Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là vấn đề được cổ đông nhiều ngân hàng đặc biệt quan tâm trong các phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay.
Đơn cử tại Đại hội của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) diễn ra sáng 22/4 đã có ít nhất 4 lần cổ đông bày tỏ lo lắng về các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và muốn nắm rõ tình trạng hiện nay của khoản đầu tư, việc quản lý và chất lượng tài sản đảm bảo cho các khoản đầu tư trái phiếu này.
Khẳng định quan điểm nhất quán, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank cho biết, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp luôn được ngân hàng quản lý như một khoản vay ngay từ đầu vào, khả năng trả nợ, tài sản đảm bảo... Dù lượng trái phiếu Techcombank tư vấn phát hành ra thị trường rất lớn, song đến nay chưa có bất kỳ trái phiếu nào quá hạn lãi và gốc.
"Năm vừa qua dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản - hai lĩnh vực mà Techcombank gần như mạnh nhất thị trường đều trải qua nhiều khó khăn, nhưng Techcombank đã thể hiện khả năng quản trị rủi ro tốt và kết quả kinh doanh sắp tới sẽ phản ánh rõ điều đó", Chủ tịch Techcombank đánh giá.
Còn về bất động sản, ông Hồ Hùng Anh thừa nhận Techcombank có lượng cho vay lĩnh vực này cao, nhưng đa phần nằm ở cho vay cá nhân có nhu cầu mua nhà. Đối với dự án thì Techcombank chọn khách hàng tốt, pháp lý đầy đủ và vẫn triển khai dù trong giai đoạn khó khăn. Do đó ngân hàng vẫn quản trị được rủi ro và có thu nhập ổn định, chất lượng nợ cũng như tỷ lệ nợ xấu vẫn đang kiểm soát tốt.
Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan đến Masterise và thông tin một số dự án của Masterise dừng hoạt động, ông Hồ Hùng Anh cho biết, thực tế vai trò của Masterise không phải là chủ đầu tư bất động sản mà chỉ là đơn vị phát triển (Developer), làm trung gian ký kết với các chủ đầu tư để triển khai dự án và thu phí.
"Việc ngân hàng cấp tín dụng để Masterise tài trợ các dự án đầu tư là không có. Các dự án Masterise đều hoạt động bình thường, đạt tiến độ xây dựng và là một trong số ít dự án bàn giao nhà cho khách hàng đúng hạn dù trong giai đoạn khó khăn", vị Chủ tịch nhấn mạnh.
Trước đó, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) cũng đã thẳng thắn trả lời các câu hỏi của cổ đông về trái phiếu nói chung, nhất là trái phiếu của CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL).
Theo Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh, hiện VPBank đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm 5.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2022. Dự kiến từ nay đến cuối tháng 6 tới sẽ giảm xuống còn 20.000 tỷ đồng và đến hết năm 2023 giảm được 50% giá trị trái phiếu.
Trong số trái phiếu doanh nghiệp mà VPBank nắm giữ, có gần 60% trái phiếu nằm trong lĩnh vực bất động sản với hơn 40 dự án bất động sản từ nhỏ đến lớn, nhưng không một nhà đầu tư nào chiếm quá 1% tổng dư nợ của ngân hàng. Hơn 40% còn lại là trái phiếu các doanh nghiệp tốt ở các mảng khác như: hạ tầng, khu công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, bán lẻ...
"100% trái phiếu của VPBank đều có tài sản bảo đảm. Ngân hàng cũng đồng thời là người quản lý tài sản đảm bảo nên có đủ điều kiện để đưa ra phương án xử lý tài sản nếu các trái phiếu này gặp vấn đề phát sinh, không trả nợ được", ông Nguyễn Đức Vinh khẳng định.
Riêng với Novaland, lãnh đạo VPBank cho biết, không có sức ép về chuyển nợ xấu đối với trái phiếu của doanh nghiệp này dù thừa nhận hoạt động kinh doanh của Novaland thời gian qua gặp khó khăn.
"Novaland là một trong số 44 dự án mà VPBank tài trợ, nhưng dư nợ cho vay và trái phiếu Novaland tại VPBank không nhiều, chiếm dưới 1% tổng dư nợ ngân hàng và có tài sản đảm bảo. Song dòng tiền cho vay khách hàng cá nhân mua dự án của doanh nghiệp này vẫn đáp ứng nghĩa vụ trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, việc cấu trúc lại nợ cho Novaland là yêu cầu cấp thiết. VPBank cũng đang phối hợp với các bên liên quan để tìm ra giải pháp, có thể là chuyển nhượng dự án, đóng dần một số khoản nợ với doanh nghiệp này", ông Vinh cho hay.
Tương tự tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB, mã chứng khoán: SHB), Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Quang Hiển khẳng định tất cả các trái phiếu doanh nghiệp mà SHB nắm giữ đều có tài sản đảm bảo và hồ sơ pháp lý đầy đủ.
Theo lãnh đạo SHB, tính đến cuối năm 2022, ngân hàng đang nắm giữ 19.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, chiếm 60% lượng chứng khoán nắm giữ đến ngày đáo hạn; 1.120 tỷ đồng trái phiếu của một số tổ chức tín dụng, chiếm 3,5% và hơn 13.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Trong số hơn 13.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, có 60% là trái phiếu thuộc mảng năng lượng tái tạo có kỳ hạn 3 - 5 năm; 40% còn lại là trái phiếu bất động sản liên quan đến một số dự án đầu tư khu công nghiệp và nhà ở. Các dự án đều có thanh khoản tốt. Hiện các doanh nghiệp phát hành đang thanh toán gốc và lãi đầy đủ cho các trái chủ; trong đó có SHB.
Lo lắng của cổ đông không phải không có cơ sở khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản thời gian qua có nhiều dấu hiệu kém tích cực. Trong khi đó, số liệu của Ngân hàng nhà nước cho thấy tín dụng lĩnh vực bất động sản đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24,27% so với cuối năm 2021. Đây là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế (cao nhất trong 5 năm qua).
Qua những động thái và ý kiến của lãnh đạo một số ngân hàng có thể thấy cơ cấu cho vay đã có dự chuyển dịch, tập trung vào cho vay sản xuất kinh doanh, bán lẻ nhiều hơn, giảm dần tỷ trọng cho vay bất động sản; đồng thời, thận trọng hơn trong đầu tư trái phiếu.
Dù vậy, vấn đề này dự báo sẽ tiếp tục “nóng” tại các Đại hội cổ đông ngân hàng sắp tới, nhất là với một số ngân hàng có tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và cho vay bất động sản cao.