ĐBQH: Nhìn vào một ngân hàng sẽ thấy bóng dáng của một doanh nghiệp BĐS phía sau

Nhiều đại biểu quốc hội cho rằng tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng cho thấy tính chất rất phức tạp, tiềm ẩn rủi ro hệ thống. Cần tránh việc "thuê", "nhờ" người không có quan hệ gia đình đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu chi phối tại một TCTD.

Trong phiên thảo luận tại tổ về hai dự luật, trong đó có dự luật quan trọng là Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) ngày 5/6, nhiều đại biểu quốc hội đã thể hiện sự lo ngại về tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng hiện nay.

Sở hữu chéo tạo rủi ro thâu tóm, chi phối của nhóm cổ đông lớn và người có liên quan

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đánh giá tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm, cho vay sân sau,...trong lĩnh vực ngân hàng đang diễn biến phức tạp và đáng lo ngại, theo PLO.

Theo ông, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần không hề mang đúng bản chất là "công ty đại chúng và niêm yết chứng khoán" như quy định pháp luật hiện hành, nhưng cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn rất khó vạch tên, chỉ mặt.

Thực tế, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, "có vấn đề", diễn ra chậm chạp, không đạt mục tiêu dự tính, dù ngành ngân hàng đã trải qua nhiều giai đoạn tái cơ cấu kéo dài suốt từ năm 2011 tới nay.

 Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị). (Ảnh: Quốc hội).

Ông Hà Sĩ Đồng cho rằng những vấn đề cụ thể như sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng cho thấy tính chất rất phức tạp, luôn tiềm ẩn rủi ro hệ thống do làm gia tăng một số rủi ro chính. Rủi ro tăng vốn ảo thông qua việc đi vay để đầu tư, góp vốn lẫn nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua công ty con/cháu).

Điều này khiến vốn toàn hệ thống không gia tăng thực mà chỉ tăng trên sổ sách, kéo theo hệ lụy làm sai lệch về quản trị ngân hàng cũng như việc đánh giá rủi ro, trích lập dự phòng hay giám sát các hoạt động tài chính.

Ngoài ra, rủi ro thâu tóm, chi phối của nhóm cổ đông lớn và người có liên quan: việc ngân hàng mẹ, các công ty con, công ty liên kết cùng đầu tư vào một doanh nghiệp, sở hữu cổ phần chi phối hoạt động kinh doanh của NHTM.

Đại biểu lo ngại một khi giám sát không chặt chẽ, các chủ sở hữu có thể chi phối để dòng tiền chảy vào các dự án sân sau của mình. Do mạng lưới phức tạp trong mỗi quan hệ sở hữu giữa các ngân hàng, khi xuất hiện rủi ro, rất dễ xảy ra "hiệu ứng domino" không chỉ trong hoạt động ngân hàng.

ĐB Hà Sỹ Đồng cho rằng dự thảo luật cần tập trung rà soát quy định pháp luật người có liên quan và quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông và người có liên quan cho phù hợp, tránh việc một số trường hợp "thuê", "nhờ" người không có quan hệ gia đình đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu chi phối tại một tổ chức tín dụng.

Nhìn vào một ngân hàng sẽ thấy bóng dáng của một doanh nghiệp BĐS phía sau

 Đại biểu Nguyễn Hải Nam đoàn Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Quốc hội).

Đại biểu Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên – Huế) nhấn mạnh tình trạng việc sở hữu chéo giữa ngân hàng và các công ty tài chính, thậm chí có sự "lách luật" cả tỷ lệ sở hữu, lách cả hạn mức tín dụng cho một đối tượng doanh nghiệp, theo VTV.

"Sở hữu chéo trong ngân hàng chính là lực cản trong năng lực cạnh tranh của các ngân hàng, cũng như lực cản đối với sự phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng", ông Nam nói và nhấn mạnh, cần biện pháp xử lý rõ hơn với tình trạng này.

"Trên thị trường ngân hàng Việt Nam, cứ nhìn vào một ngân hàng thì sẽ thấy bóng dáng của một doanh nghiệp phía sau mà những doanh nghiệp này đều hoạt động trong lĩnh vực bất động sản", ông Nam nói thêm.

Từ đó, để hạn chế sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng, đại biểu Nguyễn Hải Nam cho rằng, cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thanh tra giám sát trong lĩnh vực ngân hàng.

Tham gia thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết Trung ương lần này cũng đã nhấn mạnh phải chấm dứt sở hữu chéo; chấm dứt chứ không phải hạn chế.

Bên cạnh đó, cần phải công khai những chủ sở hữu có vốn sở hữu tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, để người dân biết ai là người thực sự chi phối ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng đó.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, Việt Nam chưa có luật về tập đoàn tài chính, trong khi đó, trên thực tế đã bắt đầu hình thành các mô hình tổ chức tập đoàn tài chính; hoặc công ty mẹ - con, trong đó, công ty mẹ là một tổ chức tín dụng; hoặc một tập đoàn, song trong tập đoàn đó có tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại (là thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn).

"Điều này cần được làm rõ quan hệ giữa doanh nghiệp, tập đoàn với các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại như thế nào; báo cáo tài chính hợp nhất, nghĩa vụ công bố thông tin ra sao", Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Cần làm rõ tác động của việc giảm tỷ lệ sở hữu của các cổ đông có liên quan

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đánh giá thực trạng tình hình sở hữu chéo hiện nay trong hệ thống ngân hàng, giữa ngân hàng với doanh nghiệp và công ty chứng khoán (đặc biệt sau vụ việc Ngân hàng SCB vừa qua).

Từ đó làm rõ cơ sở đề xuất bổ sung thêm đối tượng người có liên quan là công ty con của công ty con của TCTD” hoặcông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột”

Bên cạnh đó, làm rõ việc sửa đổi khái niệm “người có liên quan” như tại dự thảo Luật có giải quyết được tình trạng một số trường hợp “thuê”, “nhờ” người không có quan hệ gia đình đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần chi phối tại một TCTD hoặc lách quy định về giới hạn cấp tín dụng để cung ứng vốn cho các doanh nghiệp sân sau, phục vụ lợi ích cho một nhóm cá nhân hoặc tổ chức, tạo ra rủi ro tiềm ẩn đối với TCTD hay không.

Cần làm rõ nguyên nhân sở hữu chéo xuất phát từ quy định của pháp luật hay do việc thực thi để đề xuất phù hợp.

So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó tương ứng từ không được vượt quá 5%, 15%, 20% xuống còn 3%, 10% và 15%. 

Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn cơ sở đề xuất các tỷ lệ này; cần đánh giá rõ thực trạng sở hữu cổ phần tại các TCTD để xác định rõ mức độ, nguyên nhân của tình trạng sở hữu chéo để đề xuất giải pháp căn cơ, triệt để và xử lý được tình trạng sở hữu chéo như hiện nay.

Đồng thời, bổ sung đánh giá tác động của các quy định đối với các cổ đông đang sở hữu cổ phần từ trên 3% đến dưới 5%, trên 10% đến dưới 15% và trên 15% đến dưới 20%, nhất là cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ phải giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần sau khi luật có hiệu lực; tác động của chính sách đến thị trường chứng khoán.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.