binhloi2

"Mỗi khi di chuyển qua gầm cầu Bình Lợi thì phải tính toán rất kĩ, nhất là thủy triều. Có thể buổi sáng qua được nhưng chiều thì không vì nước triều lên", một tài công tàu chở cát nói. Mỗi khi có sự cố, hoạt động đường sắt của ga Sài Gòn gần như tê liệt vì cây cầu này bị phong tỏa.

DSC_0844

DSC_0823

DSC05285

Sau gần 120 năm, cây cầu này gần như đã hoàn thành sứ mạng của mình và trở đang là điểm nghẽn của hoạt động giao thông đường thủy ở TP HCM.

DSC05267

Trước nguy cơ có khả năng gây sập cầu, ngày 28/4/2015, Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP HCM và tỉnh Bình Dương động thổ dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc (Bình Dương).

DSC_0843

Cầu đường sắt mới đang được xây cách cầu cũ 12 m về phía hạ lưu với tĩnh không thông thuyền 7 m để không ảnh hưởng đến giao thông thủy. Sau khi hoàn thành sẽ giúp vận tốc chạy tàu qua cầu Bình Lợi đạt 100 km/h.

DSC_0828

Cùng với việc xây dựng cầu Bình Lợi, Bộ Giao thông Vận tải cũng cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn dài 71 km từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc, tỉnh Bình Dương nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải thủy trong khu vực Đông Nam Bộ. Toàn bộ dự án có tổng mức đầu tư 1.302 tỉ đồng.

1

Hồi tháng 5, Sở Văn hóa - Thể thao đề nghị bảo tồn nguyên trạng một phần cầu đường sắt Bình Lợi (gồm phần đầu cầu và một nhịp cầu quay tiếp giáp bờ sông Sài Gòn - thuộc quận Thủ Đức) và một tháp canh (bờ sông quận Thủ Đức), nhằm lưu giữ dấu tích công trình gắn với không gian sông nước, phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển ngành du lịch của địa phương.

DSC_0847

Đối với các nhịp cầu còn lại, Sở Văn hóa - Thể thao đề nghị, trước khi tháo dỡ cho phép Bảo tàng TP HCM khảo sát, sưu tầm, ghi hình và tiếp nhận một số cấu kiện, thành phần kiến trúc có giá trị để lưu trữ tư liệu, hình ảnh phục vụ nghiên cứu khoa học.

DSC_0850

DSC05271

Sống gần đây, ông Ba Chúc (người 40 năm vớt xác trên sông Sài Gòn) cho biết đã có thời gian dài gắn bó với chiếc cầu này. Ông cho rằng: "Cầu đường sắt Bình Lợi không chỉ đơn thuần là một cây cầu, mà còn là nét văn hóa gắn liền với sự phát triển của đất nước".

DSC05291

"Tuy nhiên, chiếc cầu này thấp quá, làm hạn chế việc lưu thông. Giữ cũng được, mà bỏ cũng được, tùy thuộc vào nhà nước mình", người đàn ông gắn bó đời mình với cây cầu Bình Lợi nói.