Cay khóe mắt câu chuyện về 3 đứa trẻ nhà nghèo tới thăm mẹ nằm viện

Đứa nhỏ nhất nằm ở giường cạnh mẹ, khóc dữ lắm, hai chị nó nghe bố dặn dò, ngồi ngoan ngoãn gần đấy, dỗ dành em lặng yên cho mẹ nghỉ. Hỏi chúng nó ăn gì chưa, đứa lớn nhất thật thà từ hôm qua tới giờ chưa được ăn uống gì. Thế em bé thì sao, đứa thứ hai thật thà mẹ con hai bữa nay mệt không có sữa cho em bú.

Câu chuyện về một gia đình bệnh nhân nghèo được bác sĩ Dương Minh Tuấn chia sẻ trên trang cá nhân khiến bao người xúc động. Xúc động bởi tình người trong cơn hoạn nạn, bởi gia đình bệnh nhân nghèo kia, dù sống khổ cực vẫn nuôi dạy được những đứa con ngoan ngoãn, biết yêu thương đùm bọc nhau.

Nguyên văn câu chuyện như sau:

Chị là con gái Cà Mau, đẹp, cái đẹp chân phương, thật thà mà đôi mắt lúc nào cũng sâu một màu buồn. Chị vào cấp cứu một mình vì cơn hen phế quản cấp trong tình trạng khó thở, da môi tím tái, spO2 tụt, hổn hển không nói nổi tên mình. Phòng cấp cứu bữa đó đông bệnh, ai cũng nín thở nhìn chị mà lo, bác sĩ xử trí rất nhanh, rồi chị cũng qua cơn, nhịp thở trong căn phòng lại trở về êm dịu, thi thoảng vẫn hắt ra một tiếng giật mình. Chị điều dưỡng ra nhẹ nhàng hỏi tên chị, chị cố nói được một câu rồi lại thở vội vàng:

- Chồng em đang vào.

Chồng chị một chân liệt không hiểu từ bao giờ, nhấp nhổm bước vào: "Vợ tui sao rồi bác sĩ?", phòng cấp cứu lại được dịp ngổn ngang. Anh mặc bộ quần áo cũ nhàu, đời cào rách vá chằng chịt không biết bao nhiêu chỗ, tay anh ẵm một đứa nhỏ nom chưa đầy một tuổi mà chân không vững nên đứa bé cũng được dịp ngả nghiêng theo ba nó; đứng cạnh anh là hai đứa bé khác lớn hơn một chút, đứa nào cũng mặc độc nguyên một cái quần đùi, người lem luốc, mặt thui lủi, duy chỉ có đôi mắt của mẹ chúng nó là cả ba đứa đều mang, đôi mắt nhìn qua tưởng sáng long lanh mà vẫn thăm thẳm tận đâu nỗi buồn. Không cần anh nhắc nhở gì, hai đứa nhỏ tính kỳ hễ thấy ai cũng khoanh tay gật đầu chào như thân quen lâu lắm.

- Sao anh để vợ một mình vào cấp cứu?

- Nó mệt từ bữa qua rồi, cả nhà mượn mãi mới kiếm được tiền xe lên đây khám. Lên đến gần đây thấy nó mệt nên tui bảo vô cấp cứu trước đi còn tui chạy đi lo mượn tiền. Mượn nãy giờ được 2 triệu mừng ghê, phải chạy vội vào đến đây mà tiền lại để rơi đâu mất tiêu rồi. Vợ tui sao rồi bác sĩ?

- Sau khi cấp cứu thì chị ổn hơn rồi nhưng tình hình thế này chắc chúng tôi sẽ chuyển chị qua bên tuyến trên để theo dõi và điều trị tiếp!

- Vâng bác sĩ cứu giúp nó! Tiền nong tui sẽ lo trả hết! Tui tàn tật chẳng làm ăn nổi gì, chỉ thương nó đêm ngày lo toan mà đâm bệnh. Giờ tui chạy đi tìm lại tiền đã chắc rơi đâu đó trên đường thôi. Tui quay lại liền!

- Khoan đã! Anh cứ để mấy đứa nhỏ lại đây đi! Tha lôi chúng nó đi làm gì tội nghiệp

Đứa nhỏ nhất nằm ở giường cạnh mẹ, khóc dữ lắm, hai chị nó nghe bố dặn dò, ngồi ngoan ngoãn gần đấy, dỗ dành em lặng yên cho mẹ nghỉ. Hỏi chúng nó ăn gì chưa, đứa lớn nhất thật thà từ hôm qua tới giờ chưa được ăn uống gì. Thế em bé thì sao, đứa thứ hai thật thà mẹ con hai bữa nay mệt không có sữa cho em bú. Thế là cả phòng cấp cứu tổng động viên, chị điều dưỡng thì lên khoa Sản xin sữa, anh bảo vệ thì chạy đi mua ít đồ ăn cho hai đứa nhỏ và bỉm về cho bé con, cô y công lo nốt những phần còn lại, sốt sắng như con cái nhà mình. Hai đứa nhỏ ăn ngấu nghiến bánh mỳ, thi thoảng cửa phòng cấp cứu mở ra, có ai đi vào là lại đồng thanh:

- Con chào cô/chú ạ!

Anh chồng chạy đi một hồi quay lại, thở hổn hển lắc đầu:

- Không có tiền rồi bác sĩ ơi!.

Cả phòng bệnh đều im lặng, chỉ có tiếng bình oxy, tiếng chị thở chốc chốc lại hắt lên một nhịp giật mình.

- Tôi sẽ góp cho chị ấy một chút!. - Cô bệnh nhân giường bên cạnh lên tiếng, phá tan bầu không khí!

- Cả tôi nữa! - Chú người nhà của bệnh nhân giường gần đó nói theo.

- Tôi cũng muốn góp!. - Một bệnh nhân từ phía buồng trong nói vọng ra.

Thế là buồng bệnh lại rôm rả, mỗi người góp một ít, trong khi các anh chị điều dưỡng nhanh chóng lo hoàn thành thủ tục chuyển viện cho chị. Chi phí cấp cứu sau khi nhận được sự đồng ý của lãnh đạo đã được giảm đến mức tối đa và số tiền mọi người cùng nhau hùn lại vẫn còn dư kha khá để anh chị tiếp tục điều trị ở tuyến trên.

Trước khi đi, sợ anh chồng lại làm rơi tiếp vì cái túi quần chắp vá kia nông lắm, cô y công bèn lấy băng dính bản to dán quanh mấy lớp dặn anh để ý cho cẩn thận. Chị đã được chuyển lên xe, bốn bố con vẫn dắt nhau đi đến từng người trong buồng bệnh chắp tay cảm ơn.

- Thôi anh với các con lên xe đưa vợ đi nhanh đi kẻo muộn! Nhớ chăm lo cho chị và các cháu nghen! Ai lại để lũ trẻ đói vậy sao được? - Cô bệnh nhân giường bên cạnh thúc giục.

Dáng anh đi cà nhắc bế theo đứa bé, hai đứa nhỏ chạy theo bố, vẫn cố ngoái lại vẫy tay chào mọi người, ánh mắt nhìn nhẹ nhàng hơn hẳn.

Giữa bao cảnh đời còn đầy ngang trái và gian khó ngoài kia thì tình người ở cái đất này vẫn còn đậm đà mà ấm áp lắm. Chút lòng gom góp lại chẳng đáng là bao nhưng đủ để nhen nhóm dù chỉ là một khoảnh khắc niềm vui trong những đôi mắt buồn. Rồi sẽ có lúc trong cuộc đời không ai biết trước được ngày mai, bản thân mình cũng sẽ lại rơi vào hoàn cảnh như thế chẳng hạn, thì một miếng bánh bẻ đôi, một ngụm trà san nửa, nỗi buồn thì chia hai mà niềm vui thì chụm lại,... cũng khiến lòng ta cảm thấy yên ổn hơn nhiều.

- Hai đứa ăn bánh mỳ nhanh đi kẻo đói kìa?

- Tụi con cho em ăn bánh cùng được không ạ?

- Em còn nhỏ mà đâu ăn bánh được? Cô chú đang lấy sữa về cho em rồi!

- Vậy thì tụi con sẽ đợi em có sữa uống rồi cùng ăn cũng được ạ!

- Ừ đúng rồi phải cùng ăn con nhỉ!

chọn
Hình hài tuyến Vành đai 3 TP HCM đang xây dựng qua Thủ Đức
Tuyến vành đai 3 đi qua TP Thủ Đức dài khoảng 15 km, đi qua các phường bao gồm Long Trường, Trường Thạnh, Long Thạnh Mỹ và Long Bình. Gói thầu xây dựng tuyến Vành đai 3 qua TP Thủ Đức là gói thầu thứ 3 của dự án vành đai 3 TP HCM.