CEO Giấy Sài Gòn: Chỉ có những người sáng lập mới giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn

“Chỉ những người sáng lập, với kinh nghiệm dài hạn mới hiểu hết để có những giải pháp phù hợp giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn”, đó là khẳng định của của ông Cao Tiến Vị, CEO Giấy Sài Gòn (GSG) .

Những thách thức trên chặng đường phát triển

ceo giay sai gon mot doi but pha
Ông Cao Tiến Vị, CEO Giấy Sài Gòn. Ảnh: K.A

PV: Trải qua 20 năm từ một công ty nhỏ đến nay đã trở thành doanh nghiệp (DN) với hơn 1.500 nhân viên, vậy đâu là bí quyết điều hành giúp GSG ngày một phát triển?

Ông Cao Tiến Vị: Một công ty để phát triển phải liên tục đầu tư quy mô, hạ tầng cơ sở, cũng như con người. DN Việt Nam không có lợi thế như DN nước ngoài ở tính đồng bộ. Nước ngoài khi vào Việt Nam sẽ đưa ra mục tiêu doanh số bao nhiêu, đầu tư thế nào và kiểm định cùng lúc đầy đủ về con người, sự tương thích với nhu cầu đó. Còn doanh nghiệp trong nước gặp rất nhiều khó khăn do không đồng bộ trong ý thức, trình độ, chuyên môn…dễ dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, tính chuyên nghiệp không cao, hạn chế việc phát triển.

Người điều hành doanh nghiệp phải hiểu được các tình huống để có những giải pháp phù hợp, huấn luyện, đào tạo, hướng dẫn, tâm lý, đạo đức cho nhân viên, cũng như chấp nhận sai lầm để doanh nghiệp đi tiếp đúng hướng.

Từ doanh nghiệp nhỏ, GSG đã hoạch định những bước đi của mình trong dài hạn. Đến nay đã trở thành doanh nghiệp giấy tư nhân đầu ngành được đầu tư chuyên nghiệp với những công cụ và con người với năng lực để phát triển.

Có lúc người ta thấy Cao Tiến Vị án binh bất động, lúc lại bán cổ phần cho công ty Nhật, giờ đây là hợp tác với nhà đầu tư trong nước và mời tham gia HĐQT. Là cha đẻ của Giấy Sài Gòn, ông không sợ “đứa con” của mình rơi vào tay người khác khi tiến hành mua bán – sáp nhập (M&A)?

DN VN khác DN nước ngoài ở sự linh hoạt, sẵn sàng chuyển biến trong mọi tình thế hay biến động. Để tồn tại, GSG cũng có nhiều giải pháp phù hợp trong nhiều tình huống qua các thời kỳ phát triển. Chúng tôi có lúc là DN khởi nghiệp, có lúc 100% vốn Việt Nam, có lúc 50% vốn nước ngoài đầu tư vào, rồi lại có những lúc doanh nghiệp nước ngoài thay thế doanh nghiệp trong nước…

Tôi đã đi suốt chiều dài đó để điều hành doanh nghiệp một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Tùy tình thế, vì một chiến thuật tôi buộc phải lui và có người thay thế. Hiện nay, tôi đã quay trở lại điều hành trực tiếp từ 4 năm trước với vai trò tổng giám đốc.

Tôi đã vực dậy và cải thiện mọi thứ đi vào một định hướng dài hạn. Đó là một điều đáng mừng. Vì chỉ những người sáng lập, với kinh nghiệm dài hạn mới hiểu hết để có những giải pháp phù hợp giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn.

ceo giay sai gon mot doi but pha
Từ một công ty nhỏ đến nay Giấy Sài Gòn đã có hơn 1.500 nhân viên. Ảnh K.A

Vậy theo anh điều gì cần thiết nhất cho sự phát triển của DN Việt Nam: sự uyển chuyển hay sự hợp tác?

Hiện nay, nhà nước chưa có nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp và lãi suất là vấn đề rất đau đầu của DN. Khi cạnh tranh với khu vực, thế giới thì chúng ta bình đẳng, nhưng lãi suất lại không bình đẳng.

Lãi suất có thể chênh lệch gấp đôi hoặc hơn nữa, có khi doanh nghiệp phải đi vay. Ngành công nghiệp là ngành phải đi vay, vay nhiều và dài hạn mới có thể đầu tư được. Các nước khác đều có chính sách hỗ trợ riêng cho ngành công nghiệp, ngành sản xuất phát triển, nhưng riêng VN hiện nay chưa được thực hiện. Đó cũng là một khó khăn cho việc tạo động lực, giúp cho ngành công nghiệp phát triển.

Do vậy, chuyện liên kết, kêu gọi vốn, đối tác là chuyện tất yếu để đi nhanh hơn. Trong điều kiện dùng lợi nhuận để tái đầu tư phát triển sẽ khó đi nhanh được nếu không có ngoại lực. Nếu có một công ty tốt, ngành nghề tốt, quản lý tốt thì sự thu hút vốn đầu tư hiện nay không phải là điều khó.

Đón đầu xu thế và liên tục thích nghi trước biến động thị trường

Có giai đoạn anh đập bỏ hết mọi thứ để xây dựng lại quy trình, nhân sự qua đó anh thấy yếu tố nào sẽ quyết định để doanh nghiệp tồn tại?

Trong một doanh nghiệp, sự sáng tạo luôn quan trọng. Sáng tạo không đòi hỏi nằm ở hạ tầng kỹ thuật, chuyên môn mà là cần sáng tạo ở việc nhìn nhận thị trường, xây dựng thương hiệu, quản lý và huấn luyện con người, liên tục thích nghi với biến động xã hội ngày một cao.

Con người, cán bộ nhân viên phải không ngừng học tập, nâng cấp để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trước những thời kỳ thay đổi. Do vậy việc tái cấu trúc từ tài chính, đầu tư, con người luôn là điều tất yếu luôn diễn ra tùy mức độ lớn hay nhỏ, nhanh hay chậm và tùy vào thời điểm phù hợp.

ceo giay sai gon mot doi but pha
Không ngừng đầu tư máy móc, công nghệ để đáo ứng nhu cầu ngày một tăng của thị trường. Ảnh K.A

Nói về nhân sự có thể thấy dù là một DN lớn và đứng đầu thị trường giấy Việt Nam nhưng các vị trí chủ chốt đều là người Việt nắm giữ và chính sách của công ty là dành 80% đào tạo nhân lực lãnh đạo từ nội tại. Xin anh giải thích thêm triết lý này?

Thật ra Giấy Sài Gòn đã áp dụng tất cả các mô hình trong việc quản lý kinh doanh, trong đó có cả nhân sự trong nước và nước ngoài. Qua quá trình đó, tôi nhận thấy văn hóa và sự hòa hợp rất quan trọng. Tây hay ta không thành vấn đề, vấn đề là người có năng lực cao, phù hợp văn hóa doanh nghiệp, điều này sẽ giúp cho việc điều hành dễ dàng.

Nếu không phù hợp văn hóa rất khó quản lý. Trải qua nhiều thay đổi, cho đến giờ tôi nhận ra chỉ có thể chọn kỹ thuật, chuyên môn là người nước ngoài, còn điều hành nên là người Việt Nam, nếu thiếu có thể bổ sung người tư vấn.

Cách đây khoảng 10 năm, vì sao GSG đã chọn nguyên liệu là giấy thải trong khi các DN giấy trong nước khác vẫn sử dụng gỗ?

Nguyên liệu là đặc điểm chính trong ngành giấy và chiếm trên 50% chi phí giá thành, chọn giấy tái chế là xu thế thời đại đón đầu mà GSG đã thực hiện khoảng 10 năm trước. Tuy nói tái chế nhưng với thiết bị, công nghệ tiên tiến, đã giúp chúng trở thành nguyên liệu đặc biệt tốt, không giống như hàng chục năm trước đây khi công nghệ chưa phát triển.

Thực tế, nguyên liệu từ tái chế giúp tiết kiệm hơn rất nhiều năng lượng về nước, xử lý môi trường, đem lại giá trị lớn trong việc sản xuất xanh.

Hiện nay các đầu tư mới của FDI vào Việt Nam phần lớn là từ tái chế, cũng đi theo xu hướng chung của thế giới. GSG là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam có hệ thống thu mua chuyên nghiệp. Chúng tôi có hàng trăm các đại lý trung cấp và hàng ngàn người thu mua bên dưới, hệ thống vệ tinh lớn giúp thu hồi phần lớn các sản phẩm từ giấy.

ceo giay sai gon mot doi but pha
Sau 20 năm hình thành và phát triển, Giấy Sài Gòn đã dẫn đầu thị trường giấy tiêu dùng tại Việt Nam. Ảnh K.A

Giấy Sài Gòn có thể xem là dự án start up của anh. Xin anh chia sẻ những kinh nghiệm khởi nghiệp của mình với các bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay?

Ngày nay việc khởi nghiệp thuận lợi hơn ngày xưa rất nhiều, được ủng hộ, có nhiều phong trào chia sẻ kiến thức, được tiếp cận nguồn chia sẻ dữ liệu thông tin. Tuy nhiên, cũng có nhiều thách thức khi tất cả cùng khởi nghiệp, do đó người khởi nghiệp cần phải chọn một sự khác biệt, nền tảng dài hạn.

Hiện đa phần các bạn trẻ đều chọn khởi nghiệp ở các ngành dịch vụ. Tuy nhiên ngành công nghiệp so với các ngành khác cũng là ngành có nhu cầu rất lớn. Đây cũng là một lĩnh vực mà các bạn trẻ cần nghiên cứu quan tâm đến.

Ở nước ngoài như các nước như Đức, Nhật, Đài Loan, 2/3 DN từ các DN vừa và nhỏ, xí nghiệp gia đình đi lên từ khởi nghiệp trong lĩnh vực mang tính chất thiết thực, ứng dụng vào đời sống thì mới tồn tại và phát triển tốt, đem lại nhiều giá trị cho đất nước cũng như doanh nghiệp của họ.

Ở VN hiện nay, chúng ta vẫn chưa nhận diện điều này rõ, vẫn đi theo phong trào và ở mức độ ngắn hạn. Chính phủ cần có những hoạch định lĩnh vực ngành nghề, hỗ trợ để đi vào sản xuất cho doanh nghiệp nhiều hơn và doanh nghiệp cũng phải tìm tòi, sáng tạo có những phát minh riêng, có chiều sâu thiết thực để ứng dụng vào đời sống thì nó sẽ bền vững, làm doanh nghiệp phát triển tốt và là động lực phát triển kinh tế chung mạnh hơn.

Tầm nhìn chiến lược dài hạn

Ở các nước phát triển doanh nghiệp dù tồn tại 20 - 30 năm thì nguy cơ phá sản vẫn có thể xảy ra. Muốn xây dựng một thương hiệu là điều khó khăn và dài hạn. Sau 20 năm Giấy Sài Gòn hình thành và phát triển, mục đích hướng đến lâu dài là gì?

Cách đây 10 năm khi tôi ngồi nói chuyện với một số doanh nghiệp Nhật Bản, họ cho rằng doanh nghiệp muốn tồn tại được phải vượt qua 20 năm. Nhưng hôm nay tôi nhìn nhận lại, 20 năm hoặc hơn nữa vẫn có thể phá sản nếu không thay đổi kịp vì sự biến động ngày càng nhanh và mạnh của xã hội.

Ví dụ nhiều nhà máy giấy ở Việt Nam đã tồn tại 50 - 70 năm đến nay cũng bị xóa sổ hoàn toàn, rất ít doanh nghiệp may mắn vượt qua. Đó cũng là một quy luật tất yếu do vậy doanh nghiệp cần đặt mục tiêu phát triển bền vững, sản xuất xanh và sạch, quản trị phải theo kịp mức độ kiểm soát, các công cụ, phương tiện như phần mềm, KPI cần nâng cấp, cập nhật mới nhất, cũng như việc huấn luyện nhân viên hay phát triển thị trường trong ngoài nước....

Nghĩa là nhiều việc cùng một lúc cần được đầu tư có chiều sâu, đồng bộ để thích nghi với sự cạnh tranh biến động ngày một cao của môi trường toàn cầu.

ceo giay sai gon mot doi but pha
Hệ thống xử lý nước thải được đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Ảnh K.A

Theo anh, ngành giấy hiện nay đang đối mặt với những khó khăn gì?

Ngành giấy là một ngành khó khăn về mọi mặt, đầu tiên là vốn, chiến lược phát triển dài hạn, về nguồn lực, cạnh tranh thị trường. Hiện các DN FDI đầu tư vào VN rất mạnh, họ đầu tư những nguồn vốn rẻ với chi phí đầu tư lên tới nghìn tỷ đô. Đây sẽ là thách thức cho ngành giấy VN trong tương lai.

Dự kiến trong 5 năm nữa sự tồn tại của các doanh nghiệp VN trong ngành sản xuất công nghiệp, trong đó có cả ngành giấy sẽ gặp rất nhiều khó khăn cho sự tồn tại của mình. Tuy nhiên, ngành giấy tại Việt Nam vẫn giàu tiềm năng và thị trường đang tăng trưởng.

Vậy DN Việt để duy trì và phát triển cần có hướng đi gì?

Các doanh nghiệp cần phải biết chủ động, tìm cách thức riêng cho mình và đi chuyên sâu vào trong khả năng phù hợp. Vì để phát triển quy mô lớn hiện nay rất khó khăn trong điều kiện chính sách không có nhiều hỗ trợ cho ngành sản xuất. Với mức độ cạnh tranh rất khốc liệt hiện nay, cơ hội để vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn rất khó khăn.

Xin cảm ơn anh.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.