Sáng 25/3, chính quyền xã Hạ Mãn (Thuận Thành, Bắc Ninh) cùng người trúng thầu phiên đấu giá hồi năm 2016 tại Hà Nội đã tiến hành chặt hạ cây sưa 200 năm tuổi từng được giao bán 50 tỷ ở đình làng Đông Cốc.
Theo ông Nguyễn Văn Khuyến, một người dân địa phương, khi việc chặt hạ bắt đầu được tiến hành ở đình làng, một số người dân ra bày tỏ sự không đồng tình vì giá bán 24,5 tỷ đối với cây sưa 200 năm này là thấp hơn nhiều so với mức 49 tỷ mà một người đã mua trước đó.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề cũng chưa rõ ràng... nhưng chính quyền địa phương cùng người đấu giá vẫn thực hiện việc chặt, hạ.
Cây sưa 200 tuổi bị chặt hạ. Ảnh: TTT |
"Thực tế, tỉnh cũng đã có ý kiến yêu cầu tạm dừng và làm rõ việc, tại sao lại bán đấu giá cây sưa với mức giá 24,5 tỷ đồng nhưng chính quyền địa phương và người trúng đấu giá vẫn tiến hành chặt hạ, đào toàn bộ gốc cây sưa. Đến chiều 25/3, toàn bộ cây đã được chuyển lên ôtô cho người trúng đấu giá là ông Hùy ở Bắc Ninh đưa đi", ông Khuyến nói.
Đại diện chính quyền địa phương xác nhận việc chặt hạ, chuyển cây sưa cho người trúng phiên đấu giá hồi năm 2016 đã được tiến hành xong.
Theo chính quyền địa phương, sở dĩ, việc hạ giải cây bị kéo dài, tạm dừng là do xảy ra một số tình hình mất an ninh trật tự, trong đó, có vụ việc, một người dân bị đánh chảy máu đầu trong buổi họp giữa chính quyền với nhân dân thôn vào ngày 7/12/2016. Đến nay, các vấn đề đã được giải quyết xong nên việc hạ giải cây được tiến hành.
Mâu thuẫn giá bán
Trước đó, ngày 7/12/2016, tại đình thôn Đông Cốc, xã Hà Mãn (Thuận Thành, Bắc Ninh), chính quyền đã tổ chức buổi họp tiếp dân về việc đấu giá cây sưa từng được rao bán với giá 50 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu cuộc họp thì đã xảy ra màn ẩu đả, thậm chí có người bị đánh chảy máu đầm đìa ở đầu. Mâu thuẫn xảy ra khi người dân cho rằng, cây sưa đỏ này đã có người trả số tiền lên đến 49 tỷ đồng nhưng chính quyền lại bán với giá chỉ 24 tỷ đồng.
''Cây sưa của làng Đông Cốc nằm ở đình làng mà chính quyền mang tận lên Hà Nội để tổ chức bán đấu giá là không hợp lý, có khuất tất. Cây ở thôn Đông Cốc phải về đây đấu giá công khai cho toàn dân biết'' - một người dân thôn Đông Cốc đặt nghi vấn.
Ngày 8/12/2016, UBND huyện Thuận Thành, đã quyết định tạm dừng khai thác cây gỗ sưa tại đình làng Đông Cốc, xã Hà Mãn nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Ngoài cây sưa 200 đình làng Đông Cốc còn cây sưa cổ thụ trên 400 tuổi |
Từng trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đáp - Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (VH-TT&DL) Bắc Ninh) cho biết:
''Việc bán cây sưa 200 tuổi là địa phương đề nghị, sau đó tỉnh cũng có báo cáo lại với Bộ VH-TT&DL. Cuối cùng bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL đã có văn bản đồng ý giao cho tỉnh xử lý.''
Nói thêm về cây sưa 200 tuổi, theo ông Đáp, thời điểm địa phương kiến nghị bán thì cây sưa này đã bị héo và có dấu hiệu chết.
Ông Nguyễn Hữu Mạo - Giám đốc Ban Quản lý Di tích tỉnh Bắc Ninh cũng khẳng định rằng, việc bán cây sưa 200 tuổi ở Đình Đông Cốc đã được Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh Bắc Ninh đồng ý cho địa phương đấu giá. Chi cục kiểm lâm cũng đã có văn bản xác định rằng cây sưa 200 tuổi này đã chết.
Ông Nguyễn Văn Hùy (Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh) chính là người đã tham dự phiên đấu giá và giành được quyền mua cây sưa 200 năm tuổi ở Đình Đông Cốc (xã Hà Mãn, H.Thuận Thành, Bắc Ninh) với mức giá 24,5 tỷ đồng. Khi được hỏi dự định mua cây gỗ sưa về làm gì? ông Hùy chia sẻ, do gia đình làm nghề gỗ nên ông và mọi người "quyết tâm mua để về xẻ ra, đóng các đồ gỗ quý để bán". Trả lời về việc có bán cây sưa này đi Trung Quốc không? ông Hùy cho biết, bản thân ông cũng không biết bán như thế nào qua Trung Quốc mà chỉ biết làm hàng gỗ quý để bán. |
'Mộng' như Hà Nội trong sắc trắng hoa sưa tháng Ba...
Từng chùm hoa sưa bung nở, hòa vào cùng cơn gió mang lại một vẻ đẹp lãng mạn cho những con phố Hà Nội. |