Tin đồn Grab, Gojek hợp nhất và kịch bản với thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam

Grab và Gojek là hai ứng dụng gọi xe lớn nhất tại Đông Nam Á và nếu việc sáp nhập diễn ra, đây sẽ là thương vụ M&A lớn nhất năm nay của ứng dụng kết nối.

Từ câu chuyện Tiki, Sendo tới Grab và Gojek

Tuần trước, một nguồn tin từ Dealstreetasia tiết lộ hai ứng dụng gọi xe hàng đầu tại thị trường Đông Nam Á là Grab và Gojek có khả năng sáp nhập. Nguồn tin nói vài nhà đầu tư đứng đằng sau các kì lân đang thúc đẩy cho qui trình hợp nhất diên ra nhanh hơn.

Ở Việt Nam, Grab và Gojek cũng là hai trong số ba ứng dụng có thị phần lớn nhất ở mảng gọi xe công nghệ. Grab khá "toàn diện" với việc triển khai nhiều dịch vụ khác nhau. Sau khi hợp nhất thương hiệu với công ty mẹ, Gojek Việt Nam (trước đây là GoViet) cũng ráo riết áp dụng nhiều giải pháp nhằm chiếm lĩnh thị trường.

Gojek Việt Nam thường xuyên triển khai các chương trình khuyến mại nhằm lôi kéo khách hàng ở mảng gọi xe hai bánh GoRide.

Tin đồn Grab và Gojek sáp nhập nhìn từ câu chuyện Tiki và Sendo - Ảnh 1.

Rộ tin đồn Grab và Gojek sáp nhập. (Ảnh: TechInAsia).

Việc hợp nhất thương hiệu không phải là câu chuyện mới với các ứng dụng kết nối. Tính riêng ở mảng gọi xe, vài tháng trước tin đồn về việc Be và FastGo sáp nhập đã xuất hiện. Tuy nhiên, Be bác bỏ thông tin.

Tin đồn về việc hai sàn thương mại điện tử Sendo và Tiki có ý định "về chung một nhà" cũng từng xuất hiện. Nguồn tin ban đầu là Dealstreetasia, để rồi sau đó chính họ bác bỏ thông tin sáp nhập, với lí do các nhà đầu tư không đạt được một thỏa thuận chung.

Về cơ bản, các "tin đồn" về sáp nhập thường liên quan tới các công ty đang trong vị thế bám đuổi. Tiki và Sendo đang tụt lại sau Shopee khá xa về lượt truy cập ngay trên "sân nhà", và việc hợp nhất có thể làm gia tăng nguồn lực cho cả hai để cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh họ còn một đối thủ đáng gờm không kém là Lazada.

Thị phần của Be đang kém khá xa so với Grab, theo báo cáo của ABI Research 2019, và FastGo thậm chí còn không có mặt trong "top 3". Hơn thế nữa, cả Be, FastGo, Tiki hay Sendo đều là những công ty "gốc Việt".

Với "tin đồn" Grab và Gojek sáp nhập, có lẽ câu chuyện sẽ khác. Tại Đông Nam Á, đây là hai ứng dụng gọi xe mạnh nhất với mức định giá lên đến chục tỉ USD. Ngoài ra, mỗi kì lân lại đến từ một quốc gia khác nhau trong khu vực (Grab của Singapore và Gojek của Indonesia).

Kịch bản với thị trường gọi xe Việt

Một điều chắc chắn là việc hợp nhất sẽ tác động lớn đến thị trường gọi xe Việt Nam. Và đương nhiên những công ty bản địa như Be hay FastGo sẽ đều chịu ảnh hưởng khi "đối thủ" thậm chí còn lớn mạnh hơn nhiều lần.

Bà Nguyễn Hoàng Phương, giám đốc Be Group nhắc lại câu chuyện Grab mua lại thị trường Đông Nam Á của Uber cách đây 2 năm. Đây là một cột mốc đáng nhớ khi hàng loạt các ứng dụng gọi xe xuất hiện tại Việt Nam sau đó, bao gồm Be, FastGo và thậm chí Gojek.

"Chúng ta cũng không quên những tranh cãi liên quan vụ việc Grab mua lại hoạt động của Uber tại thị trường Việt Nam năm 2018. Ngoài ra những hệ lụy mà các tài xế, nhân viên, khách hàng gánh chịu không hề nhỏ", bà Phương cho biết.

Việc Uber rút khỏi Đông Nam Á lúc đó khiến Grab ngày càng mạnh hơn. Và đương nhiên, các chính sách của công ty với tài xế và khách hàng cũng thay đổi một cách phù hợp hơn khi thâu tóm thị phần của Uber. 

Dẫu vậy, bà Phương không đưa ra bình luận về việc liệu việc Grab và Gojek có vi phạm luật cạnh tranh khi sáp nhập không, đồng thời nhắc lại rằng hai "kì lân" sẽ phải tuân theo các qui định về pháp luật của nước sở tại.

Tin đồn Grab và Gojek sáp nhập nhìn từ câu chuyện Tiki và Sendo - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Hoàng Phương, CEO beGroup. (Ảnh: Be).

Việc sáp nhập hay hợp nhất với mong muốn tận dụng tối đa ưu thế của nhau là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng để xây dựng một doanh nghiệp lớn mạnh. Tuy nhiên Be cho rằng việc hợp nhất, nếu không xuất phát từ tài xế, khách hàng sẽ không đem lại giá trị tích cực cho thị trường.

"Điều đó cho chúng ta thấy rằng một số các ứng dụng có nguồn gốc nước ngoài đến Việt Nam để khai thác, mong kiếm lợi nhuận tối đa (tận thu) và khi quyền lợi của nhà đầu tư giảm, họ sẵn sàng từ bỏ thương hiệu, giá trị của họ để sáp nhập và tận thu nhiều hơn nữa", bà Phương nhận định.

Chia sẻ về trường hợp của Be hiện tại, nữ giám đốc điều hành cho rằng việc Gojek và Grab sáp nhập cũng không quá ảnh hưởng tới beGroup. Bà nói dẫu Grab thâu tóm Uber năm 2018, Be vẫn có cơ hội xuất hiện và cạnh tranh trên thị trường. Do đó nếu Grab và Gojek sáp nhập, qui luật cạnh tranh của thị trường vẫn không thay đổi.

Ngoài ra, Be khẳng định công ty không "đốt tiền" mà chi tiêu một cách hợp lí và khôn ngoan, và tiết lộ ứng dụng đang có kế hoạch mở rộng trong tương lai.

Tính khả thi của việc sáp nhập

Phía Grab Việt Nam từ chối bình luận về thông tin sáp nhập. Gojek cũng không có thêm động thái mới. Nguồn tin từ Dealstreetasia cũng nhấn mạnh thêm rằng, Grab vẫn chưa đồng ý với kế hoạch sáp nhập sơ bộ.

Kế hoạch hợp nhất sơ bộ nêu rõ mỗi bên sẽ được định giá 10 tỉ USD và giá trị hợp nhất là 50-50. Tuy nhiên, ở lần gọi vốn gần nhất, mức định giá của Grab đã vượt mốc 10 tỉ USD. Grab cũng xuất hiện tại nhiều quốc gia hơn và thống nhất thương hiệu sớm hơn. Vì thế, việc Grab không đồng ý với kế hoạch là điều dễ hiểu.

Do mô hình kinh doanh tương đối giống nhau ở các mảng, từ giao vận, gọi món cho đến các dịch vụ khác trong hệ sinh thái (đầu tư vi mô, bảo hiểm.), việc sáp nhập cũng khiến hai bên rất khó phân định vai trò điều hành trong từng lĩnh vực.

Hiện tại, Tổng giám đốc Grab vẫn là ông Anthony Tan, nhà sáng lập công ty trong khi Gojek hiện có tới 2 tổng giám đốc. Phân công vai trò, trong trường hợp sáp nhập, chắc chắn sẽ là việc phức tạp với hai "kì lân".

Đây cũng không phải là một trường hợp giống việc Grab mua lại thị phần Uber năm 2018. Thời điểm đó, Uber mở rộng mạng lưới trên toàn cầu, và nếu bán thị trường Đông Nam Á, Uber vẫn còn nhiều các thị trường khác. Nếu Gojek và Grab sáp nhập, ai sẽ là người điều hành cao nhất?

Ngoài ra, hai "tin đồn" về việc các ứng dụng kết nối tại Việt Nam sáp nhập trong năm nay đều không đi đến một kết quả thực tế. Nguồn tin từ Dealstreetasia cho biết khoảng cách giữa Tiki và Sendo giãn rộng hơn từ khi hai bên chốt thỏa thuận hợp nhất, do đó quyền lợi của các nhà đầu tư "vênh" hơn, trực tiếp dẫn đến việc hai bên tiếp tục trạng thái cũ.

Vì thế, nếu Grab và Gojek thực sự muốn sáp nhập, hai bên sẽ còn phải vượt qua rất nhiều rào cản trước mắt.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.