Doanh nghiệp cần làm gì trong bối cảnh thị trường khó?

Thị trường bất động sản năm 2022 đã cho thấy những biểu hiện trầm lắng rõ rệt. Năm 2023 được dự đoán khó có khả năng ổn định, phát triển nếu dòng vốn không được khơi thông. Đâu là hướng đi để các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục tồn tại và phát triển?

Thống kê sơ bộ tháng 10 năm 2022 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường ước nhỏ hơn 10%. VARS nhận định đây là mức thấp kỷ lục, khá giống tình hình năm 2010 -  2011 khi mà thị trường bất động sản "đóng băng”.

Các khu vực có thị trường bất động sản sôi động nhất cả nước trong năm 2022 như Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Định, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh… cũng đều đang rơi vào trạng thái trầm lắng, ế ẩm, giao dịch "nhỏ giọt".

Mặc dù các chủ đầu tư đã vận dụng các chính sách bán hàng theo hướng hỗ trợ khách hàng nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện đáng kể. 

Nhiều doanh nghiệp bất động sản buộc phải dừng, giãn, hoãn nhiều dự án đang triển khai; lùi lịch mở bán, chờ đợi tín hiệu mới từ thị trường. Một số thậm chí sa thải bớt lực lượng lao động vì thiếu vốn trong khi doanh thu sụt giảm vì lãi suất tăng cao.

Nhiều dự án đã phải tạm dừng triển khai. (Ảnh tư liệu minh hoạ: Hạ Vũ).

Thời điểm ba tháng cuối năm luôn là “mùa vụ" được trông đợi nhất trong năm của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đính, chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, thị trường cuối năm 2022 khả năng khó trở lại được như những năm trước. 

“Thị trường bất động sản năm 2023 cũng khó có khả năng ổn định, phát triển nếu mọi con đường dẫn đến dòng vốn không được khơi thông”, ông Nguyễn Văn Đính nhận định.

Nhiều kiến nghị liên quan đến việc khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản đã được đưa ra. Tuy nhiên, bên cạnh việc trông chờ vào quyết sách của các cơ quan nhà nước, bản thân các doanh nghiệp phải chủ động tìm hướng đi đúng cho chính mình.

Cần giữ vững chữ tín

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam cho biết, trong giai đoạn thị trường sàng lọc mạnh mẽ như hiện nay, thực lực của các doanh nghiệp bất động sản đang được thể hiện rõ.

Để vực dậy niềm tin đối với người mua nhà, các chủ đầu tư phải đảm bảo uy tín thương hiệu và trách nhiệm với khách hàng, càng trong khó khăn thì càng phải giữ vững chữ tín. Việc chủ đầu tư đảm bảo xây dựng, bàn giao nhà đúng tiến độ, đúng chất lượng cam kết sẽ giúp kéo lại niềm tin rất lớn cho thị trường lúc này. 

“Thị trường bất động sản đang dành cho nhu cầu thực. Những chủ đầu tư có uy tín, phát triển dòng sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu sẽ được người mua nhà lựa chọn. Tuy nhiên để thanh khoản tốt thì sản phẩm phải có pháp lý rõ ràng, giá cả hợp lý, khai thác thương mại tốt và đáp ứng tiến độ cam kết”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Với các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ, vấn đề về uy tín lại càng cần phải được giữ vững trong giai đoạn này.

Nói về trách nhiệm của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ tại buổi làm việc giữa Bộ Tài chính và các doanh nghiệp phát hành, công ty chứng khoán hôm 23/11 vừa qua, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP HCM cho rằng, các tổ chức phát hành phải là người chịu trách nhiệm hoàn trả nợ trái phiếu đến hạn cho các đầu tư, đây không phải trách nhiệm của nhà nước. 

Mặc dù hiện nay dòng tiền rất khó khăn nhưng doanh nghiệp phải chủ động xoay xở tất cả các kênh huy động, thậm chí phải bán rẻ tài sản, hạ giá sản phẩm nhằm thu hồi dòng tiền về để thực hiện đúng cam kết với các nhà đầu tư trái phiếu. Có như vậy thì niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu mới được vực dậy và thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới có thể tiếp tục phát triển.

“Doanh nghiệp phải luôn luôn xác định việc thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu cho các nhà đầu tư là một việc đặc biệt quan trọng để giữ chữ tín của doanh nghiệp trên thị trường”, ông Bình nhấn mạnh.

Tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm

Nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện trải nghiệm cho khách hàng lại là điều bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội khuyên nhà đầu tư nên làm lúc này để có thể kéo thanh khoản.

“Nếu là đại dự án, các chủ đầu tư không nên chỉ dừng lại ở việc phát triển tiện ích nội khu dự án mà còn cần cải thiện các tiện ích mua sắm, ăn uống, phục vụ đời sống hàng ngày của cư dân.

Đối với các tòa nhà có khối đế thương mại cũng cần tính toán hợp lý để thu hút khách thuê, mang lại sản phẩm hấp dẫn để thu hút người mua.

Đặc biệt chủ đầu tư cũng cần quản lý bài bản dự án để mang lại sự yên tâm cho người mua khi sinh sống hoặc để khi bán cũng đảm bảo về giá. Do đó, phải tính bài toán hợp lý trong tổng thể thì mới có thể thành công”, bà Hằng cho biết.

Còn Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, doanh nghiệp bất động sản phải chủ động tăng vốn chủ sở hữu để trở thành doanh nghiệp có năng lực tài chính mạnh, thông qua hoạt động hợp tác đầu tư trong nước hoặc với nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, đây là con dao hai lưỡi vì có thể dẫn đến hệ quả doanh nghiệp bị “thâu tóm”, làm mất đi lợi thế của các doanh nghiệp trong nước đang thống lĩnh thị trường bất động sản hiện nay.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/.

chọn
Một tập đoàn Đài Loan với 30 doanh nghiệp vệ tinh dự báo sắp kéo về KCN Châu Đức, vừa trả trước cho SZC gần 400 tỷ đồng
Quý III vừa qua, SZC đã nhận 359 tỷ đồng tiền thuê đất từ Electronic Tripod. Theo ước tính của BSC, có 30 doanh nghiệp phụ trợ theo Tập đoàn Tripod cũng có nhu cầu thuê đất tại KCN Châu Đức. Nhờ đó, SZC có thể sẽ cho thuê thêm 30 - 40 ha đất trong 2 năm tới.