Theo Tổng giám đốc VPBank ông Nguyễn Đức Vinh, trái phiếu doanh nghiệp thời kỳ vừa qua trải qua đợt khủng hoảng bởi nhiều nguyên nhân, Thứ nhất là chất lượng TPDN trong thời gian dài không được quản lý chặt chẽ dẫn đến chất lượng xấu. Sau đó khi các cơ quan quản lý xử lý trái phiếu của Tân Hoàng Minh, An Đông… dẫn đến suy giảm lòng tin của nhà đầu tư (NĐT).
"Nhiều bài phân tích của NĐT và báo chí có nhận định khủng hoảng còn tiếp diễn trong năm nay và năm sau khi mà trái phiếu đến hạn. Tôi hoàn toàn chia sẻ và cho rằng TPDN chỉ có thể được xử lý đồng thời với các giải pháp của Chính phủ liên quan đến thị trường BĐS", ông Vinh chia sẻ tại đại hội.
VPBank là ngân hàng đầu tư nhiều TPDN với tổng giá trị TPDN đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng, nhưng so với thời điểm cuối năm 2022 đã giảm tới 5.000 tỷ đồng và dự kiến tiếp tục giảm từ nay đến hết tháng 6 xuống còn trên dưới 20.000 tỷ.
Trong đó, cơ cấu TPDN gồm gần 60% là trái phiếu BĐS. Trong giai đoạn 2020 – 2022, Chứng khoán VPBank và một số công ty chứng khoán tư vấn phát hành và VPBank tham gia đầu tư một phần các trái phiếu này, hỗ trợ vốn cho hơn 40 dự án BĐS.
Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh: "Khẳng định với quý vị là VPBank đang tham gia vào hơn 40 nhà đầu tư BĐS từ nhỏ đến lớn nhưng không một nhà đầu tư nào chiếm quá 1% trên tổng dư nợ của VPBank. Những dư nợ trái phiếu của chúng tôi năm nay đến hạn sẽ có một số phương án, các khách hàng hoặc trả nợ hoặc bán dự án. VPBank có mục tiêu từ nay đến cuối năm 2023 sẽ giảm 50% trái phiếu."
Ngoài ra hơn 40% TPDN còn lại là trái phiếu của nhiều doanh nghiệp tốt như Masan, Becamex… những doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, cơ khí, doanh nghiệp làm hạ tầng, công nghiệp.
100% trái phiếu VPBank đầu tư có tài sản đảm bảo, và là bên đồng thời quản lý tài sản đảm bảo đó, nên chúng tôi có đủ điều kiện xử lý nếu trái phiếu đó nảy sinh các vấn đề và đến thời hạn trả nợ mà không trả được, tuy nhiên đây là vấn đề không ai mong muốn.
Hiện các quy định của Chính phủ và NHNN cũng cho phép giãn thời hạn trả nợ, nhưng việc giãn thời hạn phía Vpbank cho biết sẽ hết sức cân nhắc, chỉ thực sự giãn nợ trong trường hợp khách hàng quá khó khăn.
Trong nhóm các TPDN có Novaland, đây là một trong 44 nhà phát triển BĐS mà VPBank tài trợ và là một tập đoàn lớn bên cạnh các nhà phát triển khác như Sun Group, Vingroup, Đất Xanh…
"Đúng là dư nợ của Novaland hiện nay tại một số dự án đang gặp khó khăn, một số nhóm trái phiếu trong thời kỳ khủng hoảng vừa qua mà công ty “fail” trong việc trả nợ. Cả dư nợ và trái phiếu của Novaland tại VPBank hiện nay không nhiều, dưới 1% tổng dư nợ của chúng tôi và tất cả có tài sản đảm bảo", Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho hay.
Lãnh đạo VPbank cho biết ngân hàng hiện quản lý tất cả dòng tiền của Novaland trong quá trình cho vay, kể cả các khách hàng cá nhân mua dự án của Novaland thì các dòng tiền đều vẫn đáp ứng yêu cầu chi trả liên quan đến hoạt động của Novaland.
Do đó, đối với khách hàng Novaland, từ nay đến cuối năm, VPBank không có sức ép về vấn đề chuyển nợ xấu.
Ông Vĩnh cũng chia sẻ: "Tất nhiên việc cấu trúc lại nợ cho Novaland cũng đang là vấn đề cấp thiết, VPBank đang kết hợp cùng các cơ quan tìm giải pháp cho phép Novaland cũng như các nhà phát triển BĐS khác có lối ra thông qua việc chuyển nhượng các dự án, các tài sản để có thể giảm dần các khoản nợ đang quá hạn hiện nay."
Ngoài TPDN thì VPBank hiện đang sở hữu hơn 30.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, đảm bảo yêu cầu thanh khoản theo yêu cầu của NHNN. Trong năm ngoái thì VPBank tối thiểu việc sở hữu TPCP bởi lãi suất thấp, nhưng từ đầu năm nay đã tăng dần sở hữu TPCP, tăng thanh khoản cho ngân hàng.