CEO của Ninja Van nói về chính sách giao hàng 2h của Tiki, Lazada: Khó phát triển, bất khả thi

Các dịch vụ về logistics đã tăng mạnh trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu giao vận trong 2h trở thành xu hướng mới. Ninja Van hiện là đơn vị vận chuyển đối tác của hàng loạt sàn lớn như Lazada, Shopee, Tokopedia, Zalora và Bukalapak.
Giao hàng trong 2h trở thành xu hướng mới trong dịch vụ logistics - Ảnh 1.

Ninja Van là đối tác vận chuyển của các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tokopedia, Zalora, Bukalapak. Tại Việt Nam, Sendo và Tiki cũng có quan hệ hợp tác với đơn vị này. (Ảnh: KrASIA).

Trong nhiều năm nay, thương mại điện tử (TMĐT) đã chứng kiến đà tăng trưởng nhanh một cách chóng mặt. Tính riêng ngày lễ độc thân 11/11 năm nay, Shopee đã lập kỉ lục mới khi bán được 200 triệu mặt hàng trong 24 giờ, tăng 186% so với 70 triệu sản phẩm đạt được năm 2019.

Trong khi đó, sàn TMĐT Lazada do tập đoàn Alibaba hậu thuẫn tiết lộ đã đạt 100 triệu USD giao dịch "trong vòng chưa đầy một nửa thời gian" so với năm ngoái.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã kéo theo nhu cầu về logistics tăng mạnh. Ông Chang Wen Lai, CEO Ninja Van, cho rằng nhu cầu đến từ việc khách hàng mong muốn dịch vụ giao hàng nhanh chóng hơn.

"Tôi không nghĩ rằng nhu cầu về dịch vụ giao hàng trong hai giờ lại lớn đến vậy. Khách hàng của chúng tôi ưa thích các dịch vụ giao hàng không quá phức tạp và đáng tin cậy. Họ cũng yêu cầu phải phản hồi nhanh hơn, cam kết và tương tác nhiều hơn", ông Chang nói với i.

Là một trong những công ty công nghệ logistics lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Ninja Van hiện là đơn vị vận chuyển đối tác của hàng loạt sàn lớn như Lazada, Shopee, Tokopedia, Zalora và Bukalapak.

Ninja Van được thành lập vào năm 2014 bởi các nhà sáng lập người Singapore là Lai Chang Wen, Shaun Chong và Tan Boxian. Công ty hoạt động tại các quốc gia Đông Nam Á gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Myanmar.

Ninja Van hoạt động theo mô hình phân phối, thu thập hàng hóa từ điểm tập kết và vận chuyển đến trung tâm phân phối, sau đó bưu kiện sẽ được chuyển đến người nhận thông qua dịch vụ giao vận địa phương.

Giao hàng trong 2h trở thành xu hướng mới trong dịch vụ logistics - Ảnh 2.

CEO của Ninja Van, Lai Chang Wen (trái) và COO Joel Ong (phải). (Ảnh: Ninja Van).

Trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, nửa đầu năm nay, Ninja Van đã mở rộng hoạt động để xử lí khối lượng đơn hàng tăng mạnh. Ông Joel Ong, Giám đốc vận hành của Ninja Van, chia sẻ rằng dịp lễ11/11 năm nay công ty vận chuyển tới vài triệu bưu kiện mỗi ngày. 4 hay 5 năm trước, con số này chỉ đạt dưới 10.000 bưu kiện.

Với qui mô hoạt động lớn, ông Joel Ong nghĩ rằng về phía hoạt động, Ninja Van sẽ cần đầu tư thêm nhiều vào cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như nhà kho và thuê thêm đội vận chuyển chạy tuyến cuối.

Tại Việt Nam, một số sàn TMĐT như Tiki, Lazada đang áp dụng chính sách giao hàng trong 2h. Cụ thể, đối với dịch vụ giao hàng 2h TikiNow và dịch vụ giao hàng 2 giờ của Lazada, các đơn hàng của khách sẽ được vận chuyển trong vòng 2 giờ áp dụng đối với hai tỉnh thành lớn là Hà Nội và TP HCM.

Chia sẻ với KrASIA, ông Chang cho rằng xu hướng giao vận trong vòng 2h sẽ khó có thể phát triển. Ông chỉ ra những lỗ hổng trong chính sách này như bất cập về khoảng cách giữa người bán và người nhận hàng, hay nếu họ ở các thành phố khác nhau thì việc giao hàng trong hai giờ là điều khó có thể thực hiện.

Ông nhận định đây là một công cụ marketing tốt nhưng các sản phẩm có thể giao hàng trong hai giờ đều có kích cỡ nhỏ, chi phí vận chuyển cũng cao hơn. "Chính sách này có thể áp dụng cho một số sản phẩm nhất định, nhưng nó chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng TMĐT", ông Chang nói.

Vào tháng 5 năm nay, Ninja Van đã gọi vốn thành công 279 triệu USD trong vòng gọi vốn Series D, nâng tổng số tiền huy động được của công ty lên gần 400 triệu USD, theo dữ liệu từ Crunchbase. Đầu tư vào Ninja Van cũng một trong những thương vụ rót vốn lớn nhất Đông Nam Á trong năm nay khi Covid-19 tiếp tục cản trở nền kinh tế toàn cầu.

Chia sẻ về kế hoạch mở rộng công ty trong tương lai, ông Chang cho biết khu vực Đông Nam Á vẫn là trung tâm mở rộng phạm vi hoạt động, trong 6 tháng tới, công ty sẽ xâm nhập vào thị trường Brunei. Về mặt kinh doanh, Ninja Van sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai mô hình dịch vụ High-touch cho cả người giao hàng và người tiêu dùng.

Về tương lai của doanh nghiệp, vị CEO của Ninja Van cho biết có hai hướng đi chính: một là tìm cách hỗ trợ và phát triển xu hướng ngày càng tăng của việc bán hàng qua mạng xã hội. Hai là giúp người bán hàng tiếp cận được hàng hóa ở đầu nguồn và tham gia vào chuỗi cung ứng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.