CBRE: Hàng trăm nghìn m2 văn phòng Hà Nội đến từ Gia Lâm, Thanh Xuân và Cầu Giấy

Theo CBRE Việt Nam, đến năm 2022, thị trường Hà Nội dự kiến đón chào gần 200.000 m2 sàn văn phòng mới đến từ một số dự án tại Gia Lâm, Thanh Xuân và Cầu Giấy.
Thị trường văn phòng Hà Nội sẽ thay đổi ra sao trong thời gian tới? - Ảnh 1.

Ông Jonathan Flexer, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu CBRE Châu Á – Thái Bình Dương. (Ảnh: Hoàng Huy).

Tại buổi họp báo Công bố báo cáo thị trường bất động sản quý IV/2020 do CBRE tổ chức mới đây, ông Jonathan Flexer, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu CBRE Châu Á - Thái Bình Dương đã điểm qua tình hình thị trường văn phòng Hà Nội.

Theo ông Jonathan, thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội vừa trải qua năm 2020 chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, khi nhiều khách thuê đã giảm diện tích thuê văn phòng trong năm.

Trong quý IV/2020, thị trường văn phòng Hà Nội đón chào dự án hạng B mới là Century Tower ở Times City. Đây là một trong hai dự án mới được ra mắt năm 2020, cùng với dự án Capital Palace trong quý III. 

Tính đến hết năm 2020, tổng diện tích sàn văn phòng tại Hà Nội ở cả hai hạng A và B đã vượt mức 1,5 triệu m2. Ngược lại, tổng diện tích hấp thụ của thị trường trong cả năm 2020 lại giảm 9.000 m2, dù đã có sự cải thiện trong quý IV.

Về giá thuê trung bình, thị trường cũng ghi nhận sự thay đổi trái chiều ở cả hai phân khúc. Nếu như giá văn phòng hạng B trong năm 2020 giảm 3,7% so với năm 2019 (xuống mức 13,8 USD/m2/tháng), thì giá thuê văn phòng hạng A lại tăng lên 2,2% (lên thành 26,8 USD/m2/tháng).

Nguồn cung từ những dự án mới

Thị trường văn phòng Hà Nội sẽ thay đổi ra sao trong thời gian tới? - Ảnh 2.

HUD Tower sẽ đóng góp vào nguồn cung văn phòng Hà Nội sắp tới. (Ảnh: Hoàng Huy).

Đến năm 2022, thị trường Hà Nội dự kiến đón chào gần 200.000 m2 nguồn cung văn phòng mới đến từ một số dự án tại Gia Lâm, Thanh Xuân và Cầu Giấy.

Đáng chú ý trong số này có dự án Techno Park Tower sẽ cung cấp 115.000 m2 diện tích sàn văn phòng. Dự án này nằm bên trong Vinhomes Ocean Park thuộc địa phận huyện Gia Lâm. 

Với việc gần một số cầu lớn như Chương Dương, Vĩnh Tuy và Thanh Trì, CBRE đánh giá Techno Park Tower có thể mang đến diện mạo mới cho thị trường văn phòng khu Đông sông Hồng.

Một cái tên khác khả năng sẽ đóng góp vào thị trường văn phòng Hà Nội thời gian tới là Thai Building ở quận Cầu Giấy. 

Thông tin từ CBRE, Thai Building bắt đầu đón khách thuê vào năm 2019 với tổng diện tích cho thuê 24.750 m2, bao gồm 21 tầng và ba tầng hầm. 

Dự án này nằm trên tuyến đường Dương Đình Nghệ - Vành đai 3, gần các khu đô thị mới Cầu Giấy, Mễ Trì và Mỹ Đình. Đây là khu vực đang phát triển mạnh về hạ tầng trong nhiều năm trở lại đây của Hà Nội.

Ngoài ra, HUD Tower ở quận Thanh Xuân cũng mang đến một diện tích sàn văn phòng đáng kể cho Hà Nội trong thời gian tới. 

Tòa nhà văn phòng hạng A của Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị nằm tại nút giao Lê Văn Lương - Nguyễn Tuân, được khởi công từ năm 2010 trên diện tích 6.500 m2. Diện tích sàn văn phòng tối đa của HUD Tower là 70.000 m2.

Theo CBRE, trong thời gian tới, các ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, sản xuất và công nghệ thông tin tiếp tục là động lực thúc đẩy nhu cầu cho thị trường văn phòng. Bên cạnh đó, thị trường cũng sẽ chứng kiến nhu cầu tăng lên của các ngành logistics, giáo dục và thương mại điện tử.

Các tuyến metro sẽ chưa tác động nhiều đến thị trường

Những ngày vừa qua, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (metro 2A) đã bắt đầu được vận hành thử toàn bộ hệ thống để đưa vào khai thác thương mại. Ngoài ra, tuyến metro số 3 Nhổn - Ga Hà Nội cũng đã có kế hoạch chạy thử trong thời gian tới. 

Ông Jonathan nhận định, các tuyến metro này sẽ chưa có nhiều tác động đến thị trường văn phòng Hà Nội trong thời gian tới. 

Lý giải điều này, chuyên gia CBRE cho biết, hai tuyến metro nói trên khả năng cao sẽ chưa thể kết nối với nhau trong năm 2021. Việc kết nối các ga dừng với cơ sở hạ tầng xung quanh cũng chưa có sự đồng bộ. 

Bên cạnh đó, người dân Hà Nội sẽ cần nhiều thời gian để thích nghi, tạo thói quen di chuyển bằng các tuyến metro. 

Mặt khác, trong trường hợp dịch Covid-19 có dấu hiệu quay trở lại, hoạt động của các tuyến metro cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Thị trường văn phòng Hà Nội sẽ thay đổi ra sao trong thời gian tới? - Ảnh 3.

Ông Patrick Liau, Quản lý cấp cao của CapitalLand Việt Nam phát biểu tại sự kiện của CBRE. (Ảnh: Hoàng Huy)

Cần cân đối nhu cầu giữa người cho thuê và khách thuê

Trong bối cảnh nhu cầu thuê văn phòng giảm mạnh, ông Patrick Liau, Quản lý cấp cao của CapitalLand Việt Nam cho rằng, người cho thuê cần thay đổi xu hướng tiếp cận khách thuê.

"Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song những tòa văn phòng có chất lượng tốt vẫn tồn tại và đứng vững. Bên cạnh việc thỏa thuận về giá cả, người cho thuê cũng cần cải thiện chất lượng, dịch vụ của tòa nhà", ông Patrick phát biểu tại sự kiện của CBRE.

Chuyên gia của CapitalLand nhận định, năm 2021, nguồn cung văn phòng tại Hà Nội được dự báo sẽ là không nhỏ. Chủ cho thuê cần thay đổi tư duy tiếp cận khách hàng, chú trọng hơn vào những công ty trong nước, thay vì tập trung vào các đối tác nước ngoài.

Bởi lẽ, trong trường hợp dịch bệnh vẫn phức tạp, Việt Nam hạn chế mở cửa biên giới, nhu cầu thuê văn phòng tại Việt Nam của các công ty nước ngoài sẽ tiếp tục sụt giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, cần có sự cân đối nhu cầu của người thuê và người cho thuê. Thông thường, người cho thuê chỉ hướng đến những thỏa thuận ngắn hạn (2 - 3 năm), trong khi thực tế, nhiều người thuê muốn lại muốn thuê dài hạn (từ 5 năm trở lên).

chọn
Tiến độ Vinhomes Vũ Yên
Vinhomes Vũ Yên có tổng diện tích hơn 877 ha, tổng mức đầu tư 44.044 tỷ đồng. Vingroup cho biết, đến nay đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động 46 căn shophouse và 1.076 căn nhà liền kề...