Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), xuất khẩu chè tháng 6/2018 ước đạt 13.000 tấn với giá trị đạt 23 triệu USD.
Lũy kế xuất khẩu chè 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 58.000 tấn tương đương 94 triệu USD, giảm 8,7% về lượng và 3,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Trong nửa đầu năm nay, các thị trường xuất khẩu chính của chè Việt Nam tiếp tục là Pakistan chiếm 28,4%, Đài Loan chiếm 13,5%, Nga chiếm 13,3%, Trung Quốc chiếm 7,4%, Indonesia chiếm 5,4% và Mỹ chiếm 4,4%.
Điểm nhấn là sự khởi sắc tại một số thị trường trọng điểm như Đài Loan tăng mạnh nhất, tới 12,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Tiếp đó là Mỹ, Malaysia và Ả Rập Xêút. Giá chè xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Giải thích nguyên nhân giá xuất khẩu tăng, nhưng giá trị kim ngạch lại giảm, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản nhận định: "Thị trường chè thế giới đang bão hòa là một trong những nguyên nhân khiến lượng xuất khẩu chè của Việt Nam giảm trong những tháng đầu năm 2018.
Mặc dù vậy, giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam những tháng đầu năm 2018 lại có xu hướng tăng ở nhiều thị trường.
Điều này cho thấy, chè Việt Nam đang dần nâng cao được giá trị trên các thị trường quốc tế".
Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) về "Thực trạng ngành chè toàn cầu và dự báo trung hạn đến năm 2024", năm 2015 thị trường chè toàn cầu đạt giá trị 13,85 tỷ USD; năm 2017 đạt 15,21 tỷ USD.
Tính bình quân 3 năm qua, tăng trưởng thương mại chè đạt 4%/năm. Đến năm 2024, thị trường chè toàn cầu dự kiến đạt giá trị 21,33 tỷ USD. Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng nhanh sản lượng chè toàn cầu do sản xuất chè của nước này hiện chiếm 38% tổng sản lượng chè toàn cầu.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng chè đang giảm, khiến khối lượng chè giao dịch thương mại toàn cầu đã giảm xuống dưới mức 5 triệu tấn/năm.
"Thị trường chè châu Âu đã bão hòa và tiêu dùng chè trên đầu người giảm do sự cạnh tranh với các loại đồ uống khác, đặc biệt là nước đóng chai tăng", theo quan sát của FAO.
Chè có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng tiêu dùng quá nhiều chè có thể mang đến một số tác dụng phụ.
Theo nghiên cứu trên thế giới, uống nhiều nước chè xanh làm tăng rủi ro ung thư phổi, ung thư kết trực tràng và ung thư thực quản. Ngoài ra, chè có thể gây ra một số tác động như huyết áp cao, chứng mất ngủ kinh niên, lo lắng và đau dạ dày.
Nắm bắt nhu cầu tiêu dùng chè đang thay đổi, các quốc gia xuất khẩu chè lớn trên thế giới đã kịp thời chuyển hướng từ sản xuất những loại chè truyền thống sang các loại chè có pha trộn với thức uống khác để làm giảm tác dụng phụ của chè, hoặc sản xuất những loại chè cao cấp ít có tác dụng gây hại cho sức khỏe hơn.
Đồng thời, các phân khúc khách hàng mới ra đời cùng với sự xuất hiện của những hương vị chè mới như hương chanh, hương bạc hà, hương chocolate, và các hương vị khác đã và đang tạo ra diện mạo mới cho thị trường chè.
Do các chiến lược quảng bá ráo riết của các nhà sản xuất về tác dụng của các loại chè orthodox, cùng với ý thức về lợi ích sức khỏe của người tiêu dùng khiến thị phần các loại chè cao cấp đang lan rộng trên toàn cầu.
Thị hiếu tiêu dùng chè đang thay đổi khi các loại chè giá cao (được pha trộn và đóng gói) ngày càng được lòng người tiêu dùng tại các nước sản xuất chè lớn, nơi các loại chè giá thấp vẫn duy trì vị thế chi phối thị trường.
Nhờ sự đổi mới về sản phẩm chè, nhiều quốc gia đã đạt được giá chè xuất khẩu tăng cao hơn nhiều so với trước đây.
Hiện giá chè cao cấp của Srilanka ở mức 5 USD/kg, giá chè cao cấp của Ấn Độ ở mức 4,5 USD/kg; trong khi giá của các sản phẩm chè truyền thống của Ấn Độ lại giảm chỉ dao động ở mức 2-2,5 USD/kg.
Việt Nam là nước sản xuất chè lớn thứ 7 và là nước xuất khẩu chè lớn thứ 5 toàn cầu, với hơn 500 cơ sở sản xuất, chế biến chè với công suất đạt trên 500.000 tấn chè khô/năm.
Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu của Việt Nam vẫn chỉ bằng một nửa giá chè xuất khẩu bình quân trên thế giới.
Theo các chuyên gia, hiện sản phẩm chè Việt Nam vẫn đang loay hoay để đáp ứng các tiêu chuẩn thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng, Pakistan đưa ra các tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt đối với các nhà xuất khẩu là phải xuất trình giấy chứng nhận mức Aflatoxin.
Quy định này đã khiến các nhà nhập khẩu tại Pakistan cũng giảm lượng mua hàng.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt mới xuất khẩu chè sang các thị trường dễ tính như Pakistan, Trung Quốc...
Còn tại các thị trường châu Âu, Mỹ với các tiêu chuẩn khắt khe hơn đòi hỏi phải có chứng nhận thương mại công bằng, hữu cơ thì thị phần vẫn còn rất khiêm tốn.
Để đẩy mạnh xuất khẩu chè trong thời gian tới, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu chè cần đầu tư sâu hơn nữa vào phát triển chuỗi giá trị ngành hàng chè, đặc biệt là quan tâm sát sao đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chè để có thể thay đổi được hình ảnh chè Việt, cũng như khẳng định được vị thế trên trường quốc tế.
Các doanh nghiệp cần đầu tư hơn nữa vào công nghệ chế biến sâu sản phẩm chè, phối trộn với các thứ nước uống khác để tạo nên hương vị đa dạng, giảm lượng cafein và các chất gây tác dụng phụ trong chè, để bắt kịp sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng chè trên thế giới.
Dưa hấu vuông kỳ lạ xuất hiện ở Hà Nội: Giá chát 4,5 triệu/quả
Dù có giá cao hơn rất nhiều dưa hấu Việt, nhưng dưa hấu vuông Nhật Bản vẫn không đủ hàng để bán do nguồn hàng ... |
Nắng nóng kinh hoàng, dân buôn 'sung sướng' vì bán gần nghìn quả dừa tươi mỗi ngày
Vài ngày gần đây nhiệt độ tăng cao, nhu cầu giải khát của người dân cực kì lớn, tận dụng thời tiết nắng nóng gay ... |