Nơi xác chết nguyên vẹn cả trăm năm nhờ hun khói | |
Vẻ đẹp của bộ tộc 'hươu cao cổ' ở Myanmar |
Phụ nữ Awá đang tắm trong rừng. Ảnh: Washington Post |
Tháng 12/2014, một nhóm thợ săn phát hiện ba người là thành viên bộ lạc Awá, sinh sống tại rừng rậm Amazon, Brazil. Trong đó, Jakarewãja và Amakaria ngoài 40 tuổi, còn Wirohoa, con trai của Jakarewãja năm nay hơn 20 tuổi. Cả ba sống trong một túp lều làm bằng lá cọ và sống nhờ nguồn thức ăn săn bằng cung tên và hái lượm hoa quả. Tài sản hiện đại nhất họ có là một lưỡi dao, một cái rùi và một cái nồi thủng Wirohoa nhặt được khi còn bé.
Sau đó, họ được đưa đến định cư ở môi trường mới, làm quen với cuộc sống có điện, chăm sóc y tế để tránh mối nguy hiểm từ trong rừng và lâm tặc. Tuy nhiên, cả Jakarewãja và Amakaria mắc bệnh lao phổi nặng và phải đến chữa trị ở một thành phố gần đó. Cả ba người trở về sống ở làng Tiracambu, nơi Wirohoa tìm được bạn đời trước khi mẹ và bà Amakaria quay trở lại rừng.
Rosana Diniz, điều phối viên Hội đồng truyền giáo bản địa, cho biết khi còn sống ở nơi định cư mới, hai người phụ nữ bị cô lập và luôn phàn nàn về việc thường xuyên tiếp xúc với những vị khách lạ, chia sẻ đồ ăn, thuốc thang và nguồn sưởi với hai gia đình khác. Dù được dựng riêng một túp lều mới lợp bằng lá cọ, họ vẫn trốn về rừng hồi tháng 8.
Trả lời Washington Post, Rosana cho rằng việc Jakarewãja và Amakaria bỏ về rừng cho thấy họ không cần cuộc sống văn minh.
"Điều quan trọng với họ không phải là ti-vi, mà được về nhà, sống trong rừng, được săn bắn và sống giữa các con sông, muông thú”, Rosana nói.
Jakarewãja và Amakaria sau khi được đưa ra khỏi rừng năm 2015. Ảnh: Washington Post |
Bộ lạc Awá đang có nguy cơ biến mất khi chỉ còn 450 thành viên, sinh sống chủ yếu trong các ngôi làng thuộc ba khu bảo tồn phía đông nam rừng Amazon. Hiện vẫn còn một số thành viên khác, bao gồm nhóm ba người trên, sống cô lập trong rừng nhờ săn bắn và hái lượm. Chính quyền Brazil hiện lập danh sách 110 nhóm người sống biệt lập và cuộc sống đang bị đe doạ.
Rosana tin rằng cuộc sống của họ giờ đây còn khó khăn hơn gấp bội khi nạn cháy rừng đang phá huỷ khu bảo tồn và khiến nguồn cung ứng thức ăn thu hẹp, trong khi lâm tặc vẫn đang hoành hành.
"Dù rất khó khăn, Jakarewãja và Amakaria vẫn muốn sống trong rừng hơn là với cộng đồng văn minh", Sarah Shenker, một nhà vận động vì các bộ tộc bản địa trên toàn thế giới, cho biết.
Sarah từng gặp họ hồi tháng 4/2005, khi cả hai ốm yếu và sợ hãi. Sarah cho rằng rừng rất quan trọng đối với những người bản địa và "vấn đề hiện nay là làm thế nào để bảo vệ môi trường sống của họ".