Đây là dịp để lãnh đạo tỉnh Bắc Giang trực tiếp lắng nghe, nắm bắt tâm tư cũng như nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, doanh nhân, từ đó có những giải pháp hiệu quả, thiết thực hơn, nhằm từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn nhấn mạnh, xác định doanh nghiệp là "trụ cột của nền kinh tế", “sức khỏe” của doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu quyết định đến phục hồi của nền kinh tế của tỉnh. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm, tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí giải thể. Những khó khăn về cung cấp điện cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp suy giảm do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng sụt giảm; khó khăn về thị trường xuất, nhập khẩu...
Thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất trong phạm vi thẩm quyền cho phép để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Mặc dù vậy, nhiều giải pháp khi triển khai trong thực tế vẫn gặp phải những khó khăn, vướng mắc, gây không ít trở ngại cho doanh nghiệp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu những khó khăn, vướng mắc liên quan nhiều vấn đề như: thị trường bất động sản; nguồn cung vật liệu san lấp khan hiếm; tiếp cận nguồn vốn tín dụng; việc cắt điện; phòng cháy chữa cháy; việc giao đất đối với các khu đô thị, khu dân cư; công tác thanh kiểm tra đối với doanh nghiệp; an ninh tại các công trường đô thị...
Vấn đề cung cấp điện cho các doanh nghiệp được quan tâm nhiều nhất, theo ông Lưu Tiến Chung, Tổng Giám đốc CTCP Tổng Công ty May Bắc Giang LGG, hiện nay các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do đơn hàng giảm, không ký được các đơn hàng mới. Trong khi đó, tình trạng cắt điện khiến doanh nghiệp thiệt hại rất nhiều, đề nghị tỉnh có phương án đảm bảo điện cho doanh nghiệp sản xuất.
Về thị trường bất động sản và vay vốn ngân hàng, đại diện nhiều doanh nghiệp nêu, do thị trường bất động sản trầm lắng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang rơi vào tình trạng không bán được hàng, tính thanh khoản thấp, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn và đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Trong khi đó, hiện tại lãi suất cho vay tuy có giảm nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vẫn rất khó khăn do các ngân hàng thương mại vẫn siết chặt các điều kiện cho vay; việc định giá tài sản thế chấp thấp; tỷ lệ vay trên tài sản thế chấp bị kéo thấp xuống; các hợp đồng đã vay phải yêu cầu bổ sung tài sản thế chấp…
Một số ý kiến cho rằng, thời gian qua, vấn đề thanh, kiểm tra tuy đã được quan tâm song thực tế doanh nghiệp vẫn thấy còn chồng chéo, trùng lắp nội dung, nhiều đoàn, nhiều cuộc trong một năm và trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Đối với những kiến nghị của các doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã trực tiếp trao đổi, làm rõ từng vấn đề. Về vấn đề cung ứng điện, lãnh đạo Công ty Điện lực Bắc Giang cho biết, hiện tình trạng thiếu điện xảy ra ở toàn miền Bắc do các hồ thủy điện cạn nước. Để đảm bảo an toàn, hệ thống điện quốc gia buộc phải điều độ lại nguồn cung điện và phân bổ công suất cho địa phương. Với lượng điện được phân bổ Bắc Giang thiếu khoảng 30% so với nhu cầu.
Để đáp ứng sản xuất kinh doanh, từ ngày 6/6 Chủ tịch tỉnh Bắc Giang đã có chỉ đạo ưu tiên cấp điện ban ngày cho các khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp có đường dây riêng để sản xuất, còn ban đêm ưu tiên cấp điện cho người dân sinh hoạt. Đối với các doanh nghiệp có đường dây chung với khu dân cư, Công ty Điện lực sẽ xem xét nếu có thể tách riêng ra được để đảm bảo ban ngày có điện sản xuất thì công ty sẽ xem xét giải quyết.
Trong thời gian tới ngành điện sẽ cố gắng có thông báo chính xác về việc cắt điện đến người dân, doanh nghiệp để chủ động phương án sản xuất. Hiện ngành điện đang nỗ lực cố gắng để giải quyết tình trạng thiếu điện trong khả năng, rất mong người dân, doanh nghiệp có phương án sử dụng điện tiết kiệm và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh.
Về khó khăn trong tiếp cận vốn vay, đại diện Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bắc Giang cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất từ 0,5% - 2,4% áp dụng tùy vào từng gói vay và thời hạn vay để hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, để vay vốn tại các ngân hàng, khách hàng vẫn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn của ngân hàng. Trong 5 tháng đầu năm dư nợ tăng trưởng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là 1,6%, thấp so cùng kỳ, do đó các doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn các ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho vay.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, Bắc Giang là điểm sáng về phát triển kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay dự kiến đứng thứ 2 cả nước, tăng trưởng công nghiệp dẫn đầu cả nước, các chỉ số PCI, cải cách hành chính luôn đứng top đầu cả nước. Có được kết quả đó là sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Đồng chí mong muốn thời gian tới các doanh nghiệp tiếp tục phát triển vững mạnh đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh.
Về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang đề nghị các sở, ban, ngành tiếp tục quan tâm giải quyết và giải quyết dứt điểm. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại giải quyết cho doanh nghiệp vay vốn kịp thời, bảo đảm theo đúng quy định, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp thiếu vốn trong khi ngân hàng có tiền song không giải ngân được.
Về công tác thanh kiểm tra, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang yêu cầu Chánh Thanh tra tỉnh rà soát lại tất cả các cuộc thanh kiểm tra để tránh chồng chéo; từ tháng 7/2023 cuộc thanh tra nào không cần thiết thì dừng hẳn. Các ngành liên quan nghiên cứu các nội dung doanh nghiệp phản ánh về thủ tục hành chính, hỏi đáp chính sách pháp luật để kịp thời hướng dẫn công khai trên các trang thông tin điện tử, giúp doanh nghiệp thuận tiện tìm hiểu, tra cứu, từ đó áp dụng giải quyết công việc thuận lợi. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh nghiên cứu xây dựng phương án để kết nối các doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp FDI tạo chuỗi liên kết sản xuất.