Tình trạng vỡ nợ của các doanh nghiệp sẽ tăng vọt trên toàn cầu trong năm tới

Việc gia tăng tình trạng vỡ nợ của doanh nghiệp càng được nhận thấy rõ hơn vì trong thời gian đại dịch Covid-19, chúng đã ở mức thấp một cách giả tạo.

Tỷ lệ vỡ nợ doanh nghiệp tại Pháp dự kiến tăng 46% trong năm 2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhận định về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong năm 2023, nhật báo Le Figaro dẫn một báo cáo có tựa đề "Nguy cơ trở lại đối với doanh nghiệp" của công ty bảo hiểm tín dụng Allianz Trade, cho rằng khó khăn sẽ gia tăng ở nhiều lĩnh vực do khủng hoảng năng lượng và lãi suất tăng.

Việc gia tăng tình trạng vỡ nợ của doanh nghiệp càng được nhận thấy rõ hơn vì trong thời gian đại dịch Covid-19, chúng đã ở mức thấp một cách giả tạo.

Năm 2023 sẽ là năm rất khó khăn đối với các doanh nghiệp. Theo dự báo được Allianz Trade công bố mới đây, tình trạng vỡ nợ đang gia tăng trong năm nay, sau khi đã giảm mạnh trong đại dịch Covid-19, sẽ tăng tốc vào năm 2023 trên quy mô toàn cầu.

Trong báo cáo, công ty bảo hiểm tín dụng của Pháp dự đoán các trường hợp vỡ nợ doanh nghiệp sẽ tăng đến 19% vào năm 2023 so với năm nay, sau khi đã tăng 10% vào năm 2022. "Hai lần tăng đáng kể này sẽ đưa tình trạng vỡ nợ trở về mức trước đại dịch vào đầu năm tới", báo cáo cho biết.

Châu Âu sẽ là khu vực đặc biệt bị ảnh hưởng, trong đó đứng đầu là Pháp, với tỷ lệ vỡ nợ doanh nghiệp dự kiến tăng lần lượt 46% và 29%  trong các năm 2022 và 2023, tiếp theo là Vương quốc Anh với lần lượt các tỷ lệ 51% và 10%, Đức với 5% và 17%.

Tại Italy, số doanh nghiệp vỡ nợ dự kiến sẽ giảm 6% trong năm nay, trước khi tăng đến 36% trong năm tới. Sự gia tăng sẽ mạnh hơn nhiều ở Mỹ, mức tăng 38% vào năm 2023. Các chuyên gia nghiên cứu đánh giá rằng: "Tỷ lệ vỡ nợ của toàn khu vực sẽ vượt quá mức trước đại dịch vào cuối năm 2022".

Vận đen đang đeo bám các chủ doanh nghiệp. Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu hiện hữu trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài. Theo Allianz Trade, mối đe dọa chính bắt nguồn từ cuộc xung đột này là lạm phát, được thúc đẩy bởi một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có.

Điều này tạo ra một "cú sốc về năng suất", đặc biệt có thể nhìn thấy ở châu Âu, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như giấy, luyện kim, máy móc thiết bị và ngành khai khoáng.

Một quan ngại khác là việc tăng lãi suất gắn với động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.

Theo dự đoán của Allianz Trade : "Lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2023, song song với việc tăng tiền lương của các doanh nghiệp.

Ở châu Âu, cú sốc này tương đương với cú sốc lợi nhuận mà các công ty phải gánh chịu trong cuộc khủng hoảng Covid-19". Các tác giả của báo cáo cũng cho biết dự trữ tiền mặt lớn của các công ty cho đến nay đã giúp giảm bớt cú sốc, nhưng "điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến".

Ngoài các công ty sử dụng nhiều năng lượng, tất cả các lĩnh vực bao gồm xây dựng, vận tải, viễn thông, phân phối… sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự gia tăng cùng một lúc của cả lãi suất ngân hàng và tiền lương trả cho người lao động.

Điều này chẳng khác gì "họa vô đơn chí", nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, theo nhận xét của Ana Boata, Giám đốc nghiên cứu kinh tế của Allianz Trade.

Để tránh làn sóng vỡ nợ lớn hơn trong giới doanh nghiệp, các chuyên gia bảo hiểm tín dụng cho rằng hỗ trợ của ngân sách nhà nước là cách duy nhất. Báo cáo cho biết: "Hỗ trợ từ ngân sách giúp giảm sự gia tăng các khoản vỡ nợ doanh nghiệp ít nhất 10 điểm vào năm 2022 và 2023 đối với tất cả các nền kinh tế lớn của châu Âu".

Allianz Trade lấy ví dụ như trường hợp của Pháp, nơi các biện pháp hỗ trợ từ ngân sách được cho là sẽ “cứu” 6.700 công ty vào năm 2022 và 2023.

Tuy nhiên, nếu khủng hoảng năng lượng gia tăng khiến tỷ lệ vỡ nợ ở châu Âu có thể lên tới 25% vào năm 2023, tức là mức tăng hàng năm lớn nhất được ghi nhận kể từ năm 2009, thì hỗ trợ ngân sách ở châu Âu khi đó sẽ phải tăng lên tương đương 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thì mới có thể hấp thụ cú sốc này. Đây là một thách thức lớn đối với các quốc gia, theo các tác giả của bản báo cáo trên.

chọn
Long An sắp có tổ hợp căn hộ 2.200 tỷ trên quốc lộ 1, là dự án bất động sản thứ 4 của nhóm Seaholdings
Viethouse Group - công ty con của Seaholdings đang triển khai thi công khu nhà ở cao tầng Destino Centro tại Bến Lức, Long An. Dự án sẽ có hơn 2.000 căn hộ, tổng vốn gần 2.300 tỷ, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2027.