Một phường ở TP HCM bị lún hơn 81 cm trong 12 năm qua

Nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long và TP HCM đã lún hàng chục cm trong những năm qua. Đặc biệt, phường An Lạc (quận Bình Tân, TP HCM) lún đến 81,4 cm trong 12 năm. Một trong các nguyên nhân xuất phát từ việc khai thác nước ngầm quá mức.
64680099_709223566178536_1721926532986830848_n

Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì diễn đàn. (Ảnh: Ngự Kỳ)

Ngày 18/6, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì diễn đàn chuyên đề "Quản lí tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)".

Đây là một trong 4 chủ đề chính của Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

64296995_352486355462413_529555070866423808_n

Tại TP HCM, phường An Lạc, quận Bình Tân bị lún đến 81 cm trong 12 năm qua. (Ảnh tư liệu).

Ông Hoàng Văn Bẩy - Cục trưởng Cục Quản lí Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, những năm qua các tổ chức quốc tế và trong nước đã có nhiều nghiên cứu về tình trạng sụt lún ở ĐBCSL và Đông Nam Bộ. Kết quả dù khác nhau, nhưng cùng cho thấy khu vực này hiện có xu hướng sụt lún diễn ra phức tạp.

Theo kết quả đo mốc cao độ giai đoạn 2014-2017 tại 339 mốc đo ở TP HCM và ĐBSCL, có đến 306 mốc lún so với năm 2005. Các nhà khoa học đã chia thành 4 vùng gồm vùng không sụt lún, vùng lún dưới 5 cm, vùng lún từ 5-10 cm và vùng lún trên 10 cm. Trong đó, có khoảng 6% diện tích đồng bằng không lún hoặc nâng lên; 29% diện tích lún dưới 5 cm; 20% diện tích lún từ 5-10 cm; 8% diện tích lún trên 10 cm và khoảng 37% diện tích hiện chưa có số liệu quan trắc để ước tính tốc độ lún.

Các vùng không lún khoảng 2,4 nghìn km2 phân bố ở rìa đồng bằng sông Cửu Long, thuộc một phần các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An và TP HCM.

Vùng lún dưới 5 cm có diện tích khoảng 12,2 nghìn km2, phân bố trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung chủ yếu ở Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang và Cần Thơ. Mức độ lún toàn vùng trong giai đoạn từ 2005-2017 biến đổi từ 0,1-5cm, trung bình 2,61cm.

Vùng lún từ 5-10cm có diện tích khoảng 8,4 nghìn km2, phân bố trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố. Theo đó, tập trung chủ yếu ở Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long. Mức độ lún trong giai đoạn từ 2005 đến 2017 từ 5,1-10 cm, trung bình 7,78 cm.

Đặc biệt, vùng lún trên 10cm có diện tích khoảng 3,4 nghìn km2, phân bố trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố trong đó tập trung chủ yếu ở Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang.

64448564_369895600332476_3487429159913783296_n

Nhiều khu vực bờ sông Sài Gòn bị sạt lở trong những năm qua. (Ảnh tư liệu).

Đặc biệt lo ngại, nơi lún nặng nhất là ở phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM là 81,4 cm trong 12 năm qua, với tốc độ lún lên đến 6,78 cm/năm.

Ngoài ra, trong 12 năm, còn có nhiều điểm lún mạnh khác như phường 1 của TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) với 62,6 cm và xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) là 53,1 cm. Toàn bộ vùng này có mức độ lún trong giai đoạn từ 2005 đến 2017 là 10,1 - 81,4cm, trung bình 21,5cm.

Theo Cục Quản lí Tài nguyên nước, tình trạng sụt lún đất xuất phát từ các nguyên nhân về tự nhiên như: đặc điểm vùng với trầm tích trẻ, đang trong quá trình cố kết, nén chặt của các lớp trầm tích, hoạt động tân kiến tạo, quá trình bóc mòn, bồi tụ bề mặt địa hình.

Tuy nhiên, còn tồn tại từ những nguyên nhân chủ quan do các hoạt động của con người gây ra như: khai thác nước dưới đất quá mức, xây dựng đô thị, các công trình kết cấu hạ tầng, đường giao thông, quá trình tác động xung lực của các hoạt động giao thông.

Thống kê ở ĐBSCL và TP HCM có khoảng 9.650 giếng cấp nước tập trung có quy mô trên 10 m3/ngày phục vụ sinh hoạt và sản xuất với tổng lưu lượng khai thác gần 2 triệu m3/ngày. Trong đó, TP HCM có đến 1.920 giếng, với lưu lượng khai thác 519.000 m3/ngày.

Ngoài ra, còn có khoảng 990.000 giếng khai thác nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, ước tính lưu lượng khai thác khoảng 840.000 m3/ngày.

Theo đó, Cục Quản lí Tài nguyên nước đề xuất, cần điều tra, khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất. Trước hết, cần tập trung khoanh định các khu vực cần hạn chế do khai thác quá mức.

Theo đó, bên cạnh việc phê duyệt, công bố và triển khai thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất, các địa phương cần xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống theo dõi, giám sát diễn biến sụt lún đất, đặc biệt tại những khu vực có độ lún cao.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.