Là người sáng lập và đưa Huawei Technologies trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, Nhậm Chính Phi đã phải đánh đổi tình cảm gia đình và đời sống tinh thần giữa tuổi tứ tuần. Giờ đây nhìn lại, ông nhận mình là một thủ lĩnh bù nhìn ở Huawei và cho biết sẵn sàng nghỉ hưu.
Đó là một mong muốn đơn giản, nhưng lại là điều dường như nằm ngoài tầm với của Giám đốc điều hành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Huawei đang bị cuốn vào trung tâm của một cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung dữ dội.
Một loạt các cuộc tấn công của Mỹ chống lại Huawei trong năm qua, đã buộc ông Phi từ thế "buông rèm nhiếp chính" phải đích thân xuất hiện trước truyền thông. Trước khi cô con gái Mạnh Vãn Chu bị bắt, ông Phi chưa bao giờ trả lời phỏng vấn trên truyền hình, và hiếm khi nói chuyện với các nhà báo. Nhiều nhân viên của Huawei cho biết họ chưa bao giờ gặp trực tiếp Giám đốc điều hành.
Nhưng ảnh hưởng cao chót vót của ông trong Huawei là quá rõ ràng, nhất là trên diễn đàn trực tuyến nội bộ của công ty, Cộng đồng Hâm Thành. Ở đó, các bài đăng về ông luôn được đặt ở phía trước và trung tâm.
Người sáng lập có tiếng là một người nói thẳng. Một nhân viên lâu năm giấu tên, nhớ lại cách ông Phi công khai mắng anh ta tại một cuộc triển lãm, sau khi anh không trả lời thỏa đáng các câu hỏi của người sáng lập, về các sản phẩm và quan hệ đối tác.
Tại các cuộc phỏng vấn, Nhậm Chính Phi cũng nói những gì ông nghĩ một cách thoải mái. Nhân viên cũng không dám ngăn cản ông, ngay cả khi công ty cảm thấy một số câu trả lời của ông không phải là câu trả lời hay nhất từ góc độ quan hệ công chúng, và thậm chí có thể có một số tác động bất lợi.
Một nhân viên lấy ví dụ: Khi trả lời báo chí, ông Phi có xu hướng sử dụng thuật ngữ quân sự. Điều này không giúp ích gì cho cuộc phỏng vấn mà còn đem lại nghi hoặc, rằng cựu quân nhân này vẫn liên kết chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc.
"Ông Phi là nhà lãnh đạo quả đoán, lãnh đạo tinh thần của Huawei", một nhân viên đã làm việc tại công ty hơn 10 năm, nhận định.
Đó là một lời nhận xét mà ông Phi không đồng ý. "Tôi không phải là nhà lãnh đạo tinh thần của Huawei. Tôi là một thủ lĩnh bù nhìn", ông khẳng định. CEO Huawei giải thích rằng công ty được lãnh đạo bởi ba chủ tịch luân phiên.
"Tôi chỉ đóng một vai trò tượng trưng, giống như một thần tượng đất sét trong một ngôi đền. Nếu không có nó, ngôi đền sẽ trông trống rỗng. Nhưng thật ra, thần tượng không thực sự làm gì cả. Dù tôi có ở Huawei cũng không có tác động thực sự", ông nói thêm.
Để đảm bảo rằng công ty không bị sa lầy bởi các quyết định trong quá khứ, Huawei đã giới thiệu "các điều khoản hoàng hôn", cho các hồ sơ của công ty. Ông Phi cho biết mình đã lấy cảm hứng từ quy định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rằng đối với mọi quy định được thêm vào, ít nhất có hai quy định phải được bãi bỏ .
Theo các điều khoản này, các quy định của công ty phải "nghỉ hưu" 5 năm sau khi chúng được tạo ra, vì như thế chúng sẽ không kéo công ty xuống bờ vực cổ hủ.
Ông Phi khẳng định những đóng góp của bản thân cho công ty chủ yếu liên quan đến nghiên cứu khoa học và sản xuất liên tục.
Giải thích lí do tại sao ông không bao giờ đưa ra nhiều cuộc phỏng vấn để quảng bá cho Huawei trong quá khứ, ông nói: "Sinh tồn không chỉ là nói bằng miệng. Nó liên quan đến rất nhiều vấn đề. Vì vậy, tôi dành thời gian chú ý rất nhiều đến các vấn đề nội bộ. Những đóng góp lớn của tôi là giúp duy trì sức mạnh của công ty trong thời gian khó khăn".
Lớn lên tại thị trấn miền núi thuộc một trong những tỉnh nghèo nhất của Trung Quốc - Quý Châu, Nhậm Chính Phi là con trai của một giáo viên, ông đã sống sót sau nạn đói lịch sử của Trung Quốc trong khoảng thời gian từ năm 1958 đến năm 1961, và sau đó gia nhập Quân đội Giải phóng Nhân dân vào năm 1974 trong Cách mạng Văn hóa Trung Quốc.
Ông gọi đây là "lựa chọn tốt nhất" trong thời kì khó khăn, khi hàng triệu người người Trung Quốc sống với biến loạn chính trị và xã hội kéo dài.
Kinh nghiệm trong quân đội đã mang lại cho ông ý thức về nghĩa vụ sẽ tiếp tục củng cố nền văn hóa của Huawei. Ý thức trách nhiệm này là lí do tại sao các kĩ sư của Huawei đã vội vã giúp đỡ các nỗ lực cứu hộ ở Tứ Xuyên trong trận động đất ở Vấn Xuyên năm 2008, và tại Nhật Bản trong trận động đất Tohoku năm 2011, cùng và vụ rò rỉ hạt nhân Fukushima. Gần đây, họ cũng giúp triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông 5G cho các bệnh viện điều trị Covid-19 Hoả Thần Sơn và Lôi Thần Sơn ở thủ phủ Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc.
"Là một công ty truyền thông, chúng tôi có trách nhiệm tham gia giải cứu khẩn cấp trên toàn thế giới. Đây là nhiệm vụ của chúng tôi. Khi có trường hợp khẩn cấp, chúng tôi không phải là một công ty, mà là một lính cứu hỏa, có mục tiêu đầu tiên là giải quyết vấn đề cấp bách. Đôi khi chúng tôi được trả tiền, đôi khi chúng tôi lại không. Nhưng điều đó không thực sự quan trọng", ông giải thích.
Điền Đào, một cố vấn của Hội đồng tư vấn quốc tế Huawei, cho biết ông đã làm bạn với ông Phi trong hơn 20 năm. Ông Đào mô tả nhà sáng lập là một người mơ mộng giống như Đôn Kihôtê, người cố gắng làm những điều không thể.
Vào thời điểm Nhậm Chính Phi thành lập Huawei, ông đang ở chung một căn phòng nhỏ rộng khoảng 10m2 với bố mẹ và cháu trai. Không gian bị hạn chế đến mức họ phải nấu ăn trên ban công.
Thiếu vốn chủ sở hữu và không được tiếp cận với các khoản vay từ các ngân hàng quốc doanh, công ty thậm chí không thể trả tiền lương cho nhân viên của mình. Thay vào đó, nhân viên đã được trả bằng cổ phiếu và những lời hứa về cổ tức, mở đường cho cơ cấu cổ phần nhân viên độc đáo của Huawei ngày nay.
"Tuy nhiên, ngay cả dưới những khó khăn cực độ này, khi công ty chưa đầy 5 tuổi, ông Phi nói với nhân viên rằng đây sẽ là một trong ba người chơi quan trọng nhất trong ngành viễn thông toàn cầu trong 20 năm qua", ông Đào kể lại.
Tham vọng này cuối cùng đã trở thành hiện thực, mặc dù ông Phi phải đánh đổi rất nhiều.
Trong những năm đầu của Huawei, Điền Đào cho biết công ty đã phải vật lộn để sinh tồn, và ông Phi mắc chứng trầm cảm nặng nề, chịu áp lực rất lớn, thường khóc khi nói chuyện với ông Đào.
Từ năm 44 đến 73 tuổi, Nhậm Chính Phi đã giữ điện thoại di động của mình bật gần 24 giờ mỗi ngày. Ông đã dành hơn 1/3 năm ngồi máy bay và những chuyến đi vòng quanh thế giới. Do lịch trình bận rộn của mình, ông Đào cho biết nhà lãnh đạo không có nhiều bạn bè.
"Tôi đã biết anh ấy 20 năm, và tôi không nghĩ anh ấy có bạn bè trong ngành, chính phủ hay giới truyền thông", vị này kể.
Nỗi ám ảnh về công việc của ông Phi cũng khiến ông phải trả giá cho mối quan hệ thân thiết với gia đình. Chính CEO Huawei từng nói đây là một trong những điều hối tiếc lớn nhất của ông.
Để xây dựng Huawei thành một người khổng lồ viễn thông toàn cầu, ông không dành nhiều thời gian ở nhà.
"Những đứa trẻ của tôi giờ đã trưởng thành. Tôi đã không ở bên chúng khi chúng muốn chơi các trò chơi như trốn tìm, hoặc khi muốn tôi đọc truyện cho chúng. Vì vậy, thật bình thường khi chúng tôi không thân nhau lắm", ông nói.
"Những điều tương tự cũng xảy ra với vợ tôi và tôi. Có thể hiểu rằng chúng tôi không thân thiết như vậy. Vì tôi không dành nhiều thời gian với cô ấy. Đây cũng là một điều đáng tiếc", ông từng tâm sự với Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng trong một cuộc phỏng vấn.
Khi được hỏi về lần cuối cùng anh nói chuyện với cô con gái Mạnh Vãn Chu là khi nào, ông nói là vào dịp Tết Nguyên đán năm ngoái.
"Chúng tôi một người nói chuyện thì một người trả lời", ông kể.
Khi được hỏi ông có nhớ con gái không, ông rưng rưng: "Tất nhiên tôi nhớ con lắm! Chúng tôi là gia đình. Nhưng nhớ con bé không thể giúp được gì. Vẫn còn một quy trình pháp lí mà chúng tôi phải thực hiện, từng bước một".
Trái ngược với câu trả lời dường như vô cảm của ông Phi đối với các câu hỏi về gia đình, Điền Đào cho biết người sáng lập Huawei cực kì ân cần với mọi người xung quanh khi làm việc. Chẳng hạn, khi biết rằng những người từ tỉnh Thiểm Tây của Trung Quốc, quê ông Đào, thích ăn mì, ông Phi đã tự tay nấu cho ông ta một bát.
"Anh ấy chú ý đến những chi tiết như thế này, và không chỉ cho tôi, cho nhiều người khác. Khi chúng tôi ngồi xuống cùng nhau, anh ấy sẽ chạy xung quanh, mang cho bạn một đĩa trái cây hoặc một số đồ giải khát. Anh ấy rất quan tâm đến nhu cầu của bạn và quan tâm đến người khác", ông Đào nói thêm.
Sự chú ý đến chi tiết này cũng được thể hiện rõ trong câu trả lời của ông Phi khi được Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng hỏi về cách Huawei đã ứng phó với sự bùng phát của Covid-19. Theo ông, hộp đồ ăn nhẹ cho tài xế xe tải là một trong những biện pháp chính.
"Ngày nay, không dễ để tài xế xe tải vận chuyển hàng hóa của Huawei có được thực phẩm trên tuyến đường đi của họ. Vì vậy, chúng tôi chuẩn bị hộp đồ ăn nhẹ cho họ. Có những gì trong hộp này? Một li cà phê nóng hoặc trà, sữa chua, bánh mì, và khẩu trang. Chúng tôi cũng đã dựng lều ở những nơi họ dỡ hàng hóa. Họ có thể ăn ở đó. Bằng cách này, những tài xế này sẽ có thêm nhiều sáng kiến vận chuyển hàng hóa cho chúng tôi", ông trả lời.
Về nhược điểm, ông Đào cho biết Nhậm Chính Phi thiếu kiên nhẫn và dễ mất bình tĩnh. Cuộc sống của ông Phi cũng rất nhàm chán và đơn điệu, khi ông có ít sở thích ngoài việc đọc sách. Ông đọc ngấu nghiến, nhanh chóng và thích rút ra ý tưởng từ nhiều nguồn khác nhau và kết nối chúng lại với Huawei.
Ông Phi từng đọc các bài báo của Bộ Quốc phòng Mỹ về rủi ro và cơ hội trong 5G cũng như lệnh triển khai quân đội của người đứng đầu James Mattis.
"Họ biết làm thế nào để khởi động một chiến dịch hiệu quả chống lại chúng tôi. Dựa trên cái nhìn sâu sắc của họ, chúng tôi có thể học cách cải thiện bản thân hơn nữa", ông Phi chia sẻ.
Tuy nhiên, gần đây, người sáng lập Huawei đã cắt giảm việc đọc để bảo vệ đôi mắt của mình, thay vào đó, chọn những sở thích mới như xem video trên Đẩu Âm, TikTok phiên bản Trung Quốc đại lục, cũng như phim điện ảnh và phim truyền hình.
"Đây là một bí mật. Người đàn ông 75 tuổi nhưng ông xem tất cả các chương trình nổi tiếng mà những người trẻ sinh ra sau thập niên 90 đang xem, như An Gia Thiên Hạ hay Nửa Đời Trước Của Tôi", ông Đào kể.
Có lẽ đó là một dấu hiệu khác cho thấy, sau nhiều thập niên chỉ tập trung vào Huawei, ông Phi đã buông tay và chuẩn bị cho một tương lai cho công ty mà không có ông. "Sẽ có một ngày tôi sẽ nghỉ hưu. Mọi người cuối cùng cũng đi qua việc này. Không ai sống mãi mãi", ông khẳng định.
Nhậm Chính Phi cho biết, ông đã không thể tận hưởng vẻ đẹp của Thâm Quyến, nơi đặt trụ sở của Huawei, bởi vì mọi người nhận ra ông và đăng ảnh ông bất cứ nơi nào ông đi.
Nhưng đợt bùng phát Covid-19 gần đây đã cho ông Phi cơ hội đến thăm nhiều công viên, quán cà phê và trung tâm mua sắm trống trong thành phố, vì có rất ít người ở xung quanh.
"Sẽ thật tuyệt vời nếu không ai chú ý đến tôi trong quán cà phê khi tôi già, đội mũ, cậm gậy trên tay và nếp nhăn trên mặt. Tôi muốn nhìn thấy, bằng chính đôi mắt của mình, sự huy hoàng của đất nước tôi", ông chia sẻ.