CEO Viettel Post: MyGo sẽ không 'đốt tiền để chơi khô máu' như các hãng gọi xe công nghệ khác

CEO Viettel Post nhận định Việt Nam là thị trường cạnh tranh rất khốc liệt, các doanh nghiệp sẵn sàng “đốt tiền” để “khô máu” với nhau. Nhưng MyGo sẽ không chọn con đường đó, khi các chương trình khuyến mãi dừng lại, khách hàng sẽ trung thành với đơn vị nào cung cấp dịch vụ, đem lại trải nghiệm tốt nhất cho họ.

Ngày 1/7, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã chính thức ra mắt ứng dụng gọi xe MyGo.

Theo đó, MyGo là nền tảng công nghệ cung cấp dịch vụ kết nối giữa khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ di chuyển - giao hàng trên phạm vi toàn quốc.

Viettel Post (VTP) cho biết ngay sau khi ra mắt, MyGo sẽ được triển khai đồng loạt tại 63 tỉnh/thành trên cả nước.

CEO Viettel Post: MyGo sẽ không 'đốt tiền để chơi khô máu' như các hãng gọi xe công nghệ khác - Ảnh 1.

Ông Trần Trung Hưng - Tổng Giám đốc Viettel Post.

Động thái của một đơn vị bưu chính truyền thống chuyển mình và gia nhập vào thị trường cạnh tranh khốc liệt khiến nhiều người đặt câu hỏi: VTP có 'chiêu' gì để thành công trên sân nhà?

Để tìm hiểu về chiến lược của VTP trong mảng dịch vụ gọi xe công nghệ, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trung Hưng - Tổng Giám đốc Viettel Post.

- Cơ sở nào để Viettel Post tự tin tung ra ứng dụng MyGo giữa thị trường đầy sức ép với các ông lớn như Grab, Go-viet?

- MyGo thuộc hệ sinh thái VTP, chúng tôi đã ấp ủ từ cách đây ba năm, sản phẩm ra mắt sẽ giúp cho khách hàng của VTP có nhiều tiện ích, giảm thiểu chi phí.

Thị trường gọi xe rất nhiều tiềm năng, tuy nhiên chưa có doanh nghiệp nào thực sự thống trị. Các doanh nghiệp liên tục tìm cách phát triển khách hàng thông qua các chương trình khuyến mãi. Tuy nhiên, khi các chương trình khuyến mãi dừng lại, khách hàng sẽ chỉ trung thành với đơn vị nào cung cấp dịch vụ, đem lại trải nghiệm tốt nhất cho họ.

MyGo mang trong mình một sứ mệnh lớn hơn, không chỉ cung cấp dịch vụ giao hàng cho VTP, mà còn phục vụ cho các doanh nghiệp start up, SME tại Việt Nam. Bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), MyGo sẽ tối ưu hóa quãng đường đi để giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.

- Viettel Post đánh giá ra sao về tiềm năng của thị trường kinh tế chia sẻ ở Việt Nam?

- Hiện tại, các ứng dụng gọi xe công nghệ thường tập trung vào các thành phố lớn. Mygo cung cấp dịch vụ 63/63 tỉnh thành, như vậy còn rất nhiều dư địa để cho MyGo và các công ty cung cấp dịch vụ gọi xe & giao hàng phát triển.

Ở các thành phố lớn, thị trường vẫn tiếp tục tăng trưởng chứ không thực sự bão hòa như nhiều người vẫn nghĩ. Ngoài ra, ở các vùng nông thôn, tỉnh lân cận, nhu cầu về di chuyển - giao hàng vẫn còn rất lớn. Đây sẽ là cơ hội dành cho MyGo.

- Theo như công bố ngày đầu ra mắt, MyGo sẽ được triển khai đồng loạt trên 63 tỉnh/thành. Hiện, kế hoạch này đã được thực hiện chưa, thưa ông?

- Hiện MyGo đã đồng loạt triển khai dịch vụ xe máy và taxi tại 63/63 tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, với dịch vụ gọi xe ô tô cá nhân, MyGo đang thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để thí điểm tại 5 địa phương.

- Mới đây, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu Viettel Post phải gửi đề án thí điểm đến địa phương trong Quyết định 24 như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM. Viettel Post đã gửi đề án hay chưa, việc này có ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai của công ty?

- VTP hiện đã có được sự chấp thuận của Bộ GTVT để triển khai thí điểm dịch vụ gọi xe công nghệ. Đồng thời VTP đã gửi đề án đến tất cả các địa phương, và đang chờ sự chấp thuận từ các địa phương đó.

Hiện tại, Huế và Đà Nẵng là 2 địa phương đã chủ động liên hệ hợp tác với Mygo trong việc triển khai Mygo tại các địa phương này. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho MyGo, bởi nếu sự hợp tác thành công, MyGo sẽ góp phần cùng địa phương giải quyết bài toán về giao thông, đặc biệt tại các tỉnh thành phố du lịch của Việt Nam.

Việc phải đợi sự chấp thuận của các địa phương tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi luôn tuân thủ các quy định của pháp luật nên chúng tôi sẽ chờ đợi.

- Hiện, Grab đang chiếm thị phần 25% người dùng của cả nước, MyGo sẽ có tham vọng với tỉ lệ là bao nhiêu trên sân nhà?

- Hiện chưa có báo cáo chính xác về thị phần của từng đối thủ trong nước cũng như chưa có đơn vị nào thực sự dẫn đầu tại mảng này.

Trong năm nay, MyGo sẽ tập trung vào nâng cao trải nghiệm của khách hàng để đem lại chất lượng dịch vụ tốt nhất. Bắt đầu năm 2020, chúng tôi sẽ đặt ra những mục tiêu về thị phần.

- Uber đã từng phải rút lui trên thị trường việt, MyGo rút kinh nghiệm gì từ Uber và có “chiêu” gì để trụ vững trong thị trường ứng dụng dịch vụ gọi xe?

- Mặc dù đây là thị trường cạnh tranh rất khốc liệt, các doanh nghiệp sẵn sàng tung ra các chương trình giảm giá liên tiếp, “đốt tiền để khô máu” với nhau.

Nhưng MyGo sẽ không chọn con đường đó, khi các chương trình khuyến mãi dừng lại, khách hàng sẽ chỉ trung thành với đơn vị nào cung cấp dịch vụ, đem lại trải nghiệm tốt nhất cho họ.

Xin cảm ơn ông!

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.