Từng giữ vị trí giám đốc Misfit, Facebook Việt Nam và hiện là CEO Go-Viet nhưng bà Lê Diệp Kiều Trang cho rằng không có nhiều điều để nói về bản thân.
Trong một giờ trò chuyện cùng Zing.vn, bà Trang chỉ say sưa chia sẻ những câu chuyện liên quan khởi nghiệp (startup), chủ đề nữ CEO 8X đam mê và có thể "nói chuyện hết ngày".
- Góc nhìn của bà thế nào với quan điểm startup là cuộc chơi “đốt tiền” và ai có túi tiền dày hơn sẽ là người thắng?
- Nhà đầu tư lớn không nghĩ theo hướng startup là đốt tiền. Với họ, đó là đầu tư. Khi nhìn vào Amazon hay Facebook, giai đoạn đầu tư ban đầu họ phải đổ vào đó bao nhiêu tiền và bây giờ không ai gọi khoảng thời gian đó là đốt tiền cả. Tôi nghĩ vấn đề đầu tư cần được nhìn nhận thấu đáo trong một khoảng thời gian dài.
Hơn nữa, có những ngành công nghệ gần gũi với cuộc sống của chúng ta nên thường xuyên được bàn tán. Nếu nhìn sang những ngành công nghệ ít xuất hiện trên truyền thông hơn như công nghệ gene, vật liệu mới, năng lượng tái tạo, lượng tiền đổ vào đầu tư thời gian đầu còn lớn hơn rất nhiều. Nhưng họ vẫn làm vì tin tưởng đó là khoản đầu tư đáng giá, sẽ giúp giảm nhiều chi phí, nâng cao giá trị cuộc sống, tạo ra nhiều giá trị kinh tế trong tương lai.
Cuộc chơi công nghệ không phải của những người chỉ có tiền. Đây là cuộc chơi của những người sáng tạo, có thể tạo ra những thay đổi đột phá. Tiền xuất phát từ thị trường tài chính. Ai sáng tạo, làm tốt, làm giỏi, tạo ra cái hay, dòng tiền ở bất kì đâu cũng sẽ tìm đến họ. Thị trường tài chính rất phẳng, startup ở đâu, nhà đầu tư đều tìm đến được.
Nếu nhìn vào nhiều startup lớn như chính Gojek, tiền đầu tư đâu chỉ đến từ Indonesia. Sau Gojek là Google, Tencent, Visa, Temasek. Công nghệ là một cuộc chơi bình đẳng, tích cực, khuyến khích sự sáng tạo có thể thay đổi cuộc sống, không phải là cuộc chơi cá lớn nuốt cá bé.
- Nhưng vẫn có trường hợp ngoại lệ?
- Startup sáng tạo được, tiền sẽ tìm tới. Có người nói "tôi cũng giỏi nhưng tiền không đổ về tôi", tôi nghĩ cũng có phần đúng. Có thể người đó mới chỉ giỏi thuần về công nghệ, chưa phải là một người làm kinh doanh.
Một sản phẩm tốt chưa đủ hình thành một mô hình kinh doanh, thay đổi được cuộc sống. Trong trường hợp này, họ có thể phát triển đội ngũ của mình trước.
- Bà nói cuộc chơi startup không phải cá lớn nuốt cá bé theo kiểu túi tiền ai dày hơn. Tuy nhiên, trong thị trường có hiện tượng cá lớn nuốt cá bé theo hình thức các startup tiềm năng đều bị doanh nghiệp lớn thâu tóm?
- Nếu nghĩ như vậy, chúng tôi đã không bán Misfit cho Fossil. Khi bán Misfit, tôi nghĩ nguồn lực của Fossil sẽ đưa Misfit đi xa hơn. Mỗi người sẽ giỏi một số lĩnh vực nhất định, không thể nào giỏi hết mọi thứ. Chúng ta chỉ giỏi trong một phạm vi, người khác giỏi hơn ở góc độ khác, vậy thì bán cho họ để đứa con của mình được nâng lên một tầm cao mới.
Việc này cho phép chúng ta tự do tập trung vào thứ mình giỏi nhất, không bó buộc bản thân trong con đường phải đưa công ty lên quy mô quá lớn. Chúng ta có thể bắt đầu lại với những thứ mới mẻ khác.
Với tôi, đây là cơ hội cho hợp tác và phát triển, không phải chuyện cá lớn nuốt cá bé. Quan trọng vẫn phải học hỏi và phát triển chứ không phải bán công ty rồi không làm gì cả.
- Nhưng hình như người Việt vẫn mong muốn có những startup thành công riêng của Việt Nam, do chính người Việt đầu tư, làm chủ?
- Tôi nghĩ vấn đề đặt ra không nên giới hạn ở chỗ nhà đầu tư có phải là người Việt hay không. Mọi người sẽ đánh giá một doanh nghiệp dựa trên việc họ đem đến lợi ích gì cho người Việt, sản phẩm của họ giúp thay đổi cuộc sống ra sao. Mọi người quan tâm hơn đến những giá trị doanh nghiệp đó mang lại, đóng góp của họ với nền kinh tế và đời sống.
Điều này do đó nên là kim chỉ nam cho bất kì doanh nghiệp nào hoạt động tại Việt Nam. Người Việt Nam rất công bằng. Tự hào dân tộc của chúng ta rất cởi mở. Còn chuyện người Việt ưu ái người Việt là một lẽ rất tự nhiên.
- Theo bà, đâu là sự khác biệt khi làm việc cho một tập đoàn lớn và một startup?
- Làm việc ở tập đoàn lớn sẽ có nhiều cơ hội được đào tạo sâu, bài bản về chuyên môn, có cấu trúc công việc rõ ràng. Tham gia startup lại phụ thuộc giai đoạn phát triển công ty. Nếu vào từ sớm, bạn có thể làm rất nhiều việc, từ bán hàng, marketing đến nhân sự. Công ty phát triển nhanh, sẽ càng có nhiều việc để làm nhưng nếu doanh nghiệp đứng yên tại chỗ, bạn lại có nguy cơ trở thành người làm hành chính tổng hợp.
Nhưng với startup lớn của nước ngoài đến Việt Nam, giai đoạn đi chậm rất ngắn vì nguồn vốn của họ đã đủ mạnh. Các công ty này cũng có cấu trúc phòng ban rõ ràng, nhân sự có kinh nghiệm chuyên môn giống tập đoàn lớn.
Khi làm việc ở startup lớn, bạn sẽ làm việc sâu sát với nhóm khu vực, học hỏi từ các thị trường nước ngoài và tận dụng thế mạnh từ các thị trường này.
Ở các tập đoàn lớn, quy trình rất rõ ràng. Bạn có thể làm những việc người khác đã làm vẫn đạt kết quả tăng trưởng ổn định 5-10%. Nhưng ở startup, nếu không thử nghiệm cái mới, không thể nào đạt mức tăng trưởng gấp vài lần sau một năm như kì vọng.
Cơ hội học hỏi qua công việc thực tế rất nhiều. Bạn có quyền đưa ra ý tưởng và thực hiện nó, nhưng phải chịu trách nhiệm, và áp lực về hiệu quả công việc rất lớn.
Lộ trình phát triển nghề nghiệp ở tập đoàn lớn cũng rõ ràng như sau 3 năm, bạn sẽ thăng tiến lên vị trí nào đó. Startup không như vậy nhưng phát triển rất nhiều dịch vụ, sản phẩm mới và cần người đứng đầu mảng đó. Trên thị trường, các vị trí này không dễ tìm vì đó là những thứ hoàn toàn mới ở Việt Nam.
Tại công ty startup, ai là người thích nghi với thay đổi nhanh nhất, ai có bản lĩnh xây dựng sản phẩm mới, chấp nhận thử thách và chịu trách nhiệm sẽ là người được chọn.
- Nhưng startup phát triển đến một lúc nào đó cũng sẽ giống như các tập đoàn lớn với cấu trúc, quy trình chặt chẽ?
- Với tôi, một startup thành công khi lớn mạnh sẽ trở thành một startup khổng lồ, không phải một tập đoàn truyền thống. ADN của startup là công nghệ, cách tăng trưởng của họ khác với những tập đoàn sản xuất, hàng tiêu dùng nhanh. Một công ty sản xuất máy tính không thể có tốc độ ra mắt sản phẩm mới nhanh như một công ty phần mềm.
Công ty công nghệ thường phân chia theo từng nhóm sản phẩm và tận dụng nguồn lực chung của công ty. Người kỹ sư có trách nhiệm với chính sản phẩm của họ. Họ sẽ chủ động, tận dụng nguồn lực của các nhóm khác nhưng hoàn toàn độc lập. Nếu sản phẩm thất bại, nhân sự phụ trách sản phẩm đó sẽ được điều sang nhóm khác. Việc phân mảnh giúp công ty phát triển rất nhanh về quy mô nhưng không giết chết sự sáng tạo.
Sự sống của công ty công nghệ là sáng tạo. Nếu cấu trúc cứng nhắc theo ban bệ, sự sáng tạo sẽ chết. Nhưng tùy từng công ty, vẫn có startup chọn con đường phát triển giống các tập đoàn truyền thống.
- Ngay trong thị trường gọi xe, Uber từng đột ngột tháo chạy khỏi Đông Nam Á dù là một công ty rất lớn. Làm việc ở startup, nhân sự phải chịu những rủi ro bất ngờ?
- Bản thân tôi khi bắt đầu làm việc ở Misfit, cũng là startup công nghệ, từng lo lắng nếu thất bại, cả gia đình sẽ cùng ra đường. Nhưng đến một thời điểm đủ hiểu biết và kinh nghiệm, tôi tự tin nếu thất bại với Misfit, vẫn sẽ có nhiều startup cần một người như tôi. Trên thị trường lao động, tôi sẽ là một người làm thuê khá hiếm với những năng lực đặc biệt, chỉ có thể xây dựng được trong môi trường startup.
Khi đó tôi lại thấy chưa chắc làm ở tập đoàn lớn đã an toàn hơn làm startup. Có thể tập đoàn không bao giờ đóng cửa nhưng sẽ có lúc công việc hoặc cơ cấu công ty có sự thay đổi, khi đó rủi ro còn lớn hơn.
Con đường startup muôn hình vạn trạng, quan trọng ở khả năng tự xây dựng năng lực và chấp nhận thử thách. Thị trường nhân sự cho startup khá hiếm và có nhu cầu rất cao với những người có năng lực độc đáo, cầu thị và chịu khó học hỏi. Đây mới là những người ít gặp rủi ro vì rất nhiều tổ chức cần họ. Những người có năng lực học hỏi và chịu thay đổi không phải ở đâu cũng có. Đừng nghĩ startup rủi ro hơn, quan trọng là bạn chịu học hỏi hay không.
- Nhưng cũng có rất nhiều công ty startup thất bại rất nhanh và không phải đâu cũng là môi trường đáng học hỏi?
- Thế giới startup rất thượng vàng hạ cám. Bạn nên chọn mặt gửi vàng ở nơi có thể học hỏi được, dù là một công ty nhỏ. Giai đoạn Misfit mới bắt đầu chỉ có 20-30 nhân sự, những người đó học hỏi và trưởng thành rất nhiều.
Một khi đã làm việc ở startup, mục tiêu quan trọng nhất là làm giàu năng lực. Đó là khoản đầu tư hiệu quả nhất. Nếu vào một công ty bạn không tự phát triển được, đứng yên sẽ là thụt lùi.
Kim chỉ nam khi làm việc cho startup là học hỏi và phát triển, những thứ còn lại sẽ tự nhiên tới. Và nếu chúng không tới, bạn cũng sẽ rất trưởng thành.
Bà Lê Diệp Kiều Trang Lê sinh năm 1980, theo học tại đại học Oxford và có bằng MBA của Học viện Công nghệ Massachusetts. Bà làm việc tại tập đoàn McKinsey trước khi khởi nghiệp cùng chồng, ông Vũ Xuân Sơn, với startup thiết bị đeo thông minh Misfit.
Misfit đã được nhiều nhà đầu tư tiếng tăm rót vốn, trong đó có John Sculley, cựu CEO của Apple và tỷ phú giàu nhất Hong Kong Lý Gia Thành. Năm 2015, Misfit được tập đoàn Fossil mua lại.
Bà Trang sau đó giữ vị trí Phó chủ tịch Vận hành kiêm Tổng giám đốc Fossil Việt Nam. Tháng 3/2018, bà đảm nhận vai trò Giám đốc Facebook Việt Nam trong gần một năm trước khi được bổ nhiệm làm CEO Go-Viet từ tháng 4 năm nay.