Doanh nghiệp còn gặp khó khi đấu thầu công tại địa phương

Sự kiện công bố báo cáo nghiên cứu và những phát hiện chính của nhóm khảo sát, qua đó ghi nhận, doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia đấu thầu công tại địa phương.

Toàn cảnh hội thảo Đấu thầu mua sắm công từ góc nhìn của doanh nghiệp. (Ảnh: VCCI).

Ngày 16/6 tại Hà Nội, với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo “Đấu thầu mua sắm công từ góc nhìn của doanh nghiệp”.

Sự kiện công bố báo cáo nghiên cứu và những phát hiện chính của nhóm khảo sát, qua đó ghi nhận, doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia đấu thầu công tại địa phương

Khai mạc sự kiện, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế kiêm Phó Tổng Thư ký VCCI cho biết, nghiên cứu nhằm tìm hiểu những vấn đề, vướng mắc cụ thể mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải khi tham gia hoạt động đấu thầu mua sắm công tại địa phương. Từ đó, tìm kiếm giải pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn và tăng cường tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về đấu thầu mua sắm công; góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Báo cáo khảo sát tập trung đánh giá hai vấn đề chính là đánh giá của doanh nghiệp về quá trình thực hiện thủ tục đấu thầu mua sắm công tại địa phương và đánh giá việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. 

Theo ông Tuấn, những khó khăn mà doanh nghiệp thường gặp nhiều nhất là thời gian chuẩn bị nộp hồ sơ dự thầu quá ngắn; thư mời thầu không công bố rộng rãi, điều kiện thực hiện hợp đồng quá khó, tiêu chuẩn về năng lực và kinh nghiệm nhà thầu khó bất thường, tiêu chí phụ không thỏa đáng, khó hoặc không mua được hồ sơ mời thầu. Các vấn đề khó khăn càng phổ biến hơn đối với các doanh nghiệp tham gia các gói đấu thầu của các cơ sở y tế công lập.

Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn còn e dè khi kiến nghị xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu và những vấn đề liên quan. Với những doanh nghiệp lựa chọn gửi kiến nghị, khiếu nại, tố cáo khi có vướng mắc, kết quả khảo sát cho thấy dường như các doanh nghiệp lâu năm được giải quyết vướng mắc thỏa đáng hơn so với các doanh nghiệp mới thành lập. 

Lý giải nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lựa chọn giải pháp không kiến nghị, xem xét lại khi có vướng mắc, theo ông Tuấn, là do họ e ngại thủ tục kiến nghị phức tạp. Cũng còn có các lý do khác được doanh nghiệp đưa ra như: chi phí và công sức kiến nghị tốn kém so với lợi ích thu lại; lo ngại bị đối xử bất công trong tương lai và chưa tin tưởng vào việc giải quyết kiến nghị của bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền và pháp luật xử lý tố cáo của cơ quan quản lý Nhà nước...

Báo cáo của nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị, cần sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng tăng cường tính công khai và minh bạch trong mua sắm đấu thầu công thông qua tăng cường sử dụng các biểu mẫu mang tính cạnh tranh. Hay, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và hợp đồng kết hợp với việc tối ưu hóa sử dụng công nghệ cao trong hoạt động tổ chức và quản lý đấu thầu. 

Bên cạnh đó, tăng cường giám sát mua sắm đấu thầu công bằng cách nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với cơ quan, tổ chức công mời thầu mua sắm, đầu thầu công, cơ quan quản lý Nhà nước. Các cơ quan chức năng ở địa phương cũng cần tập trung vào chất lượng giải quyết các vấn đề và kiến nghị của doanh nghiệp tham gia đấu thầu thông qua việc xây dựng các cơ chế độc lập. 

Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, ông Hoàng Cương, Trưởng phòng Chính sách đấu thầu, Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao kết quả của báo cáo mà nhóm nghiên cứu thực hiện khảo sát. Đây là kênh thông tin hữu ích, quan trọng đối với quá trình sửa đổi luật, hướng tới việc làm sao để mua sắm công trong thời gian tới đi vào thực chất, hiệu quả.

Chính phủ đã thông qua quy trình sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu. Cơ quan soạn thảo cũng lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, để việc sửa đổi luật đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn đổi mới; đồng thời, mang lại hiệu quả. Về giải quyết kiến nghị, theo ông Cương, cơ quan giải quyết kiến nghị phải độc lập để tạo ra sự tin tưởng của nhà thầu, góp phần nâng cao tính cạnh tranh và sự minh bạch. 

Về phía doanh nghiệp, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho biết, Luật Đấu thầu cần minh bạch làm rõ các sản phẩm xây dựng không thể được đồng nhất hóa với các sản phẩm khác như ô tô, thuốc... Để có thể thắng thầu, điều quan trọng vẫn là kỹ thuật và giá. Tới đây, đấu thầu trong xây dựng còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong luật cần tách bạch, chỉ rõ đối tượng xây dựng, sản phẩm hình thành tương lai.

Còn về tiêu chí, theo PGS.TS Trần Chủng, rất cần sự đổi mới vì hiện nay đang chú trọng quá nhiều vào các tiêu chí truyền thống, chứ chưa đề cao tiêu chuẩn con người, năng lực... Việc sửa luật tới đây, kỳ vọng sẽ tập trung nhiều hơn vào con người và năng lực quản trị.

Phát biểu tại hội thảo, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) nhấn mạnh, nâng cao tính minh bạch và đẩy mạnh quá trình số hóa trong hoạt động đấu thầu công là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững.

Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 để giúp ứng phó một cách hiệu quả đối với khủng hoảng và phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch. Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong thúc đẩy những thông lệ tốt về quản trị doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch và liêm chính doanh nghiệp.

Hội thảo sẽ tạo cơ sở cho những hoạt động hợp tác trong tương lai với sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp nhằm góp phần xây dựng một hệ thống đấu thầu công hiệu quả, số hóa và minh bạch ở Việt Nam.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.