‘Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro’

Đó là nhận định của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội trong báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2022, dự báo kết quả 2023.

Báo cáo tại phiên họp sáng 19/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết bối cảnh, tình hình thế giới năm 2022 có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Xung đột Nga - Ukraine; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; tình hình dịch bệnh, thiên tai trên thế giới diễn biến phức tạp... đã làm chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá dầu thô, lương thực, thực phẩm và nhiều vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, lạm phát tăng cao đột biến. Trong khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc, thậm chí đối mặt nguy cơ suy thoái tại nhiều nền kinh tế, đối tác lớn.

Trong nước, việc ban hành kịp thời và triển khai bước đầu có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết chuyên đề khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng với Nghị quyết số 11-NQ/CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đã giúp kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng.

GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 – 2022, nhất là quý III tăng 13,67%. Tuy nhiên không nên chủ quan vì nền tăng trưởng cùng kỳ thấp, quý III 2021 GDP giảm hơn 6%.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI 9 tháng tăng 2,73%; lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Các cân đối lớn được bảo đảm. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, đồng Việt Nam được đánh giá là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực. 

Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng hạng tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Ước thực hiện cả năm 2022 có 14/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu, trong đó tăng trưởng GDP cả năm ước khoảng 8%, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đánh giá triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội có mặt còn hạn chế. Đơn cử như phân bổ vốn chậm, tỷ lệ giải ngân khá thấp. Giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% mới chỉ đạt khoảng 13,5 tỷ đồng trên gần 16 nghìn tỷ đồng phân bổ cho năm 2022. Mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 1% trong 2022 và 2023 nhất là với lĩnh vực ưu tiên rất khó thực hiện trọng điều kiện hiện nay.

Triển khai các dự án trọng điểm quốc gia như xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông 2017 - 2020, dự án thu hồi đất bồi thường hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I còn nhiều khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ. 

Mặc dù giải ngân đầu tư nước ngoài đạt nhiều kết quả tích cực, dự kiến cả năm đạt 21 - 22 tỷ USD, nhưng giải ngân 9 tháng đầu năm giảm 15,3%, vốn đăng ký cấp mới chỉ bằng 57% cùng kỳ 2021. Cùng với việc giải ngân đầu tư công thấp, cần đánh giá kỹ lưỡng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và các năng lực sản xuất mới cho 2023 và các năm tiếp.

Nhìn chung việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, các dự án doanh nghiệp kém hiệu quả, thua lỗ mới chỉ đạt kết quả bước đầu, chưa có chuyển biến thực chất trên thực tế. Đề nghị làm rõ dự báo mức thâm hụt cán cân thương mại hàng hoá ba tháng cuối năm nên tới 5,5 tỷ USD và nà nhận định dấu hiệu suy giảm đang trở nên rõ nét hơn trong thời gian gần đây.

Doanh nghiệp mới và hoạt động trở lại trong 9 tháng đầu tăng 38,6% so với cùng kỳ nhưng các doanh nghiệp mới chưa đóng góp nhiều cho nền kinh tế. Trong khi các doanh nghiệp nói chung tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn lưu động, khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao, số lượng và lợi nhuận của đơn hàng xuất khẩu sụt giảm

Công tác quy hoạch tuy đã được đẩy nhanh ngay sau khi Quốc hội tiến hành giám sát và ban hành Nghị quyết giám sát tại kỳ họp thứ III nhưng kết qủa lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 còn rất khiêm tốn, không đạt được các mục tiêu, yêu cầu tại Nghị quyết 61 của Quốc hội. Cho đến nay Quy hoạch điện VIII còn chưa được ban hành, các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia vẫn chưa trình được Quốc hội xem xét phê duyệt. Việc triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết số 39 của Quốc hội còn có phần lúng túng, vướng mắc do Luật quy hoạch không quy định lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh…

Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng có nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro. Kết thúc phiên ngày 7/10, chứng khoán Việt Nam đã giảm 484 điểm, tương đương giảm 31,8% từ đỉnh ngày 6/1, khiến thị trường Việt Nam có mức giảm mạnh nhất thế giới. Các doanh nghiệp có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh, có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản tín dụng hoặc nợ trái phiếu đến hạn. Vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, CTCP Tập đoàn Đầu tư An đông cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp xảy ra gần đây được xã hội người dân rất quan tâm, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm 2022, có tình trạng đẩy giá gây sốt ảo bất động sản...

Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế - xã hội như đã nêu ở trên; đồng thời bổ sung, nhấn mạnh 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.