CEO Viettel: “Nhiều khi cơ hội đến nhờ chúng ta quá nghèo, không biết gì...”

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – TGĐ Tập đoàn Viettel cho rằng chính việc nghèo hơn, không biết gì chính là cơ hội để Việt Nam có thể làm được điều thần kỳ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – TGĐ Tập đoàn Viettel cho rằng chính việc nghèo hơn, không biết gì chính là cơ hội để Việt Nam có thể làm được điều thần kỳ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hội trường Diễn đàn “Cách mạng công nghiệp 4.0: Được và Mất” chiều ngày 7/4 đã có một tràng pháo tay giòn giã sau câu hỏi “Việt Nam có bắt kịp cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không?”.

Đây được đánh giá là tiếng vỗ tay của nỗi buồn. Bởi lẽ, nó là kết quả của việc 67% người trong khán phòng cho rằng Việt Nam không bắt kịp được cách mạng công nghiệp, và chỉ có 33% lạc quan cho rằng có thể bắt kịp được mà thôi.

“Nói Việt Nam có thể đi tắt đón đầu cuộc cách mạng này là lạc quan tếu”, bà Nguyễn Thanh Huyền, TGĐ Công ty May 10 cho biết.

CEO Viettel Nguyễn Mạnh Hùng

Tuy nhiên, ngược hẳn với suy nghĩ của hầu hết diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng , CEO của Tập đoàn Viettel lại cho rằng với những suy nghĩ như thế là đi ngược lại với tinh thần tiến lên cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

“Nếu chúng ta đặt câu hỏi có hay không, mà nghĩ là không thì coi như diễn đàn này có thể kết thúc. Nếu nghĩ rằng 33% là kết quả buồn thì đấy không phải là tư duy cho cách mạng 4.0, 33% là tốt rồi!”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Cuộc cách mạng lần thứ 4, theo quan điểm của ông Hùng là việc từ cái A sinh ra một cái B – hoàn toàn mới, chứ không phải là việc cải tiến từ cái A có sẵn.

“Đấy là cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Nếu sinh ra B để thay thế A có sẵn thì việc doanh nghiệp có A sẽ tồn tại nhiều nguy cơ hơn một doanh nghiệp vốn chưa từng có A”, TGĐ Viettel nhận định.

Do đó, Việt Nam với nền tảng thấp, nghèo, hạn chế về công nghệ làm ngay một cái mới, chưa từng có là một điều rất thuận lợi.

“Nhiều khi cơ hội đến khi chúng ta quá nghèo, không biết gì. Thậm chí, làm ngược lại những gì chúng ta đang làm thì đấy có thể là 4.0 ngay”, ông Hùng nói.

Lấy ví dụ như việc mua máy điều hoà, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng người tiêu dùng chỉ muốn mua không khí lạnh cho 3 tháng, 9 tháng còn lại chiếc máy gần như vô dụng. Do đó, nếu có người bán bán được không khí lạnh thì hẳn đó là cuộc cách mạng.

“Đó có thể là uber của giới bán máy điều hoà”, ông cho hay.

Hay như Internet từng được xem là thành tựu lớn của nhân loại, nhưng hiện tại Internet đã không dùng được nữa. Bởi lẽ, với một câu hỏi được gõ vào thanh công cụ Google sẽ thu được hơn 10.000 câu trả lời mà đa số chúng chưa được kiểm chứng, thậm chí, Google đang đưa câu trả lời dựa trên quảng cáo, nên tính xác tín càng kém hơn.

“Nếu có một group có thể đưa ra 1 câu trả lời xác thực, làm ngược lại cái đang có, thì đấy là cái mới, cái đáp ứng cho cộng đồng”, ông Hùng cho hay.

Do đó, người đứng đầu của tập đoàn Viettel cho rằng đối với cuộc cách mạng lần thứ 4 này, chúng ta phải nghĩ khác đi, không nên đi vào lối mòn cũ.

“Chúng ta nên nghĩ cách mạng thứ 4 là cuộc cách mạng của việc phát hiện nhu cầu, như thế chúng ta sẽ có sức mạnh lớn. Nếu nghĩ là cuộc cách mạng cho người giàu thì chúng ta không có cơ hội đâu, nhưng nếu đây là cách mạng toàn dân, mọi người dân đều tham gia được thì đấy là lợi thế của Việt Nam”, CEO Viettel cho biết.

Ông cũng cho rằng mỗi một làn sóng cách mạng sẽ cho phép 4 -5 nước hoá rồng, do đó, nếu không đón đầu, đi trước thì chúng ta mãi mãi không đón nhận được, chúng ta chỉ có thể có giá trị khi làm những việc người khác chưa làm mà thôi.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.