Cây cầu mới chắp bước niềm vui đến trường của trẻ em vùng sâu Tiền Giang

Ngày 4/9 vừa qua là một ngày vui hơn lẽ thường với các em học sinh và người dân thuộc xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Bởi cây cầu bắc qua kênh Phụng Thớt sau hàng tháng trời mong mỏi cuối cùng đã chính thức khánh thành.

Hôm nay không phải đến trường, nhưng chưa đến 7 giờ sáng, Phi đã thức giấc. Vẫn là con đường đến trường quen thuộc, Phi cùng với hai bạn Phát, Đức trong lớp í ới nhau, nom dáng bộ khác hẳn lúc chí choé thường ngày. Phải đợi gần hẳn tới nơi thằng Phi mới thì thào mấy chữ như nén hết hồi hộp vào trong: "Tụi bây coi cây cầu mới bự dữ".

Vậy là năm nay Phi và mấy đứa con nít trong xóm đã có thể đến trường bằng cây cầu mới. Lần đầu tiên thấy xã mình có một cây cầu kiên cố, bọn trẻ chạy qua chạy lại như muốn cảm nhận rõ sự chắc chắn dưới từng bước chân, khác hẳn những run rẩy, chòng chành mỗi lần đi qua cây cầu chênh vênh lúc trước.

Cây cầu mới chắp bước niềm vui đến trường của trẻ em vùng sâu Tiền Giang - Ảnh 1.

Cây cầu mới, cứng cáp bắt qua kênh Phụng Thớt là niềm mong ước bấy lâu của các em học sinh tại xã Hậu Mỹ Bắc B.

Đứng trên cây cầu, Phi cười tươi không giấu nổi sự vui mừng: "Có cầu mới con tự đi học một mình được, ba mẹ khỏi phải dắt con đi mỗi sớm như hồi đó nữa. Nhớ mấy hôm trời mưa, cầu cũ trơn trượt nhiều lúc con phải ở nhà luôn chứ ba mẹ đâu cho tới lớp".

Phát, bạn cùng lớp với Phi nhanh nhảu tiếp lời: "Thằng Phi sướng còn được tía má dắt đi học chớ tía má con toàn ra đồng từ sớm không hà. Con muốn tới lớp thì phải đi đường vòng xa lắc. Cầu cũ nhỏ xíu, đứa này chen đứa kia lạng quạng là té nhào".

Trước khi có cầu mới, từ tờ mờ sáng đã thấy những bóng dáng nhỏ nhắn tay xách nách mang sách vở, cặp táp để đến trường. Vì cầu cũ chòng chành, đám con nít phải tìm đường vòng để đi, nhiều khi xa hơn cả cây số.

Cây cầu mới chắp bước niềm vui đến trường của trẻ em vùng sâu Tiền Giang - Ảnh 2.

Cây cầu mới cứng cáp bắt nối đôi bờ giúp bà con đi lại thuận tiện.

Là giáo viên trường Tiểu học Hậu Mỹ Bắc B, cô Giàu nhớ mãi có hôm đang đứng lớp, nghe tin có em té cầu là lật đật giải tán lớp sớm để ra xem tình hình thế nào. Tuy trẻ em miền sông nước đã quen việc lội sông lội suối, nhưng như vậy cũng không thể chủ quan được.

"Mấy năm qua, chúng tôi qua lại giữa bờ này bờ kia bằng cây cầu cũ kĩ yếu ớt. Tội lũ nhỏ, đi học mà muốn qua cầu là phải có người lớn dắt qua chứ đâu dám đi một mình. Hay tin xã xây cây cầu mới kiên cố thay thế cầu cũ, chúng tôi mừng lắm. Bà con bây giờ đi lại cũng thuận tiện hơn trước, sinh hoạt dễ dàng mà di chuyển nông sản qua lại cũng đỡ cực công hơn", ông Lợi - một người dân trong xã chia sẻ.

Cây cầu mới chắp bước niềm vui đến trường của trẻ em vùng sâu Tiền Giang - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng những phần quà mừng năm học mới cho các em học sinh.

Vào ngày khánh thành cây cầu kênh Phụng Thớt, ai có mặt ở đó cũng có thể thấy nụ cười, sự phấn khởi không chỉ hiện rõ trên khuôn mặt của đám học sinh Phi, Phát, cô giáo Giàu, hay ông Lợi mà còn ở hầu hết người dân. Mấy tháng qua, ảnh hưởng từ dịch và hạn mặn trầm trọng, đời sống người dân lại càng lao đao, nông sản thất mùa không bán đi tiêu dùng được.

Việc có một cây cầu mới, chắc chắn hơn trước tưởng không gì to tát nhưng lại góp phần mang đến những thay đổi tích cực cho đời sống con người. Cuối cùng thì sau bao nhiêu năm, ước mơ, nỗi khắc khoải của bà con về một cây cầu kiên cố đã trở thành sự thực.

Cầu bắc qua kênh Phụng Thớt cũng chính là cây cầu thứ ba nằm trong dự án "Xây cầu đến lớp" do Grab và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam thực hiện. Giống với hai cầu được xây dựng trước đó tại tỉnh Vĩnh Long, cây cầu mới lần này đã mang đến những chuyển biến tích cực và thực tiễn trong đời sống của con người. Cây cầu xây lên rút ngắn phần nào những khó khăn cơ cực của bà con.

Dự án "Xây Cầu Đến Lớp" do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Grab phối hợp thực hiện nhằm xây dựng những cây cầu kiên cố giúp trẻ em vùng khó khăn có cơ hội đến lớp thuận tiện và an toàn hơn, đồng thời góp phần cải thiện môi trường sống, phát triển an sinh xã hội và kinh tế của địa phương. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã nhận được sự ủng hộ hơn 4 tỷ đồng từ người dùng Grab, và đưa vào sử dụng 3 cây cầu kiên cố tại tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Tiền Giang.

Hãy tiếp tục chung tay cùng Grab và Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đóng góp vào dự án "Xây Cầu Đến Lớp" thông qua 02 hình thức: Đổi điểm thưởng GrabRewards trên ứng dụng Grab, hoặc Đóng góp trực tiếp cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam qua ví Moca trên ứng dụng Grab.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.