FiinGroup: Rủi ro ảnh hưởng từ trái phiếu doanh nghiệp đến hệ thống tín dụng đang ở mức thấp

Theo FiinGroup, các doanh nghiệp đang có sự cầm chừng trong phát hành trái phiếu, song, rủi ro ảnh hưởng từ trái phiếu đến hệ thống tín dụng đang ở thấp do quy mô còn nhỏ, chất lượng trái phiếu cũng được các ngân hàng đánh giá kỹ lưỡng.

Rủi ro ảnh hưởng từ TPDN đến hệ thống tín dụng ở mức thấp

Tại báo cáo trái phiếu tháng 9 vừa công bố của FiinGroup, đơn vị này cho biết, nhìn chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn ảm đạm dù đã hết quý III.

Kênh vốn TPDN đã có những phản ứng đầu tiên trước những quy định chặt chẽ hơn từ Nghị định 65 (ban hành vào ngày 16/9 vừa qua). Theo đó, thị trường ghi nhận giá trị phát hành trong tháng 9 đạt 16.100 tỷ đồng, giảm 18,27% so với tháng trước và 76,44% so với cùng kỳ, trong khi giá trị mua lại trong cùng tháng đạt hơn 17.200 tỷ đồng. 

Ngoài ra, một số doanh nghiệp có kế hoạch phát hành trong tháng như Tracodi (TCD) đã hoãn lô trái phiếu 990 tỷ đồng do phương án phát hành chưa phù hợp với quy định của Nghị định mới (hiện đã khởi động lại kế hoạch phát hành). 

Theo FiinGroup, các doanh nghiệp có sự cầm chừng trong hoạt động phát hành do Nghị định mới, đồng thời cũng tăng cường mua lại nhằm giảm áp lực đáo hạn và giải quyết các lô trái phiếu có thể gặp bất lợi. 

Cũng theo FiinGroup, rủi ro ảnh hưởng từ TPDN đến với hệ thống tín dụng hiện nay ở mức thấp bởi quy mô còn nhỏ, chất lượng trái phiếu có tính phân hóa và cũng được các ngân hàng đánh giá kỹ lưỡng. 

Số liệu của FiinGroup cho thấy, dư nợ trái phiếu tính đến thời điểm cuối tháng 9/2022 đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng (tương đương với hơn 13% GDP năm 2021). 

Trong đó nếu loại bỏ các trái phiếu ngân hàng thì số dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp phi ngân hàng là 908.800 tỷ đồng, nhóm bất động sản đóng góp 455.000 tỷ đồng. 

Con số này chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong đó, đối với ngành bất động sản, chất lượng tín dụng của ngành có sự phân hóa cao, vẫn có nhiều doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, đủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ nợ.

 

Ngoài ra, hoạt động mua lại 9 tháng năm nay của khối doanh nghiệp phi ngân hàng cũng tăng 2,34 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 75.500 tỷ đồng, góp phần làm giảm áp lực nợ TPDN đến hạn. 

Bên cạnh đó, các ngân hàng hiện nay cũng đang nắm giữ danh mục trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng với quy mô vào khoảng 284.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 2,37% trên tổng tài sản sinh lời tại thời điểm 30/6/2022. 

Mức độ ảnh hưởng chỉ có thể lớn hơn đối với một số ngân hàng có phân bổ tín dụng trái phiếu doanh nghiệp lớn hơn 10% tổng dư nợ tín dụng của họ. 

Hoạt động phát hành TPDN tiếp tục giảm do cần thời gian làm quen các chính sách mới

Trong tháng 9, hoạt động phát hành TPDN tiếp tục xu hướng giảm từ đầu quý III, khối lượng phát hành nhìn chung không cải thiện đáng kể, nhất là nhóm bất động sản ghi nhận 2 lô phát hành với tổng giá trị đạt mức 2.800 tỷ đồng. 

FiinGroup nhận định thị trường sơ cấp phát hành TPDN sẽ chỉ tăng mạnh trở lại vào năm sau, do thị trường cần thời gian để làm quen với các chính sách mới của Nghị định 65 vừa ban hành và tâm lý nhà đầu tư trái phiếu được cải thiện sau các sự kiện liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng việc VKC Holdings chậm trả lãi trái phiếu. 

 

Hoạt động phát hành của các tổ chức tín dụng tiếp tục dẫn đầu thị trường, song đã sụt giảm so với tháng trước. 

FiinGroup cho rằng nguyên nhân là phần lớn các ngân hàng đã huy động đủ nguồn vốn trung dài hạn để đáp ứng tỷ lệ quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN (áp dụng từ ngày 01/10/2022), các lô trái phiếu tháng 9 được phát hành chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn trung và dài hạn để tiếp tục bổ sung phần vốn còn thiếu.

Đứng thứ hai về giá trị phát hành là ngành bất động sản với hai đợt phát hành của Công ty TNHH No Va Thảo Điền (2.300 tỷ đồng) và CTCP Đầu tư Bất động sản Sơn Kim (500 tỷ đồng). Giá trị phát hành tăng trưởng so với tháng trước, song hoạt động phát hành của các doanh nghiệp bất động sản vẫn duy trì trạng thái đình trệ. 

 

Lĩnh vực khác trong tháng 9 ghi nhận giá trị phát hành đứng thứ ba với 2 đợt đạt 1.500 tỷ đồng, chiếm 11% tỷ trọng phát hành. Cả 2 lô trái phiếu đều thuộc về CTCP Tập đoàn Masan, có kỳ hạn 60 tháng, mục đích phát hành là để thanh toán gốc của lô trái phiếu phát hành vào ngày 9/3/2020 và đáo hạn ngày 9/3/2023.

Lũy kế 9 tháng, thị trường TPDN ghi nhận giá trị phát hành đạt 246.320 tỷ đồng, tương đương 35,87% giá trị năm 2021, trong đó 58% giá trị đến từ tổ chức tín dụng và 21% đến từ ngành bất động sản. Trong đó, tỷ lệ phát hành ra công chúng chỉ chiếm 3,87%. 

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.